Ông Bùi Xuân Cường thông tin, sau khi được điều chỉnh, tiến độ thực hiện dự án cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19 tại thành phố, kế hoạch thực hiện dự án đã được điều chỉnh...
Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua địa bàn của 6 quận, gồm các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với chiều dài đoạn đi ngầm khoảng 9,09km; đoạn đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn vào depot dài khoảng 1,95km cùng 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 Depot được Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại. Đây cũng là cơ sở để phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.
Sự hình thành của tuyến Metro số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến. Dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và các tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố. Trong giai đoạn 2, tuyến Metro số 2 còn được đầu tư kéo dài tuyến để nối từ ga Bến Thành đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đoạn từ Tham Lương đến Bến xe Tây Ninh. Giai đoạn 3 sẽ kéo dài tuyến từ Bến xe Tây Ninh đến Khu đô thị Tây bắc Củ Chi nhằm góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh 2 khu đô thị mới trên của thành phố.
Mục tiêu đặt ra với tuyến Metro số 2 lớn như vậy, nhưng sau khi được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian hoàn thành dự án thêm 12 năm, từ năm 2008 thành năm 2020, đến nay dự án tiếp tục đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), nguyên nhân kéo dài là do năng lực của đơn vị tư vấn trong nước, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản còn nhiều hạn chế trong quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư ban đầu vào năm 2010. Do đó quá trình triển khai thực hiện dự án sau này đã gặp nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là việc phải điều chỉnh thiết kế của dự án, tác động kéo dài thời gian thực hiện, phát sinh chi phí. Với một loạt nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở, thời gian thực hiện dự án kéo dài, những thay đổi về chính sách tiền lương, trượt giá xây dựng, cơ cấu và lãi suất các khoản vay của các nhà tài trợ... dẫn đến phải điều chỉnh vốn đầu tư cho dự án.
Tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt vào năm 2010 là 26.116 tỷ đồng đã tăng lên 47.890 tỷ đồng vào năm 2019. Việc thay đổi thiết kết cũng đảm bảo cho lưu lượng hành khách thay đổi từ 30.200 hành khách/giờ/hướng lên công suất tối đa 40.000 hành khách/giờ/hướng. Song tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng thêm hơn 21.700 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Cường thông tin, sau khi được điều chỉnh, tiến độ thực hiện dự án cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19 tại thành phố, kế hoạch thực hiện dự án đã được điều chỉnh. Trong đó, việc hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được dời sang năm 2022; việc triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến được ấn định hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2023; công tác lựa chọn nhà thầu trong các năm 2021 - 2023 và việc thi công, vận hành chạy thử và đưa vào khai thác được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026. Dù vậy, đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành dẫn đến nguy cơ kéo theo một loạt các công đoạn khác cũng chậm theo.
Đến tháng 9 vừa qua, trong số 603 hộ dân bị ảnh hưởng, tỷ lệ bàn giao mặt bằng trên tuyến mới đạt 78,7%. MAUR cũng mới chỉ tiếp nhận bàn giao mặt bằng đối với 5/10 nhà ga và đoạn đường dẫn vào Depot Tham Lương từ các địa phương. Đến nay dự án mới chỉ có gói thầu xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương được được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng các gói thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật… cũng mới chỉ đang được xúc tiến dẫn đến tình trạng tổng vốn vay ODA giải ngân từ đầu dự án đến quý 3 vừa qua mới chỉ đạt tỷ lệ 2,5%; vốn đối ứng từ ngân sách tỷ lệ giải ngân cũng mới chỉ ở mức 2%.
Vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay là Hợp đồng tư vấn thực hiện dự án (IC), trong đó tư vấn thực hiện 2 giai đoạn, giai đoạn A - Thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính của dự án và giai đoạn B - Giám sát thực hiện xây dựng dự án. Dù nhà thầu tư vấn IC đang còn trong giai đoạn A, nhưng quá trình thực hiện hợp đồng, việc phê duyệt điều chỉnh dự án kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ chung của dự án, đặc biệt là tiến độ lựa chọn nhà thầu của các gói thầu chính.
Dự án cũng phát sinh một số nội dung trong quá trình thực hiện như hủy đấu thầu một số gói, dẫn đến việc phát sinh phụ lục hợp đồng và việc thương thảo phụ lục hợp đồng giữa MAUR với Tư vấn IC đã kết thúc ngày 10/2 sau hơn 1 năm đàm phán nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận chung. Do từ năm 2018 Tư vấn IC đã không huy động nhân lực vào hỗ trợ dự án, nên UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã thống nhất việc kết thúc thương thảo phụ lục hợp đồng và thực hiện các thủ tục kết thúc hợp đồng với Tư vấn IC vào tháng 5 vừa qua. Sau đó Tư vấn IC đã có văn bản đề nghị mở lại đàm phán để có thể tiếp tục hoàn thành giai đoạn A của Hợp đồng IC và việc này sẽ tiếp tục được 2 bên ngồi lại. Vì vậy, không thể để bất cứ công đoạn nào của dự án tiếp tục bị trì hoãn tiến độ sau khi dự án đã phài lùi thời gian hoàn thành trong thời gian rất dài là yêu cầu cần được TP Hồ Chí Minh đặt ra với dự án này.
Đ.Thắng
4 đoàn tàu của tuyến Metro số 1 tiếp theo về đến TP Hồ Chí Minh |
10 đoàn tàu tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội đã có mặt ở Việt Nam |
Ngày đăng: 09:12 | 22/12/2021
/ cand.com.vn