Ngày 26/3/2019, tại Hà Nội, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã tham dự Hội nghị tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” do Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006 (Đề án 47), với mục tiêu đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam; xác lập luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển; thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững vùng biển, ven biển và hải đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đại biểu tham dự Hội nghị nghe giới thiệu về hệ thống thông tin nhạy cảm môi trường ESIS do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá: Đề án 47 là 1 đề án lớn mang tính tổng thể toàn diện về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và quản lý tài nguyên môi trường biển. Sự đầu tư của Nhà nước bước đầu đã thu được kết quả quan trọng về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về biển, về điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên tài nguyên môi trường biển, về tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực... Nhiều kết quả của các dự án đã được chuyển giao thực tiễn và đang góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đã làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển...
Theo ông Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển: Đến nay, chỉ có 10/45 dự án được phê duyệt có phạm vi điều tra cơ bản ở vùng biển sâu. Trong khi việc điều tra cơ bản ở vùng biển sâu, biển xa rất quan trọng vì khu vực này chứa nhiều tài nguyên có giá trị kinh tế như: dầu khí, khí hydrate… đồng thời việc triển khai thực hiện dự án ở vùng biển sâu còn khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Trong đó, Viện Dầu khí Việt Nam/Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ trì triển khai Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”; Dự án “Thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu về khí hydrate để xác lập các dấu hiệu, tiền đề về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” (thuộc “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”) và triển khai một số nghiên cứu về khoáng sản đáy biển sâu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đại biểu tham dự Hội nghị nghe giới thiệu về sản phẩm anode hy sinh chống ăn mòn do Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, chế tạo
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” do có nhiều đóng góp mới, quan trọng cho khoa học địa chất dầu khí. Đây là dự án nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học, đầy đủ, tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên biển và thềm lục địa Việt Nam; định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; các giải pháp quản lý và khai thác tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả; góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền Quốc gia.
Trên cơ sở xử lý và minh giải khối lượng tài liệu đồ sộ (trên 460.000km địa chấn 2D, 84.000km2 địa chấn 3D, 450 giếng tìm kiếm, thăm dò/thẩm lượng, hàng nghìn giếng khai thác, 12 nghìn mẫu thạch học, địa hóa…), nhóm tác giả đã chính xác hóa cấu trúc địa chất và lần đầu tiên xác định được ranh giới giữa các bể trầm tích, phân bố các cấu tạo triển vọng, dự báo tiềm năng và trữ lượng dầu khí tại chỗ của các bể trầm tích trên thềm lục địa Việt Nam. Công tác xử lý tài liệu địa chấn, minh giải và xây dựng bản đồ, địa vật lý giếng khoan, xây dựng mô hình mô phỏng 3D được thực hiện bằng các phần mềm hiện đại, có độ tin cậy và chính xác cao.
TS. Lê Chi Mai - Viện Dầu khí Việt Nam giới thiệu kết quả nghiên cứu của Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam
Bên cạnh đó, Dự án “Thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu về khí hydrate để xác lập các dấu hiệu, tiền đề về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” đã xác lập các dấu hiệu, tiền đề chứng minh sự tồn tại khí hydrate tại các vùng biển Việt Nam, xây dựng quy trình xử lý và minh giải tài liệu địa chất - địa vật lý hiện có để xác định các dấu hiệu khí hydrate trên các vùng biển Việt Nam; tạo cơ sở cho việc xây dựng chương trình tìm kiếm thăm dò khí hydrate ở Việt Nam.
TS. Lê Chi Mai - Trung tâm Nghiên cứu Tìm kiếm Thăm dò và Khai thác Dầu khí, thuộc Viện Dầu khí Việt Nam, đại diện nhóm tác giả đề xuất: Kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam đã xác định các khu vực có tiềm năng và các khu vực cần ưu tiên điều tra khảo sát. Với kinh nghiệm khảo sát thực địa trong điều kiện ngoài khơi phức tạp cũng như xử lý phân tích, nghiên cứu tổng hợp tài liệu địa chất - địa vật lý, Viện Dầu khí Việt Nam mong muốn được tiếp tục triển khai các dự án nghiên cứu và khoan tìm kiếm, thăm dò khí hydrate trên các khu vực có tiềm năng trên biển Đông. Các số liệu tài liệu khảo sát, thăm dò ngoài khơi của ngành Dầu khí (đặc biệt là tài liệu địa chấn và tài liệu giếng khoan và mẫu vật) rất đa dạng và phong phú, có thể sử dụng để triển khai việc khoanh định và đánh giá tiềm năng khoáng sản đáy biển (Fe, Mn, đa kim và các kim loại quý hiếm…), do vậy Nhà nước cần có cơ chế phối hợp giữa ngành Dầu khí với các Bộ/ngành để sử dụng các nguồn tài liệu này một cách hiệu quả nhất. Do công tác khảo sát nghiên cứu biển có chi phí rất lớn, việc đẩy mạnh hợp tác, phối hợp các lĩnh vực phục vụ điều tra khảo sát tìm kiếm thăm dò dầu khí, gas hydrate, khoáng sản, đánh giá tác động môi trường biển… là hết sức cần thiết.
P.V
Xử lý các dự án chưa hiệu quả: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoạt động rất tích cực, quyết tâm và có những hiệu quả bước đầu
“Có rất nhiều tích cực, nhất là từ phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoạt động rất tích cực, quyết tâm và có ... |
NCSP – Công ty vận chuyển khí Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế
Hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn đã có 11 năm vận hành liên tục không để xảy ra tai nạn dẫn đến nghỉ ... |
Công đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc với Phu Quoc POC
Để nắm bắt tình hình triển khai dự án, các hoạt động phong trào và khích lệ tinh thần của cán bộ Công đoàn Phu ... |
Hiểu thế nào khoản "hoa hồng" dự án dầu khí Junin 2 tại Venezuela?
Cần phải hiểu thế nào cho đúng về khoản được gọi là “hoa hồng” phía Việt Nam phải chuyển cho đối tác sau khi ký ... |
Ngày đăng: 11:30 | 28/03/2019
/