Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống hầm trú ẩn có khả năng chống bom hạt nhân được trang bị cho toàn bộ dân cư nước này, mặc dù có thể họ không bao giờ phải dùng đến.
Hầm chống bom hạt nhân đang trong quá trình xây dựng tại một chung cư ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: Duy Thái/Vietnam+) |
Theo quy định về xây dựng tại Thụy Sĩ, tất cả các tòa nhà chung cư đều phải có hệ thống hầm trú ẩn phòng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thiên tai, và điều đặc biệt là những hầm này đều trang bị khả năng chống chiến tranh hạt nhân.
Hệ thống hầm trú ẩn này được trang bị những chiếc cửa bọc thép dày tới 20cm và hệ thống thông hơi có khả năng lọc chống khí gas, đây là những ngôi nhà tạm thời của người dân trong trường hợp khẩn cấp, chiến tranh thông thường hay chiến tranh hạt nhân.
Mỗi căn hộ tại Thụy Sĩ khi được cho thuê hay được bán đều đi kèm với những căn hầm như vậy. Trong thời bình, những căn hầm này được người dân sử dụng như một nhà kho nhỏ.
Thống kê của Swissinfo cho hay người Thụy Sĩ chi tiêu nhất thế giới (hơn 20% thu nhập) để đảm bảo an toàn đời sống, chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài. Và điều này đã được luật hóa.
Ngày 4/10/1963, quốc hội đã thông qua những điều luật phải có hầm trú bom hạt nhân trong quá trình các công trình xây dựng tại Thụy Sĩ.
Điều 45 và 46 của Luật Bảo vệ dân sự Liên bang Thụy Sĩ quy định: “Mọi người dân phải có một nơi an toàn có thể di chuyển tới đó một cách nhanh chóng từ nơi ở” và “những chủ sở hữu chung cư cần xây dựng và tu bổ những nơi trú ẩn cho tất cả những người sinh sống mới chuyển đến.”
Hầm chống bom hạt nhân đang trong một tòa nhà chung cư tại Thụy Sĩ, với cánh cửa dày 20cm. (Ảnh: Duy Thái/Vietnam+) |
Từ những năm 1960, thời kỳ thế giới đang sống trong cuộc Chiến tranh Lạnh, với nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô, Thụy Sĩ đã trang bị đủ hầm chống hạt nhân cho toàn bộ người dân.
Lúc đó, mối lo sợ tấn công hạt nhân từ Liên Xô với châu Âu tăng cao và một trong những khẩu hiệu tại Thụy Sĩ thời điểm đó là: “Trung lập không phải là sự bảo đảm chống phóng xạ hạt nhân.”
Đó là lý do tại sao phần lớn những ngôi nhà xây dựng từ những năm 1960 đều được trang bị hệ thống hầm đặc biệt kể trên.
Tới năm 2006, trên toàn Thụy Sĩ, có 300.000 hầm trú ẩn chống được bom hạt nhân được xây dựng trong các tòa chung cư, trụ sở công quyền và bệnh viện.
Ngoài ra có 5.100 hầm trú công cộng, có thể đảm bảo nơi trú ẩn cho 8.6 triệu người, tức nhiều hơn dân số Thụy Sĩ.
Mặc dù là quốc gia trung lập và không phải chứng kiến bất kỳ cuộc chiến tranh nào kể từ suốt hơn 200 năm qua, Thụy Sĩ lại là quốc gia hàng đầu thế giới trong việc trang bị hầm trú ẩn cho người dân.
Các cuộc điều tra quốc tế đã cho thấy điều này và theo thống kê chỉ có Thụy Điển và Phần Lan là hai nước theo sát được Thụy Sĩ trong việc xây dựng hầm trú ẩn toàn dân.
Tuy nhiên, hệ thống hầm của hai nước này cũng chỉ đảm bảo được 81% (Thụy Điển) và 70% (Phần Lan) quy mô dân số.
Ngay cả tại quốc gia có nguy cơ bị tấn công quân sự cao như Israel, tỷ lệ này cũng chỉ khoảng 2/3 dân số và cấu trúc hầm của Israel cũng đơn giản hơn Thụy Sĩ, tức không có khả năng chống bụi phóng xạ.
Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, rất nhiều boongke của quân đội Thụy Sĩ đã được trang bị thêm khả năng chống hạt nhân và nay một số được đã bán cho tư nhân.
Hướng dẫn sử dụng cánh cửa bọc thép của hầm. (Ảnh: Duy Thái/Vietnam+) |
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quốc gia đã thay đổi quy định đối với việc xây dựng các hầm, boongke chống hạt nhân. Tuy nhiên, người Thụy Sĩ không thay đổi quy định này mặc dù đã có những ý kiến phản đối.
Năm 2005, nghị sỹ Pierre Kohler đệ trình quốc hội đề xuất bỏ quy định bắt buộc phải xây dựng hầm chống bom hạt nhân đối với các công trình tư nhân vì cho rằng điều này không có nhiều ý nghĩa sử dụng và thể hiện “tư duy của quá khứ,” đồng thời đẩy chi phí xây dựng lên cao.
Tuy vậy, sau khi phân tích tình hình, chính phủ Thụy Sĩ vẫn kết luận rằng hệ thống hầm trú ẩn này là hữu dụng, không chỉ trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang, mà còn giúp đối phó với những cuộc tấn công khủng bố sử dụng “vũ khí bẩn,” hay khi xảy ra những sự cố hóa học, thảm họa thiên nhiên.
Tất cả nhằm đảm bảo một tương lai chắc chắn cho mọi người dân Thụy Sĩ.
Chi phí đắt đỏ
Năm 2006, Thụy Sĩ đã có khoảng 300.000 hầm chống hạt nhân tại nhà riêng, công sở, bệnh viện đảm bảo chỗ trú ẩn cho 7.5 triệu người và 5.100 hầm công cộng cho 1.1 triệu người khác.
Con số này tiếp tục tăng lên cùng với số lượng các tòa nhà mọc lên khắp Thụy Sĩ, mặc dù con số này không phải quá lớn, do Thụy Sĩ kiểm soát việc xây dựng rất chặt.
Chi phí hàng năm để xây dựng, bảo trì hay phá hủy các hầm trú ẩn này lên tới khoảng gần 170 triệu CHF (tương đương khoảng 180 triệu USD).
Trong số đó, khoảng 130 triệu USD do khu vực tư nhân chi trả, phần còn lại do các cơ quan nhà nước Thụy Sĩ đảm nhiệm.
Tổng giá trị của hệ thống hầm trú ẩn bom hạt nhân tại Thụy Sĩ trị giá khoảng 13 tỷ USD.
Để xây dựng một hầm trú ẩn hạt nhân tại nhà riêng tốn khoảng hơn 10.000 USD. Người dân có nhà riêng (không phải chung cư) không bắt buộc phải xây dựng một hầm trú bom đắt đỏ như trên.
Trong trường hợp đó, họ phải trả cho quận nơi mình ở 1.500 CHF cho mỗi vị trí trong các hầm trú ẩn công cộng.
Bên trong hầm được chia thành các ô nhỏ, rộng khoảng 10 m2, thời bình thường được sử dụng làm nhà kho. (Ảnh: Duy Thái/Vietnam+) |
Tính toán của chính quyền Thụy Sĩ cho biết trong giai đoạn từ năm 1979 đến 2006, các quận thu về khoảng 1.3 tỷ CHF từ người dân và chi 750 triệu CHF cho việc xây dựng các hầm công cộng.
Trong thời bình, người dân được phép sử dụng các hầm này vì những mục đích khác nhau, như kho lưu trữ đồ đạc, song phải được sắp xếp ngăn nắp.
Trong những năm gần đây khi cuộc khủng hoảng tị nạn bùng nổ ở châu Âu, một số hầm trú ẩn này đã được Thụy Sĩ sử dụng để làm nơi ở tạm cho những người tị nạn.
http://danviet.vn/the-gioi/day-la-nuoc-co-he-thong-ham-chong-bom-hat-nhan-lon-nhat-the-gioi-803697.html
Ngày đăng: 15:00 | 11/09/2017
/ Dân Việt