Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2022 của Công ty Chứng khoán KBSV đã cho thấy một số nhóm ngành như công nghệ thông tin, bất động sản, ngân hàng… là những nhóm nhà đầu tư nên chú ý quan tâm.

 
Đầu tư vào nhóm ngành nào trong 6 tháng cuối năm?
Nhà đầu tư nên lưu ý nhóm ngành nào từ nay đến cuối năm 2022?

Hai kịch bản với kinh tế Mỹ

Trong cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất từ 1994 nhằm kiềm chế lạm phát. Cụ thể, Fed đã nâng lãi suất cơ bản (Fed fund rate) thêm 75 điểm, lên mức 1.5%-1.75%.

Chuyên gia của KBSV cho rằng việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay sẽ tạo rủi ro đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái khi mà mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ở nhóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy vốn vay lớn, vốn chỉ tồn tại được nhờ môi trường lãi suất thấp trong một thời gian dài. Cùng với đó là lạm phát duy trì ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, KBSV đưa ra hai kịch bản để đánh giá thị trường đối với rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ:

Kịch bản tích cực, với xác suất hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ hiện vẫn lớn hơn 50%, đây vẫn đang là kịch bản cơ sở KBSV đưa ra. Theo đó, lạm phát sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới, FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất với tốc độ như kỳ vọng lên mức 3-3.25% cuối năm 2022. Sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để vượt qua được đợt tăng lãi suất mà không xảy ra suy thoái.

Trong kịch bản này, tác động tiêu cực của FED nâng lãi suất không quá lớn và không tác động mạnh đến nền tảng vĩ mô cũng như sức khoẻ doanh nghiệp niêm yết trong nước. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhờ nền tảng vĩ mô vững mạnh.

Trong kịch bản tiêu cực, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài hơn dự kiến khiến cho chuỗi cung ứng các mặt hàng xăng dầu, khí đốt, phân bón và lương thực thực phẩm tiếp tục đứt gãy. Lạm phát tăng mạnh hơn so với dự báo và hiện chưa có dấu hiệu tạo đỉnh buộc Fed phải nâng lãi suất quyết liệt hơn so với kịch bản cơ sở cuối năm 2022, lên mức tối thiểu là 3.5%-3.75%. Mặt bằng lãi suất tăng, lạm phát cao và chính sách tài khoá thu hẹp sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ mới phục hồi từ đại dịch Covid-19 đi vào suy thoái.

Mặc dù bối cảnh vĩ mô và thị trường chứng khoán ở mỗi giai đoạn là khác nhau, KBSV cho rằng thị trường chứng khoánMỹ có thể giảm 25% từ đỉnh trong kịch bản suy thoái diễn ra. KBSV cho rằng, trong kịch bản Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam theo P/E sẽ thấp hơn 25% so với trung bình 5 năm, tương đương mức 10.x.

z3558290888617_a7f990fdf2fb670b15bc7fd96669e979.jpg

Hạ dự báo VN-Index

Nửa cuối năm 2022, KBSV hạ dự phóng chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 xuống 1.418 điểm (từ mức 1.680 điểm đưa ra cuối quý 2), với kịch bản cơ sở suy thoái kinh tế Mỹ sẽ chưa diễn ra trong 2 quý cuối năm, dù rủi ro vẫn hiện hữu (tương đồng với tổng hợp dự báo các tổ chức tài chính trên thế giới xác suất suy thoái ở Mỹ trong 12 tháng tới là 40%).

Cụ thể hơn, KBSV duy trì dự báo tăng trưởng EPS bình quân của của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX ở mức 15.1% trong khi mức P/E mục tiêu cho năm 2022 giảm mạnh xuống 14.3 lần nhằm phản ánh rủi ro ngoại biên gia tăng.

Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.

Nhóm ngành cần quan tâm

Đối với triển vọng các nhóm ngành, KBSV có một số phân tích và khuyến nghị sau:

Với nhóm ngành bất động sản, thị trường bất động sản từ đầu quý 2/2022 cho tới cuối năm dự báo gặp nhiều thách thức khi thứ nhất, lãi suất cho vay mua nhà gặp áp lực tăng khi lãi suất huy động tăng ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của người mua nhà. Thứ hai, các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu. Thứ ba, room tín dụng hạn chế của các ngân hàng thương mại ảnh hưởng tới khả năng cấp tín dụng cho khách mua nhà.

Trong bối cảnh khó khăn, những doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn với đầy đủ pháp lý và có cơ cấu tài chính an toàn, có các dự án đang mở bán tiến độ bán hàng khả quan đảm bảo được dòng tiền là các cơ hội đầu tư đáng chú ý. Cùng với đó, giá cổ phiếu nhóm ngành bất động sản đã điều chỉnh tương đối sâu về vùng giá hấp dẫn với P/B dao động quanh 1. Một số mã cổ phiếu tiêu biểu có thể kể đến như VHM, KDH, NLG, DXG

Với nhóm Bất động sản khu công nghiệp, về triển vọng trung hạn, ngành Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam được hưởng lợi nhờ vác hợp đồng thương mại tự do (FTAs) được ký kết; Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc nhờ chi phí nhân công và giá cho thuê đất thấp hơn so với khu vực; và cuối cùng đầu tư công được đẩy mạnh với nhiều dự án hạ tầng trọng điểm giúp tăng kết nối giữa các vùng, kết nối Việt Nam với quốc tế cũng là yếu tố thu hút FDI trong tương lai.

Giá cổ phiếu nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp đã có nhịp giảm mạnh về mức tương đối hấp dẫn so với triển vọng cơ bản. Một số doanh nghiệp Bất động sản khu công nghiệp đáng chú ý là KBC, PHR, NTC, IDC. Đây là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất thương phẩm lớn, nằm ở vị trí thuận lợi tại các tỉnh trọng điểm là vệ tinh sản xuất quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Với ngành Điện, các cổ phiếu ngành điện đã có đà tăng giá đáng kể trong Quý 2 khi thị trường kì vọng vào câu chuyện hồi phục trong năm 2022 và ngành phòng thủ để đương đầu với áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế trong tương lai.

Mặc dù các cổ phiếu ngành điện đã có một nhịp điều chỉnh và đưa mức định giá trở nên hợp lý hơn nhưng đây vẫn là nhóm được hưởng lợi chính trong nửa cuối năm 2022 là nhóm thuỷ điện và năng lượng tái tạo do: Thứ nhất, mùa mưa tới cùng hiện tượng La Nina kéo dài tới hết năm 2022 ủng hộ cho hoạt động của thuỷ điện; Thứ hai, giá các nguyên vật liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện ở mức cao tạo lợi thế cạnh tranh về giá lớn cho nhóm thuỷ điện và năng lượng tái tạo. Các cổ phiếu đáng chú ý của 2 nhóm này có thể kể đến như: REE, PC1, GEG.

Với ngành Công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nước diễn ra mạnh mẽ ở cả khối doanh nghiệp và khối hành chính công. Mảng Viễn Thông dự kiến tăng trưởng ổn định với động lực từ tăng thuê bao internet băng thông rộng khoảng 8-10% và tăng trưởng của mảng truyền hình OTT (truyền hình cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao) khi nhu cầu giải trí thông qua truyền hình OTT đang dần phổ biến tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phát triển internet băng thông rộng di động bao gồm 4G-5G sẽ là bước đi đột phá cho các doanh nghiệp viễn thông. KBSV cho rằng các doanh nghiệp ngành Công nghệ - Thông tin sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 con số trong năm 2022. Các cơ hội đầu tư có thể xem xét bao gồm nhóm cổ phiếu có hoạt động xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số mạnh mẽ cùng với mức định giá vẫn hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực như FPT và CMG.

Đối với nhóm ngành Ngân hàng, KBSV duy trì quan điểm tích cực với ngành Ngân hàng trong Quý 3/2022. Những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với bộ đệm dự phòng vững chắc như BID, VCB, VPB, MBB, TCB là các cơ hội đầu tư thích hợp. MBB và VPB được kỳ vọng sẽ có hạn mức tín dụng vượt trội hơn hẳn so với ngành, khoảng 25 – 30%.

Giá cổ phiếu ngân hàng đã có mức sụt giảm sâu khoảng 30% từ đầu năm do tác động từ thắt chặt tín dụng bất động sản, room tín dụng cạn và các thông tin xấu liên quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Định giá toàn ngành theo PB đang ở mức 1.5x–tương đương mức -1Std của trung bình PB 3 năm. Kết hợp cùng triển vọng khả quan hơn về kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm KBSV đánh giá đây là mức định giá hấp dẫn cho ngành.

Rủi ro chính đối với nhận định gồm có: Thứ nhất, nợ xấu từ các doanh nghiệp bất động sản tăng nhanh khi tín dụng bất động sản vẫn bị thắt chặt; Thứ hai cuối quý 3 NHNN mới nới room tín dụng; Thứ ba lạm phát cáo hơn dự kiến khiến NHNN tiếp tục thắt chặt dòng tiền tín dụng.

Ngày đăng: 10:48 | 12/07/2022

Đăng SM /