Nếu bệnh viện tuyến dưới được đầu tư tốt, bệnh viện tuyến trên sẽ bớt quá tải. Bác sĩ chuyên môn giỏi, máy móc thiết bị tốt cũng giúp việc điều trị được nhanh, hiệu quả cao, bác sĩ nhẹ nhàng trong công việc mà người dân cũng hài lòng hơn.
Sáng 22-9, Báo Người Lao Động đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực truyến với chủ đề "Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân" với hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM, kết nối người dân với các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Quận 2 và Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP HCM).
Thu hút người bệnh về tuyến quận, huyện
Đầu tư cho chuyên môn là quan trọng nhất |
Nhiều bạn đọc ở các thành phố lớn bày tỏ sự băn khoăn: họ luôn đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến thành phố, kể cả các "bệnh vặt", chen chúc khổ sở vì quá tải. Để rồi, nhiều khi chạy ngang các bệnh viện quận/huyện, thấy chúng vừa gần nhà, vừa rộng rãi, đôi khi cũng muốn chuyển hẳn nơi đăng ký khám chữa bệnh về, nhưng lại lo lắng không biết các bệnh viện ấy có đủ trình độ chuyên môn cho những lúc "dầu sôi lửa bỏng"?
Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vấn đề tăng cường y tế cơ sở không chỉ là quan tâm của xã hội, mà của cả ngành y tế. Thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện đã được đầu tư rất nhiều để phát triển thành những bệnh viện đa khoa, thậm chí phát triển cả các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên khoa sâu, nhất là tại các đơn vị cửa ngõ. Tuy nhiên, thói quen của người dân khó thay đổi ngay lập tức. Điều này khiến tuyến trên quá tải, còn nguồn lực của tuyến dưới thì chưa được tận dụng triệt để. Và vì quá tải, nhiều người lại cảm thấy không hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện đã được tập trung đầu tư. Nếu như trước đây, người dân biết đến các bệnh viện này như cơ sở y tế hạng 3, có đầy đủ chuyên khoa nhưng chủ yếu giải quyết những vấn đề thường thức, các phẫu thuật không quá khó khăn; thì bây giờ mọi chuyện đã khác. Ví dụ, Bệnh viện Quận Thủ Đức ở TP HCM từ lâu đã được "thăng hạng" thành bệnh viện hạng 1, có đến 800 giường kế hoạch, tương đương với các bệnh viện tuyến thành phố. Bệnh viện quận 2 là bệnh viện đa khoa hạng 2 với 450 giường nội trú, phát triển nhiều chuyên khoa sâu như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, sản phụ khoa, tim mạch, hô hấp, thận nhân tạo… và là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Còn vấn đề làm sao để thu hút người dân, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, điều được chú trọng đầu tiên vẫn là lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn lực con người. Song song đó là việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ chuyên môn và quản lý bệnh viện. Chuyên môn giỏi, bệnh viện sạch sẽ, khang trang, các quy trình đơn giản, hợp lý, bệnh nhân sẽ tin cậy và lựa chọn.
"Những lo lắng của bạn cũng hoàn toàn giống tâm lý của nhiều độc giả khác, chưa tin tưởng vào khả năng năng lực của bệnh viện tuyến dưới. Điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên trong thời gian vừa qua các bệnh viện tuyến duới đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ, năng lực chuyên môn. Việc khám chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện tuyến dưới là cần thiết, vì nếu tất cả đều dồn lên tuyến trên sẽ làm quá tải bệnh viện, điều đó sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ. Trong trường hợp người bệnh đến khám tại tuyến quận/huyện mà ở đó họ không đủ khả năng giải quyết thì sẽ chuyển lên tuyến trên, độc giả có thể yên tâm" - Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế trả lời một bạn đọc lo lắng về chất lượng của tuyến dưới.
Phải biết "xử lý khủng hoảng"
Việc không hài lòng giữa người bệnh và nhân viên y tế đôi khi vẫn xảy ra, thậm chí có các trường hợp dẫn đến việc người bệnh và người nhà xô xát, hành hung nhân viên y tế và điều này rõ ràng ảnh hưởng đến cả những người bệnh khác.
Một bạn đọc thậm chí còn nêu ra ý tưởng "cấm bay" tương tự ngành hàng không đối với những bệnh nhân có "tiền sử" quá khích. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng: "Dịch vụ y tế khác với dịch vụ hàng không bởi tính nhân văn của nó. Ngành y tế không được từ chối khám chữa bệnh bất kể đó là ai, dù họ có hành vi bạo hành và xúc phạm thầy thuốc. Tuy vậy, với những khách hàng này cũng cần quản lý đặc biệt nhằm bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế". Theo ông, khi đã dẫn đến sự hành hung, xô xát thì cần có sự can thiệp của các cơ quan pháp luật chuyên trách chứ không phải chuyện quan hệ giữa bệnh nhân – thầy thuốc nữa.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quận Thủ Đức, để làm cho người dân thật sự hài lòng, ngoài công tác chuyên môn, còn rất cần chú trọng đến các mặt khác, như nâng cao thái độ phục của cán bộ y tế; đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên để họ an tâm công tác; cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin; cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh: dịch vụ tắm-gội-giặt-ủi, dịch vụ chăm sóc tại nhà, có đội ngũ xe sẵn sàng đưa đón bệnh nhân khi có nhu cầu, thành lập siêu thị mini phục vụ 24/24; có đội ngũ chăm sóc khách hàng chủ động tiếp thu, xử lý kịp thời thắc mắc cũng như thăm hỏi người bệnh và thân nhân trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Làm tốt những điều này cũng là cách để ngăn ngừa những sự việc "ngoài tầm kiểm soát".
http://nld.com.vn/suc-khoe/dau-tu-cho-chuyen-mon-la-quan-trong-nhat-20170922120751778.htm
Ngày đăng: 21:01 | 24/09/2017
/ Theo Anh Thư/nguoilaodong.com.vn