Làm sao để môi trường giáo dục được trong lành, tử tế? Làm sao để những người thầy không dễ quỳ xuống để có một chỗ làm kiếm sống qua ngày?
Ảnh cắt từ clip
Gây sốt trên mạng xã hội hôm qua là đoạn clip ngắn ghi lại cảnh tượng đau lòng ở trường mầm non Tuổi Thơ (thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Theo nội dung trong đoạn clip, sáng hôm 12/6, đoàn công tác thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương (Nghệ An) do Chủ tịnh UBND thị trấn Nguyễn Văn Vinh làm trưởng đoàn đến làm việc tại Nhóm trẻ Mầm non Tuổi Thơ.
Đoàn công tác đã yêu cầu Nhóm trẻ Mầm non Tuổi Thơ tạm dừng tất cả mọi hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh không đưa con em mình đến nhóm trẻ này. Khi ông Nguyễn Văn Vinh cùng đoàn làm việc ra về, nhiều giáo viên, bảo vệ đã cùng nhau quỳ xuống khóc, xin cơ quan chức năng thay đổi quyết định.
Chứng kiến cảnh tượng này, một “cơn bão” tranh cãi đã nổ ra trên mạng xã hội. Người thì cho rằng các cô giáo làm như vậy có thể thông cảm được, vì miếng cơm manh áo, họ không thể mất việc nên trong lúc cảm thấy bị dồn đến đường cùng, các cô giáo đã phải quỳ xuống khóc lóc xin ai đó rủ lòng thương xót?
Có người lại cho rằng không thể chấp nhận được hành động của các cô giáo trong clip. Nếu không còn cửa làm giáo viên mầm non, họ có thể đi làm việc khác, miễn là nghề lao động chân chính chứ không thể tự hạ thấp phẩm giá của mình.
Quả thực, clip này khiến tất cả chúng ta cảm thấy có phần nào đó… bẽ bàng. Bởi mới vài tháng trước đây, cả xã hội đã gần như sục sôi lên trước câu chuyện một nhóm phụ huynh đến trường bắt cô giáo phạt quỳ học sinh phải quỳ ngay trong lớp học để xin lỗi ở huyện Bến Lức, Long An. Kẻ bắt cô giáo quỳ trong lớp đã bị khai trừ khỏi Đảng, thầy hiệu trưởng trường đó đã bị cách chức vì không bảo vệ được giáo viên của mình.
Ở đây, có đến hàng chục cô giáo sẵn sàng quỳ xuống bên đường, trước mũi xe ô tô, van xin ông chủ thu hồi lại quyết định, vẫn cho nhà trường được tiếp tục dạy dỗ học sinh. Cho dù không ai bắt các cô phải quỳ, việc quỳ xuống xin là do các cô tự nguyện (có lẽ rủ nhau), nhưng nhìn hình ảnh ấy, có ai không thấy lòng mình thắt lại, cay đắng?
Không phán xét hành vi ấy ở phía miếng cơm manh áo ở đời, nhưng đây là những người thầy cơ mà?
Người thầy không phải là người làm “dịch vụ giáo dục” như cách mà Bộ GD ĐT giải thích khi chuyển từ “học phí” sang “học giá” mới gần đây. Người thầy là người hình thành nhân cách cho học sinh, dạy các em những điều cốt lõi để trở thành một con người có tự trọng, có nhân cách hoàn thiện, có liêm sỉ… Tại sao mới chỉ gặp một khó khăn thử thách, những người thầy ấy lại quỳ xuống đường, khóc lóc van xin?
Điều đáng buồn là từ những hành động và lối suy nghĩ, ứng xử như thế, dường như ngành giáo dục lại càng trở nên… dễ bị xem thường trong con mắt người đời. Các thầy cô có lẽ không hoàn toàn có lỗi, họ là nạn nhân thì đúng hơn.
Làm sao để môi trường giáo dục được trong lành, tử tế? Làm sao để những người thầy không dễ quỳ xuống để có một chỗ làm kiếm sống qua ngày? Làm sao để cho xã hội nhìn vào hình tượng người thầy, thấy vẫn còn đó những chân giá trị, những chuẩn mực để cho mọi người nhìn vào và noi theo?
Những câu hỏi đơn giản này đột nhiên trở nên nhức nhối, bẽ bàng.
Chơi đàn cổ vũ chàng trai cầm hoa quỳ gối trước cổng Nhạc viện
Đám đông đã vây quanh chàng trai cầm hoa quỳ gối mặc áo màu đen. Thậm chí, một số bạn trẻ còn chơi đàn để ... |
Chuyện về một đồng nghiệp của “cô giáo quỳ xin lỗi”
Chuyện cô giáo quỳ xin lỗi cha mẹ học sinh ở Trường Tiểu học (TH) Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã gây ... |
Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Hiệu trưởng bị điều xuống đứng lớp
Liên quan đến vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh, sáng 11/4, quyết định cách chức ông Huỳnh Công Sơn - Hiệu trưởng Trường ... |
Ngày đăng: 09:10 | 14/06/2018
/ Đất Việt