Theo các chuyên gia, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nguồn không khí ô nhiễm thường được sản sinh ra từ các phương tiện giao thông như: xe máy, xe bus, ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khui công nghiệp hay công trình xây dựng.
Theo các chuyên gia, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nguồn không khí ô nhiễm thường được sản sinh ra từ các phương tiện giao thông như: xe máy, xe bus, ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khui công nghiệp hay công trình xây dựng.
Những loại máy móc, động cơ này sử dụng nguyên liệu chủ yếu là xăng, dầu nên lượng khí thải ra môi trường sẽ bao gồm rất nhiều các chất có hại như: hydrocacbon, cacbon dioxide, cacbon monoxit, oxit nitơ, sulfur dioxide, và bụi mịn PM10, PM2.5.
Chất lượng không khí Hà Nội vài ngày qua ở mức rất thấp |
Đây đều là những "thủ phạm" không chỉ việc gây ra hiệu ứng nhà kính như cacbon dioxide mà còn gây độc cho cơ thể tùy theo hàm lượng.
Tác giả của một số nghiên cứu và các chuyên gia cho biết ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ nhiều lĩnh vực và phần lớn đến từ các hoạt động bên ngoài Hà Nội. Ô nhiễm có thể tăng lên nếu không có thêm các biện pháp kiểm soát.
Nhưng có dấu hiệu cho thấy các nhà máy điện than ở quanh Hà Nội đang là một trong những nguồn gia tăng nhanh nhất đóng góp vào ô nhiễm không khí ở thủ đô. Điều này được thể hiện qua một số nghiên cứu và tính toán định lượng.
Một nghiên cứu đã định lượng được các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 ở Hà Nội cho thấy với kịch bản tăng trưởng như hiện tại, dù tính cả các chính sách kiểm soát phát thải hiện có và đã lên kế hoạch, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội có thể tăng khoảng 20% vào năm 2030.
Trong đó, "mức tăng lớn nhất về nồng độ PM2.5 sẽ đến từ phát thải trong ngành điện", nghiên cứu viết.
Đó là kết quả ban đầu của nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018.
Theo nghiên cứu, vào năm 2015, các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (1/4), kế đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%).
Về nguồn gốc địa lý, các hoạt động gây ô nhiễm không khí Hà Nội không nhất thiết phải diễn ra trong Hà Nội. Nghiên cứu ước tính rằng chỉ 1/3 mức ô nhiễm PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đến từ trong phạm vi thành phố. 2/3 phần còn lại đến từ các tỉnh khác.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu năm 2015, trước khi Quy hoạch Điện VII được điều chỉnh tháng 3/2016. Dù vậy, nghiên cứu cho thấy khi công suất nhiệt điện than tăng lên theo quy hoạch, điện than có thể trở thành nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào nồng độ PM2.5 tính trung bình cả năm ở Hà Nội.
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, công suất nhiệt điện than sẽ là 55.000 MW vào năm 2030, giảm so với kế hoạch ban đầu 75.000 MW. Công suất lắp đặt của nhiệt điện than ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 13 GW năm 2015 lên 18,5 GW năm 2018.
Khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài |
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong tuần qua. Trong các ngày 10-13/12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (AQI trong khoảng 201-300).
Giá trị trung bình của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt ở Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày 11-12/12. Chất lượng không khí liên tục ở mức xấu (cảnh báo màu đỏ), một số nơi chạm ngưỡng rất xấu (cảnh báo tím).
Không khí có chất lượng xấu nhất trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 8h hôm sau. Sau 12h trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày 10-13/12, AQI ở mức rất xấu chiếm đến 32,5% số thời gian trong ngày. Dự báo ngày 18/12, Hà Nội mới có thể xuất hiện mưa, giúp giảm ô nhiễm.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 khi đi ra đường.
Phóng viên (T/h)
Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống
Ngày đăng: 08:37 | 17/12/2019
/