Khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được đánh giá có thiếu vitamin D hay không.

BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cơ sở 2 cho biết, gần đây đơn vị tiếp nhận nhiều bé đến khám do đổ hôi khi ngủ (còn gọi là mồ hôi trộm), trẻ trằn trọc, khó ngủ, đau mỏi chân tay đặc biệt sau chơi thể thao. Đa số đều có biểu hiện thiếu vitamin D. 

Đa số chúng ta chỉ biết đến vai trò quan trọng của vitamin D trong việc tạo nên cấu trúc xương, mà không biết vitamin này có rất nhiều vai trò quan trọng khác trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin.

Vitamin D cũng ảnh hưởng đến sự biệt hoá một số tế bào ung thư như ung thư da, xương và các tế bào ung thư vú; giảm nguy cơ phát triển ung thư (vú, đại tràng và tuyến tiền liệt), điều hoà cân bằng nội môi của can xi và phốt pho trong cơ thể.

Dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D cha mẹ cần lưu ý - 1

Vitamin D chủ yếu được tổng hợp tự nhiên qua da người nên cần được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, các nghiên cứu kết luận vitamin D không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch bẩm sinh, mà còn giúp hệ miễn dịch không phản ứng quá mức đưa cơ thể người vào tình thế nguy hiểm có thể tử vong. Nghĩa là vitamin D có thể giảm tỷ lệ tử vong đến 50% do giảm các biến chứng dẫn đến tử vong sau khi mắc bệnh. 

Nếu thiếu hụt vitamin D gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em, cũng như gây loãng xương ở người lớn.

Bác sĩ khuyên cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được đánh giá có thiếu vitamin D hay không khi thấy trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu như: Trẻ quấy khóc nhiều, khó ngủ và trằn trọc không ngủ được, ra mồ hôi trộm (vào ban đêm khi trời không nóng), trẻ mọc răng chậm, chậm biết đi, biến dạng xương, đau mỏi chân tay...

Khi nào cần bổ sung vitamin D cho trẻ?

Theo kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ là 23,9%. Trong đó, lứa tuổi 6-15 là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nhất là tăng trưởng về chiều cao và sự khoáng hóa xương. Đây được coi là giai đoạn cuối cho trẻ phát triển đột phá về thể chất tốt nhất. Vì vậy, dinh dưỡng giai đoạn này rất quan trọng, đặc biệt vitamin D và canxi.

Theo các khuyến nghị, lượng bổ sung vitamin D ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi là 400 IU/ ngày, trẻ từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành nhỏ hơn 50 tuổi là 600 IU/ngày, ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ngày.

Theo BS Ngọc, những nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D trầm trọng là: trẻ sinh non, trẻ không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (sinh trong mùa đông); trẻ có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt, không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D; trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hoá kéo dài…).

Những cách bổ sung vitamin D

Vitamin D cung cấp chủ yếu cho cơ thể là tổng hợp vitamin D3 ở da, chiếm khoảng 90-95% tổng lượng vitamin D được tổng hợp từ môi trường vào cơ thể. Nguồn cung cấp thứ yếu vitamin D từ thức ăn chiếm 5-10% tổng lượng vitamin D được tổng hợp, phần lớn là vitamin D2. 

Để phòng bệnh còi xương ở trẻ, cha mẹ cần bổ sung vitamin cho con bằng các cách như:

- Tắm nắng: Vitamin D chủ yếu được tổng hợp tự nhiên qua da người nên cần được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Mùa hè đã đến, cha mẹ đừng quên cho con tắm nắng mỗi ngày để bổ sung nguồn vitamin tuyệt vời và miễn phí này. Trường hợp trẻ cách ly, gia đình cần tăng cường mở rộng cửa sổ để nhà được thông thoáng và cho trẻ chơi nhiều nhất có thể chỗ có ánh nắng mặt trời vào nhà.

- Chế độ dinh dưỡng: Là loại vitamin tan trong chất béo, trong dầu, hấp thu cùng chất mỡ vào vòng tuần hoàn chung, vì vậy cần đa dạng thực phẩm giàu vitamin D trong bữa ăn như cá béo tươi, nấm, lòng đỏ trứng gà, sữa chua nguyên kem, gan bò và thịt vịt.

- Bổ sung vitamin D theo đơn của bác sĩ nếu có.

https://vtc.vn/dau-hieu-tre-thieu-vitamin-d-cha-me-can-luu-y-ar673774.html

Ngày đăng: 14:26 | 02/05/2022

Thanh Hải / VTC News