Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 6 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có tới 4 ca "nội địa". Vậy, dấu hiệu nào nhận diện bệnh đậu mùa khỉ?
Trong 6 ca mắc đậu mùa khỉ, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 5 ca. Hai ca bệnh gần đây nhất đều là nam, trú tại huyện Bình Chánh và quận Tân Bình.
Cả hai đều xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ và tự đi khám tại Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Các bệnh nhân chưa đi nước ngoài trong thời gian gần đây.
Nhiều người cho rằng các dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ có thể nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia truyền nhiễm, bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện bằng một hình ảnh điển hình bao gồm nổi hạch nhiều nơi trong cơ thể, kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và sau đó là có nhiều mụn đỏ gọi là phát ban trên da.
Khởi đầu ban xuất hiện ở mặt, sau đó lan ra vùng ngoại vi như lòng bàn tay, bàn chân nhiều hơn phần ngực, bụng.
Khác với thủy đậu, thủy đậu nổi ban đỏ ở trong thân như ngực, bụng nhiều hơn và hoàn toàn không có nổi hạch. Bệnh đậu mùa khỉ còn thấy ở vùng mũi miệng và bộ phận sinh dục, các mụn nước vỡ ra thành vết loét. Thậm chí ban đỏ còn xuất hiện ở mắt như giác mạc và kết mạc với tỷ lệ rất nhỏ.
Ở bệnh nhân đậu mùa khỉ, phát ban bắt đầu ở dạng nốt ban đỏ sau đó chuyển sang dạng sẩn gồ lên mặt da, rồi có mụn nước, mụn mủ và cuối cùng khô lại để tạo thành lớp vảy bong ra.
Số lượng mụn nước cũng có thể thay đổi từ một đến hàng ngàn cái trên da. Nổi hạch được coi là một đặc điểm điển hình của đậu mùa khỉ, nó có thể được sử dụng để phân biệt giữa bệnh đậu khỉ và các bệnh đậu khác.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trường hợp được xem là nghi ngờ mắc bệnh là có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ nhưng không giải thích được; có một hoặc các triệu chứng như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi... Đặc biệt, trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca bệnh nghi ngờ (thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cá nhân của người bệnh...
Với trường hợp mắc bệnh, cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, trước đây, các ca nhiễm chủ yếu được ghi nhận tại những nước xa Việt Nam như châu Phi, châu Âu, cơ hội bệnh xâm nhập thấp.
Tuy nhiên vài tuần nay, số ca mắc đậu mùa khỉ ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan tăng cao. Như vậy, những ca bệnh nội địa này có tác nhân gây bệnh thầm lặng lây truyền vài thế hệ trước khi bị phát hiện trong cộng đồng.
Ngày đăng: 18:26 | 04/10/2023
Theo CAND /