Vụ việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần (Acepromazine) xảy ra tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), đã chính thức được Ban quản lý an toàn thực phẩm đề xuất thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tiến hành tiêu hủy toàn bộ lô heo bị tiêm thuốc an thần, không tiếp tục nuôi nhốt chờ thời gian cho heo đào thải hết thuốc để giết thịt. Toàn bộ chi phí tiêu hủy sẽ do những đối tượng thực hiện hành vi tiêm thuốc an thần cho heo phải chi trả.
Gian nan con đường lợn sạch: Nhìn qua... hàng xóm |
Lỗ hổng trong quy trình kiểm soát khiến 4.000 heo bị tiêm thuốc |
Vừa ăn thịt heo, vừa uống thuốc an thần để bớt hoang mang |
Trước đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Cục CSĐT tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an bắt quả tang tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung Xuyên Á có tổng cộng 3.775 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ. Đáng chú ý đây là cơ sở giết mổ tập trung được coi là lớn nhất phía Nam, có thị phần rất cao trong cung cấp lượng thịt lợn cho toàn vùng. Và cũng bởi quy mô đó, TP Hồ Chí Minh đã cử tới 17 cán bộ chuyên ngành ngày đêm giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ… của riêng cơ sở này. Nhưng dư luận quá bất bình và bức xúc khi 17 con người này đã làm gì hay khuất tất bưng bít về câu chuyện nêu trên? Rồi từ trước đến khi bị lực lượng chức năng cấp bộ ngành “khui ra” sự thật, thì người dân đã lãnh đủ những miếng thịt heo còn tồn dư thuốc an thần ra sao?
Theo một thành viên đoàn kiểm tra phân tích: Trước đây, việc tiêm thuốc an thần chủ yếu để dễ bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng. Nay việc tiêm thuốc an thần còn nhằm giảm hao hụt trọng lượng trong vận chuyển và làm cho miếng thịt hồng hào, dẻo do thuốc có tác dụng co tĩnh mạch. Những loại thuốc an thần có trong danh mục thuốc thú y điều trị động vật nhưng trong trường hợp này đã bị sử dụng sai mục đích, khiến tồn dư trên thịt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bà Phạm Khánh Phong Lan- trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng tồn dư thuốc an thần tích trữ trong cơ thể người nhiều sẽ ảnh hưởng đến thận, thần kinh, tiêu hóa, đãng trí, trầm uất, run chân tay... “Đây là hành vi đáng lên án nên tôi kiến nghị xử lý nghiêm để làm gương”- bà Phong Lan nói.
Hậu quả của việc sử dụng thịt heo có tồn dư thuốc an thần như thế, nhưng không hiểu tại sao mức xử phạt hành chính với vụ việc này lại quá nhẹ. Mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 35 triệu đồng thì sao đủ sức răn đe? Và hiện nay, lãnh đạo Chi cục thú y huyện Củ Chi cùng 17 cán bộ nhân viên đang làm bản giải trình. Cơ quan điều tra cũng đang trong quá trình xác minh điều tra và đưa ra mức độ xử lý.
Ngoài ra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng đề nghị UBND thành phố và các ban ngành liên quan có phương án xử lý đối với cơ sở giết mổ Xuyên Á, nơi để xảy ra tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần đồng loạt bằng hình thức tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Tuy nhiên, dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về việc bao che, tiếp tay của các cán bộ này với chủ cơ sở giết mổ hoặc thương lái để đầu độc chính người thân và đồng bào mình.
Con lạc đà có “chui lọt lỗ kim” như thế, hay là sự tê liệt, bất lực của cả một hệ thống cán bộ dày đặc kiểm tra, giám sát mọi quy trình giết mổ và cung cấp từ lò mổ này ra thị trường? Câu trả lời thực ra không quá khó. Lâu nay, chúng ta vẫn có nhiều cơ quan, nhiều bộ phận được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát, trong đó có vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng không thiếu, nhưng việc họ hoạt động ra sao lại là vấn đề khác.
Trên thực tế, việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất phổ biến. Thuốc tăng trọng, siêu nạc, thuốc an thần, tiêm hóa chất vào vật nuôi... khiến tồn dư chất độc hại trong thực phẩm tăng lên, tác hại vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe mỗi người, sức khỏe của giống nòi. Nhưng số vụ bị phát hiện, xử lý là quá ít ỏi. Điều đó cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong công việc, không nhận thức được hiểm họa của thực phẩm mất an toàn, thực phẩm bẩn. Nhiều người cho rằng, cũng không cần có thêm một cơ quan “siêu quyền lực” nào đó để giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, mà với bộ máy hiện có nếu hoạt động đủ trách nhiệm thì cũng đã là quá tốt.
Chưa bao giờ sự nguy hại của thực phẩm mất an toàn lại được cảnh báo mạnh mẽ như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ người ta lo lắng về sự an toàn bữa ăn đến vậy. “Bệnh từ miệng mà vào”- người xưa đã căn dặn như vậy. Số người, số vụ ngộ độc do ăn uống có chiều hướng nhiều lên. Những loại bệnh tật phát sinh làm hại sức khỏe con người cũng nhiều lên. Chính là từ thực phẩm bẩn mà ra.
Còn nhớ, giữa tháng 11/2015, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh đã dẫn ra nhiều ví dụ về tình trạng thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong bữa ăn hàng ngày, từ đó cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe của người dân đang ở mức trầm trọng. Ông Vinh nói rằng, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế. Tiếc thay, sự cảnh báo ấy vẫn chưa khiến những người có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ sức khỏe người dân phải có những hành động thiết thực, đúng với trách nhiệm và lương tâm.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/dau-doc-nguoi-tieu-dung-381606
Ngày đăng: 07:00 | 05/10/2017
/ Hà Linh/daidoanket.vn