Một khi Thủ tướng phải nói thẳng rằng: “Cây gỗ không phải cây kim” thì chứng tỏ những tồn tại trong công tác quản lý bảo vệ rừng là không hề nhỏ.

Trước tình trạng phá rừng ở các địa phương chưa ngăn chặn, xử lý triệt để, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có vấn đề tiêu cực gì không?".

Câu hỏi được đặt ra giữa lúc mưa lũ, thiên tai đang gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương, khiến dư luận càng thêm lo lắng về công tác gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường sống của con người.

Một người dân lội nước về nhà sau vụ vỡ đê ở Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Nhị Tiến

Không thể phủ nhận sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và người dân suốt một thời gian dài, diện tích rừng nước ta đã tăng trở lại.

Năm 2016, diện tích rừng cả nước tăng hơn 315.800ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 7,3 tỷ USD trong năm 2016, xuất siêu 5,4 tỷ USD.

Chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã dần được hiện thực hóa, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Một số địa phương, rừng đã trở thành thế mạnh.

Thế nhưng một khi Thủ tướng phải nói thẳng rằng: “Cây gỗ không phải cây kim” thì chứng tỏ những tồn tại trong công tác quản lý bảo vệ rừng là không hề nhỏ.

Cây kim dĩ nhiên là dễ che giấu. Còn gỗ rừng, cây nhỏ thì vài ba mét, lớn thì hàng chục mét, nặng hàng tấn, sao có thể đi qua trạm kiểm lâm mà không ai nhìn thấy!

Sao tình trạng phá rừng còn xảy ra ở nhiều địa phương mà chưa ngăn chặn hữu hiệu? Mặc dù chúng ta không hề thiếu cả luật pháp và quyết tâm chính trị, khi Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng?

Rừng bị phá bởi lâm tặc, rừng còn bị phá qui mô hơn khi có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa biến chất cấu kết với DN, lợi dụng danh nghĩa các dự án phát triển kinh tế, biến rừng giàu thành rừng nghèo, rừng nghèo thành đất trống đồi trọc rồi chuyển mục đích sử dụng trái pháp luật để trục lợi, bất chấp những hậu quả do hành vi phá rừng gây ra cho môi trường sinh thái.

Tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Thường

Những năm gần đây, năm nào cũng có lũ lớn, mà mức độ tàn khốc của trận lũ sau, lúc nào cũng ghê gớm hơn trận lũ trước.

Đợt mưa mấy ngày qua gây ra lũ hơn cả kinh hoàng, tàn phá cả một vùng rộng lớn từ Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… với 71 người chết, trên 30 người mất tích, hàng nghìn gia đình mất hết nhà cửa, tài sản, QL1A đoạn qua Thanh Hóa bị ách tắc, QL6 từ Hòa Bình lên Sơn La bị sạt lở, ách tắc nhiều ngày, nhiều đê đập ở Thanh Hóa, Hà Nội bị vỡ và tràn bờ, nhiều địa phương bị ngập sâu, bị nước lũ cô lập…

Dù không nói, ai cũng nhận ra có một mối liên hệ không hề nhỏ giữa những trận lũ kinh hoàng diễn ra liên tiếp từ vài ba thập kỷ lại đây với những cánh rừng tự nhiên ngày một thu hẹp?

Chớ quy kết vội vàng

Xin chớ vội vàng qui kết là do biến đổi khí hậu toàn cầu; do người dân vùng lũ không chủ động phòng chống thiên tai; người dân miền núi sao cứ làm nhà ven suối; cũng đừng quá khắt khe phê phán chính quyền vì những tang thương do lũ gây ra.

Mà mỗi người hãy nhìn lại và ngẫm nghĩ về mỗi hành động, việc làm của mình để chấm dứt sự tàn phá rừng tự nhiên, dù dưới bất kỳ động cơ, mục đích nào.

Đất sụt lún ở Hòa Bình do không có rừng giữ đất. Ảnh: Trần Thường

Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, không lý gì, gỗ đưa ra khỏi rừng mà lực lượng chức năng không biết. Bởi gỗ rừng không phải là cây kim.

Mà không chỉ gỗ rừng, cứ như cách nói của Thủ tướng thì liên quan đến sự suy thoái môi trường, còn nhiều thứ “không phải là cây kim” lắm! Nhất là khi những thứ ấy có thể đem lại sự giàu có cho một hoặc nhiều người nào đó, bất chấp những mối nguy có thể gây ra cho môi trường sống của cộng đồng.

Những đoàn tàu khai thác cát, sỏi trái phép, hoặc nấp dưới danh nghĩa các dự án nạo vét luồng lạch, đang đêm ngày nuốt chửng nhiều con sông từ Bắc chí Nam trong những năm qua; những dự án lấn sông, lấn biển, lấp hồ làm du lịch, xây đô thị… gây sạt lở bờ sông, bờ biển… tại nhiều địa phương, chắc chắn cũng không thể là những cây kim!

Tàn phá môi trường vì bất cứ lý do gì cũng là hành vi đi ngược lại các chỉ dấu về một thế giới văn minh, mà ở đó con người đã, đang và sẽ phải cư xử thân thiện với môi trường.

Hành vi ấy cần phải được ngăn chặn, phải bị pháp luật nghiêm trị, để cuộc sống không còn “những cây kim” do những cái nhắm mắt làm ngơ, những cái tặc lưỡi cho qua của những người được trao sứ mệnh gìn giữ tài nguyên cho đất nước.

Hy vọng cho những cánh rừng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng sáng 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Vừa rồi, tôi ...

Thủ tướng: Không phải có dự án du lịch, sân golf là phá hết rừng

Thủ tướng nhắc, một số vùng ven biển muốn phát triển du lịch phải xem xét chặt chẽ và duyệt kỹ việc chuyển mục đích ...

50 người chết và mất tích do lũ: Cái chết bàng hoàng vì đâu?

Dân gian có câu: “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, thực tế người dân đang phải gánh chịu hậu quả từ các dự án ...

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/dau-chi-cay-go-con-nhieu-thu-khong-phai-cay-kim-404932.html)

Ngày đăng: 13:08 | 16/10/2017

/ Theo Văn Thiêng/VietNamnet.vn