Ngày 20.11 vừa qua, ông Abe Shinzo phá kỷ lục về thời gian cầm quyền, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, với những dấu ấn thành công khả quan về kinh tế, chính trị, xã hội.
Ngày 20.11 vừa qua, ông Abe Shinzo phá kỷ lục về thời gian cầm quyền, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, với những dấu ấn thành công khả quan về kinh tế, chính trị, xã hội.
Kỷ lục cầm quyền
Với 2.887 ngày cầm quyền gộp lại từ hai lần làm thủ tướng ở Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã phá kỷ lục cầm quyền của Thủ tướng Taro Katsura thiết lập vào đầu những năm của thế kỷ XX là 2.886 ngày. Ông Abe nhậm chức lần đầu vào năm 2006 khi mới 52 tuổi và trở thành thủ tướng trẻ nhất của Nhật sau Thế chiến 2, nhưng phải từ chức vào năm 2007 vì vấn đề sức khoẻ. Cuối năm 2012 ông trở lại vị trí thủ tướng của xứ sở Phù Tang và tại vị suốt từ đó tới nay.
“Tôi vẫn còn 2 năm nữa trong nhiệm kỳ thủ tướng của Đảng Dân chủ Tự do LDP” - tờ Japan Times dẫn lời ông Abe phát biểu với báo giới. “Với trách nhiệm nặng nề trên vai, tôi hy vọng sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết tất cả các vấn đề chính sách mà chúng ta hiện đang phải đối mặt và sẽ luôn duy trì sự thận trọng của những ngày đầu làm thủ tướng” - ông Abe nói.
Trong suốt thời gian cầm quyền, Thủ tướng Abe đã thúc đẩy chính sách kinh tế Abenomics, đẩy mạnh luật an ninh và cam kết tạo dựng một xã hội nơi “mọi người sẽ toả sáng”. Các vấn đề khác mà ông Abe sẽ tiếp tục thúc đẩy trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là ngăn chặn vòng xoáy giảm phát, chấp nhận thách thức dân số già và suy giảm, đồng thời giải quyết các vấn đề đối ngoại thời hậu chiến. Một vấn đề nữa là việc sửa đổi Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản mà ông Abe đặt ra tham vọng từ lâu nhưng chưa thực hiện được do vấp phải phản đối của công chúng. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của hãng Kyodo năm ngoái với gần 2.000 người trả lời cho thấy khoảng 60% phản đối bất kỳ sự sửa đổi Hiến pháp nào dưới thời ông Abe.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”
Thời kỳ cầm quyền từ cuối năm 2012 đến nay của ông Abe là thời kỳ Nhật Bản tăng trưởng kinh tế khả quan trong một thời gian dài. Mặc dù có thể một số nhà phê bình hoài nghi về hiệu quả của Abenomics, cho rằng Nhật Bản vẫn chưa thể ngăn chặn giảm phát, song giáo sư Izuru Makihara, Đại học Tokyo, chuyên nghiên cứu về chính trị và hệ thống hành chính Nhật Bản, lại nghĩ khác.
“Một số có thể nói rằng ông Abe không có di sản, nhưng tôi cho rằng giá trị của đồng yen đã thay đổi mạnh mẽ. Cộng với việc nới lỏng tiền tệ và thúc đẩy xuất khẩu, điều đó đã thực sự thay đổi cách mọi người nhìn nhận về nền kinh tế Nhật Bản, mặc dù ông Abe chưa giải quyết tốt vấn đề giảm phát” - ông Makihara nói. Vị giáo sư này cũng tin rằng, việc cải thiện quan hệ kinh tế với các nước láng giềng thông qua Hiệp định CPTPP cũng như việc thông qua luật an ninh vào năm 2015 là những dấu ấn đặc biệt trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Abe.
Các nhà phân tích đã chỉ ra những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” giúp ông Abe ghi dấu ấn. “Trước hết, ông ấy có đội ngũ nòng cốt trong nội các đã ủng hộ ông ấy suốt 7 năm” - giáo sư Makihara nói, liệt kê các vị trí chủ chốt như Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Cố vấn đặc biệt của thủ tướng Takaya Imai và Phó Chánh Văn phòng Nội các Kazuhiro Sugita.
Giáo sư Hiroshi Hirano, Đại học Gakushuin chỉ ra rằng, bí quyết thành công của ông Abe là tập trung và kiểm soát quyền lực, thống nhất nội bộ đảng cầm quyền. Sự ổn định trong đội ngũ hàng đầu của ông Abe có liên quan đến sự thay đổi cơ cấu trong chính trường Nhật Bản là tập trung quyền lực. Trong khi trước đây mỗi bộ là riêng rẽ, thì giờ đây tất cả đều đưa ra những ý tưởng tốt nhất cho Kantei - Văn phòng Thủ tướng.
Yếu tố thứ ba giúp Thủ tướng Abe thành công, như ông Takao Toshikawa, tổng biên tập tờ Tokyo Insideline chỉ ra, là sự yếu kém, thất bại của Đảng Dân chủ (DPJ) đối lập. Cùng quan điểm này, tác giả cuốn tiểu sử sắp ra mắt của ông Abe - Tobias Harris, nhận định: “Tôi nghĩ rằng ông Abe rất may mắn. Ông ấy may mắn vì về cơ bản DPJ không có thực lực. Kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử 2012, DPJ bị chia rẽ đến mức không có đảng đối thủ nào có khả năng đánh bại LDP và loại bỏ ông Abe khỏi chức thủ tướng”.
Thủ tướng Abe dự kiến sẽ tiếp tục cầm quyền qua Thế vận hội Tokyo 2020, thậm chí một số đồng minh còn đưa ra ý tưởng rằng ông Abe có thể tìm kiếm một nhiệm kỳ Chủ tịch LDP nữa khi nhiệm kỳ hiện tại của ông hết hạn vào mùa thu 2021. Tuy còn rất khó đoán, nhưng nếu thực sự như vậy, ông Abe sẽ tiếp tục ghi những dấu ấn đặc biệt nữa trong lịch sử Nhật Bản.
Ngày đăng: 16:15 | 24/11/2019
/ laodong.vn