Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới, mang tới nguồn năng lượng vô tận, đồng thời chứa nguy cơ gây ra các thảm họa khủng khiếp cho nhân loại.
Đập thủy điện Tam Hiệp là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, không chỉ mang tới nguồn năng lượng vô tận, mà còn bảo vệ hàng triệu người Trung Quốc khỏi lũ lụt từ sông Dương Tử.
Thuần hóa dòng sông hoang dã Dương Tử (hay Trường Giang) là mơ ước của nhiều đời lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ.
Năm 1931 là năm tồi tệ đối với Trung Quốc. Bão tuyết tràn vào đất liền, theo sau đó là băng tan và lốc xoáy xảy ra. Mực nước ở sông Dương Tử tăng lên 16m, cao hơn nhiều so với bình thường. Lũ lụt hoành hành tại khu vực Nam Kinh khiến gần 3,7 triệu người thiệt mạng.
Năm 1954, thêm một trận lũ lụt ở Vũ Hán khiến 50.000 người bị chết.
Nhà nghiên cứu Hubertus Milke, Đại học Khoa học ứng dụng Leipzig cho biết, năm 1958, Mao Trạch Đông có một số cân nhắc ban đầu về việc xây một con đập trên sông Dương Tử, với mục đích “thuần hóa” con sông này ở đoạn chảy qua 3 hẻm núi. Nhưng ý định này đã bị hủy bỏ, do gặp vấn đề về chi phí xây dựng.
Vào những năm 1980, ý tưởng cũ lại được đề xuất, vì Trung Quốc khi đó đang phải chịu cảnh thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.
Chiếc phao cứu sinh năng lượng
Ngày 14/12/1994, việc khởi công xây dựng đập Tam Hiệp được công bố, bất chấp nhiều ý kiến phản đối.
Sau khi nhà máy thủy điện khi được hoàn thành vào năm 2012, đập Tam Hiệp cung cấp lượng điện mỗi năm tương đương với lượng điện tạo ra từ khoảng 50 triệu tấn than hay bằng 8 nhà máy điện hạt nhân mạnh nhất thế giới.
Nhà địa chất kỹ thuật Kurosch Thuro từ Đại học Munich (Đức) cho biết: “Hiện tại có vẻ như Trung Quốc đang hưởng lợi rất nhiều từ con đập. Không phải chính phủ, mà chính người dân là những người hưởng lợi nhất. Lý do là vì năng lượng được tạo ra từ đập Tam Hiệp là vô cùng cần thiết. 1/3 đất nước này được cung cấp năng lượng từ con đập. Đó như là chiếc phao cứu sinh năng lượng quan trọng ở một đất nước 1,3 tỷ dân như Trung Quốc.”
Ngoài năng lượng, đập Tam Hiệp được cho là bảo vệ hàng triệu người sống ở những khu vực thấp khỏi lũ lụt của sông Dương Tử.
Mặc dù con đập đem đến rất nhiều tác động tích cực, nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực. Các nhà phê bình lo lắng về khả năng các trận động đất có thể xảy ra do áp lực lớn của dòng nước khi bị thay đổi.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cảnh báo toàn bộ phần thân của ngăn hồ chứa nước khổng lồ có thể sụp đổ và gây ra trận sóng thần thảm khốc. Các dự án đập thủy điện thường là nguyên nhân khiến môi trường trở nên tồi tệ hơn. Điển hình như những dự án hiện đang được lên kế hoạch ở Congo hoặc ở thượng lưu sông Nile (Ai Cập).
Theo nhà địa chất học Kurosch Thuro: “Có vài trăm vụ lở đất nhỏ xuất hiện dọc theo hồ chứa. Và chắc chắn sẽ xảy ra những vụ vừa và lớn chưa từng có trước đây. Tóm lại, hiện tượng lở đất đã tiếp tục xảy ra”.
Quả bom hẹn giờ sắp phát nổ?
Theo Tân Hoa xã, chính quyền Bắc Kinh từng đưa ra nhận xét trong một báo cáo về đập Tam Hiệp.
“Một số vấn đề của con đập đang ngày càng trở nên rõ ràng ngay từ khi lên kế hoạch. Giải pháp cho vấn đề này cần phải được tìm ra, sau khi đập được đưa vào vận hành. Một vài chuyên gia đã nhận ra, nhưng do những hạn chế tại thời điểm đó, nên họ không thể giải quyết một cách hiệu quả. Chúng ta cũng không lường trước được những vấn đề mới sẽ phát sinh, bởi ưu tiên phát triển kinh tế”, báo cáo nêu rõ.
Theo đó, mặc cho những thành công về kinh tế do con đập mang lại, lãnh đạo Trung Quốc “cần tiếp tục hành động để giải quyết các vấn đề do việc xây dựng con đập gây ra”. Đó là việc đáp ứng một cách thỏa đáng cho người dân tái định cư, và bảo vệ môi trường trong khu vực, cũng như biện pháp phòng chống thiên tai.
Trung Quốc muốn khắc phục "những tác động tiêu cực của việc xây dựng đập đối với giao thông đường thủy”, và “đối với việc cung cấp nước cho vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử”, cũng như đối với việc “phá hủy hệ sinh thái" bằng những phương pháp cải tiến.
Theo đó, những người tái định cư từ 20 thành phố và khu vực xung quanh đập Tam Hiệp được hứa hẹn về nâng cao mức sống. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc phải đối mặt các dấu hiệu bất mãn đang nhen nhóm. Đặc biệt là ở các khu vực trung lưu và hạ lưu, nơi cư dân cho rằng họ là “nạn nhân” của đập Tam Hiệp.
Tại huyện Ba Đông ( tỉnh Hồ Bắc), trên một dải sườn đồi, nơi mà những người từ các vùng bị ngập lụt đến định cư, bắt đầu phải di chuyển tới chỗ khác. Các vết nứt và khe hở đột nhiên xuất hiện trong những ngôi nhà mới xây của họ, khiến hàng ngàn cư dân phải di dời lần thứ 2.
Theo đó, có tổng cộng gần 1,3 triệu người đã rơi vào tình trạng mất nhà cửa do con đập. Ngoài ra, nhiều công trình lịch sử khảo cổ cũng bị ngập dưới mặt nước. Ngoài ra, đập nước cũng ngăn chặn quá trình vận chuyển phù sa từ các ngọn núi xuống đồng bằng sông Dương Tử.
“Chính điều đó đã làm xáo trộn sự ổn định của khu vực đồng bằng. Nó có thể ảnh hưởng đến khu vực Thượng Hải”, ông Karsten Rinke, người đứng đầu Phòng nghiên cứu về đập nước tại Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (Đức).
Trong một báo cáo về đập Tam Hiệp, các nhà nghiên cứu sinh vật học cho rằng vấn đề trên không phải là nguyên nhân duy nhất của vấn đề môi trường trong khu vực.
“Có khoảng 500 triệu người sống trong khu vực lưu vực sông Dương Tử, tuy nhiên chất lượng nước ở đây tương đối kém. Vẫn có hàng nghìn đập trên toàn bộ khu vực lưu vực với lưu lượng vận chuyển lớn, điều đó có nghĩa là ngay cả khi đập Tam Hiệp không tồn tại, khu vực lưu vực này vẫn sẽ bị suy thoái nghiêm trọng từ góc nhìn sinh thái.
Do đó ảnh hưởng của đập Tam Hiệp là rất lớn, đơn giản là vì quy mô của nó. Tuy nhiên dù cho con đập này có biến mất thì cũng không thể nào khiến con sông Dương Tử trở lại thành một hệ sinh thái lành mạnh như trước”, báo cáo chỉ rõ.
Đập Tam Hiệp, công trình tham vọng đầy tai tiếng của Trung Quốc |
600 triệu người Trung Quốc chìm vào biển nước nếu vỡ đập Tam Hiệp |
Đập Tam Hiệp nguy cơ vỡ, Trung Quốc sơ tán 40.000 dân |
Ngày đăng: 09:17 | 27/06/2020
/ vtc.vn