Đạo diễn Quang Dũng phản hồi trước những tranh luận về việc Trấn Thành, Mai Tài Phến tham gia diễn xuất phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam".

Khi lên phim, Trấn Thành sẽ rất khác...

Những ngày qua, thông tin Trấn Thành vào vai bác Ba Phi, Mai Tài Phến đóng Võ Tòng trong phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" bị nhiều người đánh giá không phù hợp. Anh nghĩ sao về sự lựa chọn của mình?

Tôi hiểu một số người lo ngại Trấn Thành hay vài diễn viên không phù hợp với nhân vật. Tôi nghĩ, họ đang ấn định so sánh giữa ngoài đời của diễn viên và phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" hay những vai diễn trước đây của các diễn viên mà họ đã xem.

img-bgt-2021-nguye-n-quang-du-ng1-1680657187-width1360height907
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Trấn Thành ở hậu trường phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam"

Tuy nhiên, với "Đất rừng phương Nam", chúng tôi rất tâm huyết với khâu tạo hình nhân vật. Tôi nghĩ khi lên phim các diễn viên sẽ rất khác họ ngoài đời và các vai diễn trước đây của họ.

Với tôi, Trấn Thành là một nghệ sĩ tài năng, luôn tìm những cảm hứng và trải nghiệm mới. Còn với Mai Tài Phến, hình thể và kỹ năng của cậu ấy rất phù hợp với những nhân vật hành động. Tôi tin khi cậu ấy xuất hiện trong "Đất rừng phương Nam", khán giả sẽ được thuyết phục với tạo hình.

Thực chất, "Đất rừng phương Nam" dựa theo bộ phim "Đất phương Nam" của đạo diễn Vinh Sơn. Chúng tôi cũng rất may mắn được đạo diễn tư vấn về kịch bản, hệ thống nhân vật cho phiên bản điện ảnh này. Ông cũng có những buổi chỉ dạy thêm cho các diễn viên nhí đóng An, Cò, Xinh.

Anh có mất nhiều thời gian cho khâu tuyển chọn diễn viên?

Chúng tôi mất hai năm casting. Với bản điện ảnh, hệ thống nhân vật vẫn thân thuộc với khán giả như bản truyền hình, nhưng sẽ có nhiều chi tiết, góc nhìn thay đổi.

Tôi được mời vào dự án này cũng cách đây tầm 5 năm rồi. Trong 5 năm đó, tôi vừa xây dựng, chỉnh sửa kịch bản, vừa tìm hiểu, vừa tìm nhà đầu tư cũng như tính sự khả thi của dự án.

Thông thường kịch bản mới là khâu tốn nhiều thời gian nhất, nhưng với dự án này, riêng khâu chọn cảnh, tính toán khả thi cũng tốn khoảng 2 năm rồi.

Hiện tại, chúng tôi đã hoàn tất phần ghi hình, mọi thứ vẫn đúng theo lộ trình.

Phim của Nguyễn Quang Dũng mà không có người đẹp, chân dài thì sẽ sao nhỉ?

Thì bạn nên đi xem "Đất rừng phương Nam" để có câu trả lời (cười).

img-bgt-2021-nguye-n-quang-du-ng3-1680657187-width640height360
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tại một góc tạo dựng khung cảnh Nam bộ từ 80 năm trước

Miền Tây trong phim của Nguyễn Quang Dũng có gì đặc biệt so với những gì nhiều người được biết, hoặc ít nhất, là qua những trang văn của cha anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng?

Tôi là "con người miền Tây Nam bộ". Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Cậu bé An cũng vậy, một đứa bé thành phố lưu lạc về vùng sông nước. Tôi cùng trải nghiệm với An. Đôi khi 1 góc nhìn ở ngoài cũng có cái thú vị khác với người trong cuộc.

Thật sự miền Tây hay nhiều vùng đất khác trải qua gần mấy chục năm sẽ khác lắm. Các miền quê trong mỗi trang sách hay câu chuyện được đọc được nghe trong trí tưởng tượng của mỗi người cũng sẽ khác. Đó là cái khó, là thử thách của điện ảnh, phải cụ thể trí tưởng tượng của mình làm sao để người khác đồng cảm.

Áp lực nhất là lo kinh phí

Anh từng chia sẻ: "5 năm trước mức đầu tư phim chỉ rơi vào khoảng 30, 40 tỷ đồng thì hiện tại thị trường điện ảnh đã tốt hơn". Sự “tốt hơn” này có gấp nhiều lần mức đầu tư ban đầu?

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường rất tốt, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến điện ảnh. Nhưng sau dịch kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư thận trọng hơn với các dự án tốn kém.

Do vậy, ban đầu, tôi áp lực nhất là vấn đề kinh phí. Tôi muốn làm một bộ phim hùng tráng về con người và vùng đất Nam bộ. Do đó, phim có bối cảnh trải dài nhiều tỉnh như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh...

Tổng số diễn viên cũng không ít, bao gồm cả diễn viên quần chúng, lên tới khoảng 5.000 người, trung bình mỗi cảnh chừng 300 - 400 người (như chợ nổi, pháp trường…). Đó còn chưa kể những khoản đầu tư kỳ công trong khâu dựng cảnh và ứng dụng kỹ xảo, để tái hiện lại bối cảnh miền Tây Nam bộ cách đây gần 80 năm.

img-bgt-2021-nguye-n-quang-du-ng2-1680657187-width980height653
Ê-kíp phim "Đất rừng phương Nam" ở hậu trường ghi hình

"Đất rừng phương Nam" may mắn vẫn tìm được các nhà đầu tư để thực hiện dự án này. Tôi rất trân quý và thương các nhà đầu tư, các nhà sản xuất có khát khao làm những phim vừa nhiều tiền vừa hồi hộp như vậy. Với những dự án kinh phí lớn, đề tài nghiêm túc như thế này thường khó khăn gấp nhiều lần các phim thương mại thông thường.

Anh kỳ vọng gì về doanh thu của "Đất rừng phương Nam"?

Ai làm phim cũng mong muốn phim mình được doanh thu cao nhất có thể. Bản thân tôi cũng từng 3 lần phá kỷ lục doanh thu tại rạp.

Thật tình, khi làm được bộ phim mà bạn thích, lại đem lợi nhuận cho nhà đầu tư nữa thì rất vui, vì dự án tới bạn sẽ được đầu tư hơn (cười).

Với các dự án mang tính thử thách lớn mà còn nằm trong doanh thu rất cao nữa thì chắc chắn càng vui hơn vì nó mang lại niềm tin cho bản thân, cho các nhà đầu tư. Nên làm nghề này vốn dành cho những người mơ mộng kể cả người sáng tạo và cả người đầu tư.

Với tôi, "Đất rừng phương Nam" là một phép thử như thế, để mở ra các phim cùng thể loại, chẳng hạn như "Chiếc lược ngà" - chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ba tôi, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Cảm ơn anh!

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được biết đến với loạt phim giải trí như: "Hồn Trương Ba - da hàng thịt", "Nụ hôn thần chết", "Giải cứu thần chết", "Những nụ hôn rực rỡ"...

Anh cũng là một trong những đạo diễn điện ảnh có phim đạt doanh thu cao như: "Tháng năm rực rỡ" - 85 tỷ đồng, "Tiệc trăng máu" - 175 tỷ đồng...

"Đất rừng phương Nam" là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi, kể về cuộc đời lưu lạc của cậu bé tên An.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược, bị thất lạc ba mẹ, An lưu lạc về phương Nam. Tại đây, cậu gặp những mảnh đời lầm than dưới ách áp bức của địa chủ, thực dân. Hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành những nông dân khởi nghĩa.

Tuy cực khổ, An vẫn luôn sống trong sự đùm bọc của những người thương yêu - nguồn động lực đưa cậu vượt qua gian khổ. Khi trưởng thành, An tiếp tục đi theo con đường cách mạng giải phóng miền Nam.

Tác phẩm từng được đạo diễn Vinh Sơn chuyển thể thành phim truyền hình "Đất phương Nam" ra mắt năm 1997, dài 11 tập.

Ngày đăng: 14:00 | 05/04/2023

Bạch Dương / Báo Giao thông