Sau Niger, đến lượt một thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi là Gabon chứng kiến đảo chính, khi các sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống Ali Bongo. Đây có thể xem như “bàn thủng lưới” mới nhất của Pháp ở vùng đất mà Paris vẫn nỗ lực duy trì ảnh hưởng suốt nhiều thập kỷ qua...
Từ cuộc đảo chính tại Gabon...
Khi Tổng thống Leon Mba của Gabon bị quân đội lật đổ vào năm 1964, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Charles de Gaulle đã hành động lập tức, cử quân đội Pháp đến khôi phục quyền lực cho ông Mba.
Với trữ lượng quặng sắt khổng lồ và nhiều tài nguyên khoáng sản quan trọng khác, Gabon khi ấy mới giành được độc lập song vẫn là viên ngọc quý trên chiếc vương miện thuộc địa cũ của Pháp. Và, Tổng thống De Gaulle rất muốn bảo vệ lợi ích của Pháp tại đây.
Gần 60 năm sau, một cuộc đảo chính khác đã diễn ra ở Gabon. Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 30/8, một nhóm sĩ quan quân đội đã xông vào Đài truyền hình quốc gia Gabon và tuyên bố họ đã nắm quyền kiểm soát đất nước, hủy bỏ kết quả bầu cử và giải tán quốc hội, đồng thời xác nhận đang quản thúc Tổng thống Ali Bongo tại gia. Nhưng, khác với 60 năm trước, lần này không có các đơn vị viễn chinh của Pháp đến giải cứu vị tổng thống bị lật đổ.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tuyên bố rằng Pháp đang theo dõi cuộc đảo chính đang diễn ra ở Gabon “với sự chú ý tối đa”. Tuy nhiên, gần như chắc chắn sẽ không có động thái quân sự nào đi kèm với những tuyên bố kể trên. Và thông điệp từ Paris cũng không làm thay đổi lộ trình của các sĩ quan làm đảo chính ở Gabon.
Chính quyền quân sự tại Librevillesau đó thông báo rằng Tướng Brice Oligui Nguema - Tư lệnh Vệ binh Quốc gia và được cho là anh họ của Ali Bongo - sẽ đóng vai trò một nhà lãnh đạo chuyển tiếp, với cương vị tổng thống lâm thời. Bên cạnh đó, chính quyền mới sẽ điều tra những cáo buộc nhằm vào con trai của ông Ali Bongo là Nourredin Bongo Valentin, người đã bị bắt cùng 6 cá nhân khác vì tội phản quốc.
...đến xu hướng bài Pháp tại Tây và Trung Phi
Theo các nhà phân tích, những diễn biến tại Gabon cũng như các quốc gia Tây và Trung Phi gần đây là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Pháp đang suy yếu rõ rệt tại vùng đất vốn được coi là “sân sau” của họ. Cho đến nay, 8 thuộc địa cũ của Pháp ở khu vực này đã rơi vào tay các tướng lĩnh quân sự chỉ trong vòng 3 năm. Và, mỗi nơi đều xuất hiện một làn sóng chống Pháp với các mức độ leo thang khác nhau.
Ví dụ, các lãnh đạo phe đảo chính ở Mali đã yêu cầu quân đội Pháp rút khỏi nước này và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp. Họ cũng thay đổi ngôn ngữ chính thức từ tiếng Pháp sang tiếng Malian bản địa. Trong khi đó, ở Senegal và Niger lợi ích kinh doanh hoặc cơ sở ngoại giao của Pháp bị tấn công.
Tại Niger, Đại sứ Pháp Sylvain Itte đã được chính quyền quân sự yêu cầu rời khỏi nước này trong khi những người biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính tụ tập trước Đại sứ quán Pháp để bày tỏ sự căm ghét với nước Pháp. Cuối tuần qua, một đám đông khác, lên đến hàng chục nghìn người, đã tập trung gần căn cứ quân sự Pháp ở Niamey, giơ cao biểu ngữ yêu cầu quân đội Pháp rút khỏi Niger.
Chris Ogunmodede, nhà phân tích về Tây Phi của Tạp chí World Politics Review có trụ sở ở Florida (Mỹ) nói với CNN: “Những cuộc biểu tình và các cuộc tấn công vào những doanh nghiệp Pháp đều xuất phát từ việc với nhiều người ở đây, chúng đại diện cho chủ nghĩa thực dân mới của Pháp”.
Theo ông Ogunmodede, bối cảnh chính trị hiện nay đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của các hệ thống quản trị cũ kỹ được thiết lập bởi các cường quốc thực dân tại châu Phi. “Hệ thống chính quyền tại các thuộc địa cũ của Pháp mà Paris ủng hộ không còn phù hợp nữa. Ở một đất nước như Gabon... một gia đình đã cai trị khoảng 50 năm, đó không thực sự là một chính phủ mà là một vương quốc”, Ogunmodede nói.
Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Gabon, nó “lây lan” khắp Trung Phi, nơi các quốc gia như Cộng hòa Congo và Guinea Xích đạo chỉ có những nhà lãnh đạo duy nhất đã cai trị hơn 4 thập kỷ. Ở Cameroon, ông Paul Biya (90 tuổi) làm tổng thống từ năm 1982 nhưng chủ yếu phân chia thời gian sống giữa... Pháp và Thụy Sĩ.
Nhà phân tích Ogunmodede cho biết thêm: “Các sự kiện đang diễn ra ở Gabon, nối tiếp ngay sau cuộc đảo chính ở Niger, đã làm sáng tỏ thêm mối quan hệ bất ổn của Pháp với các thuộc địa cũ của nước này”, đồng thời khẳng định sự thay đổi trong nhận thức chính trị của người châu Phi, phần lớn được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ có tâm lý bài Pháp.
Độ tuổi trung bình 20 của người dân trên khắp châu Phi nhấn mạnh mong muốn thay đổi trong giới trẻ và họ muốn tìm kiếm các mối quan hệ đối tác đa dạng ngoài mối quan hệ lịch sử với Pháp. “Những thanh niên này không có bất kỳ sự gắn bó nào với nước Pháp... như cha mẹ hoặc ông bà của mình. Họ không tin rằng Pháp nên có quyền trở lại đất nước của họ và họ muốn bắt tay với nhiều đối tác thay vì chỉ phụ thuộc vào Pháp”, Ogunmodede nói.
Nỗ lực bất thành của Paris
Không phải Điện Elysee không nhận ra xu hướng chống Pháp đang ngày một tăng ở châu Phi. Những năm gần đây, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đã có nhiều nỗ lực nhằm định hình lại mối quan hệ với các thuộc địa cũ của Pháp tại Lục địa Đen.
Ngay khi đắc cử năm 2017, ông Macron đã sớm chọn 3 nước châu Phi là Burkina-Faso, Bờ Biển Ngà và Ghana làm điểm đến cho chuyến công du của mình. Với thông điệp muốn làm mới phạm trù “Francafrique”, (Pháp-Phi) trong chính sách đối ngoại của các đời chính quyền Pháp trước đây, Tổng thống Emmanuel Macron tập trung vào các chủ đề hợp tác kinh tế, trợ giúp đào tạo về nhân lực và hỗ trợ tài chính và kỹ thuật một cách lâu dài, thay vì viện trợ phát triển như trước. Ông cũng chủ động gặp gỡ giới trẻ châu Phi khi tổ chức buổi phát biểu trước hơn 800 sinh viên của Đại học Ougadougou (Burkina Faso).
Từ đó đến nay, ông Macron đã có thêm rất nhiều lần công du châu Phi, mới nhất là chuyến thăm Gabon, Cộng hòa Congo, Cộng hòa dân chủ Congo và Angola hồi đầu tháng 3 năm nay. Pháp cũng đã có nhiều điều chỉnh về chính sách với châu Phi, từ kinh tế, văn hóa-xã hội cho đến quân sự.
Chẳng hạn, hồi đầu năm nay Paris cho biết các lực lượng quân đội Pháp hiện diện ở một số nước như Mali hay Niger để hoạt động chống khủng bố sẽ được các quốc gia cùng điều hành, thay vì một mình Pháp như trước. Nước Pháp dưới thời Tổng thống Macron cũng khởi xướng việc hồi hương các hiện vật văn hóa lấy được từ châu Phi từ thời thuộc địa, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài các mối quan hệ giữa những cơ quan chính phủ để thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ và xã hội dân sự.
Nhưng, các bước đi này dường như vẫn chưa đủ. Bằng chứng là tâm lý chống Pháp tại châu Phi vẫn không giảm xuống. Theo nhà phân tích chính trị Ogunmodede, rất nhiều người dân Lục địa Đen vẫn cho rằng Pháp chưa bao giờ thực sự rời bỏ các thuộc địa cũ của mình, thông qua việc theo đuổi “Francafrique”. Ông Ogunmodede nói: “Franafrique vẫn được xem là phương tiện để Pháp bảo lưu ảnh hưởng của mình ở các thuộc địa cũ và là nền tảng cho các chính sách của họ tại những nước này”.
Ví dụ, một trong những thứ gây ra nhiều tranh cãi là đồng franc Trung Phi hay CFA, một loại tiền tệ được 14 nước Tây và Trung Phi sử dụng, bao gồm cả Niger và Gabon. Các quốc gia sử dụng CFA Franc được yêu cầu lưu trữ 50% dự trữ tiền tệ của họ tại Ngân hàng Trung ương Pháp và đồng tiền này được gắn với đồng Euro.
Trong khi Paris khẳng định rằng hệ thống này thúc đẩy sự ổn định kinh tế của các quốc gia liên quan thì đối với nhiều người châu Phi, những khoản tiền gửi bắt buộc này được coi là tàn dư của thuế thuộc địa. Theo họ, CFA cho phép Pháp kiểm soát nền kinh tế của các quốc gia sử dụng hệ thống này và làm giàu cho chính mình bằng sự giàu có của châu Phi.
Hồi đầu tháng 8, một nhóm gồm 94 thượng nghị sĩ Pháp, thông qua nhật báo Le Figaro, đã viết thư ngỏ gửi Tổng thống Emmanuel Macron nhằm chỉ trích chính sách châu Phi của chính phủ. Theo những nhà lập pháp này, tình cảm chống Pháp đang gia tăng trên khắp châu Phi là hậu quả trực tiếp của việc Pháp không hợp tác thành công với các nước tại đây trên các mặt trận quân sự, chính trị và văn hóa.
Các thượng nghị sĩ lưu ý rằng thất bại của chiến dịch Barkhane, chiến dịch chống khủng bố do Pháp tiến hành tại khu vực Sahel bắt đầu năm 2014 đến 2022, là lý do lớn khiến sự hiện của Pháp bị từ chối ở Mali, Burkina Faso, Niger và Cộng hòa Trung Phi.
Trong khi đó, việc Nga, Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại Lục địa Đen cũng khiến vị thế của Pháp giảm sút. Mô tả các thuộc địa cũ ở châu Phi là "những người bạn không còn hiểu Pháp”, nhóm nghị sĩ kể trên kết luận: “Francafrique của ngày hôm qua đã được thay thế bởi Russafrique quân sự, Chinafrique kinh tế hoặc Americafrique ngoại giao... Chẳng phải đã đến lúc xem lại tầm nhìn của chúng ta về châu Phi và mối liên hệ của châu lục này với Pháp hay sao?”.
Xuất khẩu tăng mà thị phần vẫn giảm
Lợi ích kinh tế của Pháp ở châu Phi vẫn quan trọng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hơn 40.000 công ty Pháp đang hoạt động ở châu Phi và xuất khẩu của Pháp sang lục địa này đã tăng từ 13 tỷ USD lên 28 tỷ USD trong 20 năm qua. Nhưng, trong khi dòng chảy kinh tế này tăng lên thì thị phần của Pháp lại giảm mạnh. Theo nghiên cứu của Đại học L’École de guerre économique (EGE), dù xuất khẩu của Pháp sang châu Phi tăng gấp đôi nhưng tổng quy mô của thị trường lại tăng gấp 4 lần (từ 100 tỷ USD lên 400 tỷ USD) trong 2 thập kỷ qua. Do đó, thị phần của Pháp tại châu Phi, trên thực tế, đã giảm một nửa.
Ngày đăng: 13:29 | 06/09/2023
Nguyễn Khánh / CAND