Cuộc đảo chính nổ ra khiến tương lai Myanmar rơi vào trạng thái không rõ ràng và dễ bị tác động hơn trước cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung.
Bước chuyển đổi của Myanmar từ chính quyền quân sự sang dân chủ từ 10 năm trước từng được ca ngợi là chiến thắng chiến lược cho Washington ngay trên sân sau của Bắc Kinh. Mong muốn giảm bớt ảnh hưởng từ nước láng giềng Trung Quốc, chính phủ dân sự Myanmar bắt đầu mở cửa cho các mối quan hệ ngoại giao và thương mại với phương Tây.
Tuy nhiên, hôm 1/2, quân đội Myanmar giành quyền lực trong một cuộc đảo chính, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo dân sự khác. Kênh truyền hình do quân đội hậu thuẫn tuyên bố Thống tướng Min Aung Hlaing sẽ điều hành đất nước.
Các binh sĩ đứng gác trên một con đường bị phong tỏa gần Quốc hội Myanmar ở Naypyidaw ngày 2/2. Ảnh: AFP. |
Cuộc binh biến diễn ra giữa lúc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gay gắt và nó đã đặt Myanmar vào tâm điểm của một cuộc cạnh tranh địa chính trị căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington nhằm giành vị trí lãnh đạo toàn cầu, giới chuyên gia đánh giá.
Mỹ định hình cách tiếp cận của mình đối với Myanmar là nỗ lực nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Trọng tâm của Bắc Kinh, bên tuyên bố luôn duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, phần lớn đặt vào lợi ích kinh tế và chiến lược. Khác biệt này được thể hiện rõ ràng qua cách hai nước phản ứng với cuộc đảo chính.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar ngay lập tức trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự, đồng thời nêu khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ liên lạc với các đối tác trong khu vực nhằm thảo luận phương án đối phó. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/2 xác định hành động của quân đội Myanmar là đảo chính.
Trung Quốc trong khi đó từ chối thể hiện lập trường, bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên sẽ "giải quyết phù hợp mọi bất đồng". Truyền thông nhà nước Trung Quốc không gọi đây là một cuộc đảo chính, mà định danh nó là "cuộc cải tổ nội các lớn".
"Chiến lược của Trung Quốc luôn là 'Chúng tôi sẽ làm việc với ai nắm quyền'. Tôi gọi đó là sự linh hoạt về mặt đạo đức của họ", Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu ở Washington, cho hay.
Với Trung Quốc, nước láng giềng Myanmar là cửa ngõ chiến lược tới Ấn Độ Dương và là nguồn cung cấp khoáng sản, gỗ cùng những tài nguyên thiên nhiên khác. Các đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc, chạy dọc Myanmar, khởi nguồn từ tỉnh Vân Nam đến Vịnh Bengal, là tuyến đường mà Bắc Kinh muốn biến thành một hành lang kinh tế rộng lớn hơn với các kết nối đường bộ và đường sắt.
Với Mỹ, giới chức nước này đã nhìn thấy cơ hội biến Myanmar thành đồng minh, thúc đẩy nền dân chủ tại đây và làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Chính quyền Biden đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ chỉ có tác động không đáng kể với quân đội Myanmar, lực lượng vốn hầu như không bị ảnh hưởng bởi những biện pháp cấm vận đơn phương từ Mỹ", Daniel Russel, chuyên gia cấp cao về châu Á của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama và Donald Trump, nhận xét.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ sẵn lòng hỗ trợ quân đội Myanmar như một phần trong nỗ lực không ngừng của họ nhằm tối đa hóa ảnh hưởng ở Đông Nam Á, theo Russel.
Quá trình Mỹ thúc đẩy Myanmar chuyển từ chế độ quân sự sang dân chủ và tách khỏi Trung Quốc bắt đầu từ thời Hillary Clinton còn giữ chức ngoại trưởng. Năm 2009, bà cử nhà ngoại giao Kurt Campbell tới Myanmar. Campbell lúc bây giờ là cánh tay phải giúp bà phụ trách các vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao. Ông hiện là chuyên gia cấp cao về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính quyền Biden.
Trong chuyến thăm của mình, Campbell đã gặp Suu Kyi và ông tuyên bố Mỹ sẽ cải thiện quan hệ song phương nếu Myanmar "có đi có lại".
Sau khi Suu Kyi thoát khỏi quản thúc tại gia và trở thành gương mặt chính trị nổi bật, Clinton bay đến Myanmar vào năm 2011. Obama năm 2012 trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Myanmar.
Trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đã trải qua những biến chuyển phụ thuộc vào thay đổi chính trị ở cả hai nước. Myanmar tiến gần hơn với Trung Quốc khi các cuộc đảo chính quân sự liên tiếp diễn ra và các cáo buộc vi phạm nhân quyền khiến nước này bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Các nước phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng với Myanmar, cấm đầu tư, thương mại và du lịch. Bắc Kinh đã tìm đến và lấp đầy khoảng trống, làm giàu cho giới tinh hoa quân sự thông qua đầu tư và các lĩnh vực như khai thác tài nguyên và trở thành đối tác thương mại chính của Myanmar.
Nhưng sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc lại khiến các tướng lĩnh Myanmar lo lắng. Giới phân tích và các cựu quan chức Mỹ cho rằng đây chính là động lực khiến quân đội chuyển hướng sang theo đuổi nền dân chủ một phần năm 2010.
Bước chuyển này tạo ra vấn đề cho Bắc Kinh. Năm 2011, Myanmar đình chỉ một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc: Đập thủy điện 6.000 megawatt trị giá 3,6 tỷ USD ở bang Kachin.
Trung Quốc đa phần né tránh thiết lập quan hệ với Suu Kyi, một phần nhằm duy trì quan hệ với quân đội Myanmar. Nhưng trước thực tế là các tướng lĩnh quân đội có khuynh hướng mở cửa đất nước và Suu Kyi trở thành một thủ lĩnh chính trị có tiếng nói, Bắc Kinh bắt buộc phải đặt nền móng cho các mối quan hệ mới.
Bắc Kinh đã đài thọ toàn bộ chi phí cho các chuyến đi đưa những thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Suu Kyi đến thăm Trung Quốc.
Từ năm 2013, ít nhất 1.000 lời mời đến thăm được Trung Quốc đưa ra với các chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động dân sự và nhà báo Myanmar, theo Viện Chính sách và Chiến lược có trụ sở ở Yangon.
Năm 2015, Myanmar tổ chức cuộc bỏ phiếu tự do đầu tiên sau nhiều thập kỷ và đảng NLD giành chiến thắng, nắm quyền điều hành chính phủ. Dù quân đội vẫn nắm giữ các bộ chủ chốt, cuộc bầu cử vẫn được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng.
Suu Kyi thăm Bắc Kinh vào tháng 6/2016 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. "Chuyến đi này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc đã không thành hiện thực. Đảng NLD, lâu nay vốn bị Bắc Kinh coi là 'con rối của phương Tây' hay được phương Tây bảo trợ, đã không toàn tâm toàn ý hướng Tây", Mary Callahan, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Henry M. Jackson, Mỹ, đánh giá.
Khi Suu Kyi chuẩn bị có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhà Trắng cùng năm đó, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu Mỹ có dỡ bỏ trừng phạt lên các tướng lĩnh đã quản thúc Suu Kyi suốt một thập kỷ và ngăn chặn tiến trình dân chủ ở Myanmar hay không?
Tổng thống Obama cuối cùng quyết định chấm dứt hầu hết các lệnh trừng phạt. Tại một cuộc gặp với Suu Kyi, Biden, lúc bấy giờ là phó tổng thống, hoan nghênh những tiến bộ Myanmar đạt được trong việc xây dựng nền dân chủ, đồng thời thảo luận về các mối hợp tác tương lai.
Trong vài năm đầu, Suu Kyi tập trung nhiều vào việc giải quyết xung đột sắc tộc và về lĩnh vực này, Trung Quốc, bên có mối quan hệ với những nhóm dân tộc vũ trang ở biên giới Myanmar, là một đối tác quan trọng.
Người tị nạn Rohingya lội qua một con kênh cạn để đến Bangladesh sau khi tháo chạy khỏi Myanmar hồi tháng 10/2017. Ảnh: AFP. |
Năm 2017, quân đội Myanmar bị cáo buộc thực hiện chiến dịch "thảm sát" đối với cộng đồng dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Khoảng 700.000 người Rohingya phải chạy tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh. Bà Suu Kyi khi đó không có bất kỳ phản ứng nào.
Một lần nữa, Mỹ phải đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan. Dưới chính quyền Donald Trump, một số quan chức Mỹ muốn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Myanmar. Nhưng với nhiều người khác, việc Suu Kyi không lên án hành động của quân đội đối với người Rohingya đã khiến hình ảnh của bà bị suy yếu đáng kể, đồng thời làm phức tạp thêm nỗ lực thúc đẩy dân chủ ở Myanmar.
"Họ đã bị cản trở bởi câu hỏi về người Rohingya", Derek Mitchell, đại sứ Mỹ tại Myanmar từ năm 2012 đến 2016, cho hay.
Khi Myanmar mở cửa với phương Tây, nhiều người nghĩ rằng đây sẽ là một thị trường mới tuyệt vời với doanh nghiệp Mỹ. Chính quyền Obama từng hy vọng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ mở đường để các công ty Mỹ bắt đầu đầu tư vào Myanmar và trở thành chất xúc tác thúc đẩy dân chủ.
Nhưng các doanh nghiệp phương Tây không đạt được nhiều tiến bộ, trước tiên do sự thay đổi kinh tế chậm chạp và môi trường đầu tư khó khăn của Myanmar, sau đó là vì cuộc khủng hoảng Rohingya tiềm ẩn nguy cơ Myanmar bị áp lệnh trừng phạt trở lại.
Thay vào đó, hầu hết đầu tư đến từ Trung Quốc và các nước châu Á khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Các cố vấn của Suu Kyi cảnh báo những đại sứ phương Tây rằng việc gây áp lực lên Myanmar chỉ đẩy họ tới gần hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh trong khi đó trở thành người bảo vệ của Myanmar, ngăn cản các nỗ lực của phương Tây nhằm thông qua nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu chấm dứt hành động đối xử bạo lực với người Rohingya. Hội đồng Bảo an sau đó phải ra một tuyên bố không mang tính ràng buộc.
Như một cái gật đầu với Trung Quốc, văn phòng của Suu Kyi ra tuyên bố cảm ơn những người "đã duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền".
Tháng một năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Myanmar, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc đến nước này trong gần hai thập kỷ. Ông ký hàng loạt thỏa thuận để khởi động Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar, một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại và năng lượng tỷ đô.
Aung San Suu Kyi đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử của Myanmar hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính phủ của Suu Kyi không trao cho Bắc Kinh mọi thứ họ muốn. Myanmar đã thu nhỏ quy mô một dự án cảng quan trọng đối với Trung Quốc và nhanh chóng thông qua các sáng kiến lớn khác. Tuy nhiên, các khoản đầu tư nhỏ hơn vào ngành khai khoáng và năng lượng vẫn được thúc đẩy.
Tháng 11/2020, đảng NLD chiến thắng cuộc tổng tuyển cử và giành nhiệm kỳ thứ hai, khiến phe đối lập được quân đội hậu thuẫn giận dữ. Quân đội cáo buộc có gian lận bầu cử. Ngày 1/2, vài giờ trước khi quốc hội có phiên họp đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử, họ tiến hành đảo chính.
Gregory Poling, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng chính quyền Obama đã đúng khi tạo động lực để Myanmar tiếp tục mở cửa. Nhưng vấn đề nảy sinh sau đó và đến tận bây giờ là Mỹ không thể mở rộng ảnh hưởng đối với Myanmar, trong khi Trung Quốc thì ngược lại.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)
Tổng tư lệnh lãnh đạo cuộc đảo chính ở Myanmar lần đầu lên tiếng sau binh biến |
Tại sao Trung Quốc "khó xử" vì chính biến Myanmar? |
Biden dọa cấm vận Myanmar |
Ngày đăng: 11:17 | 04/02/2021
/ vnexpress.net