Sau khi sang nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay), hậu duệ nhà Lý lập những chiến công lẫy lừng, trở thành anh hùng nơi đất khách.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1225, lợi dụng triều Lý suy yếu, vua Lý Huệ Tông không có con trai phải nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng, thái sư Trần Thủ độ giành lấy ngai vàng cho dòng họ mình. Ông ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông).
Sau khi có được ngôi vương, để bảo vệ lợi ích dòng tộc, Trần Thủ Độ tiến hành nhiều biện pháp củng cố thế lực, loại bỏ nhà Lý khỏi triều đình. Nhiều hậu duệ của nhà Lý bị đi đày ở những nơi xa xôi, phải đổi sang họ khác.
Tranh vẽ Kiến Bình vương Lý Long Tường.
Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt - Hàn của GS Phan Huy Lê cũng cho rằng: “Họ Lý không những mất ngôi vua mà theo kế sách của Trần Thủ Độ, người họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn. Thậm chí, năm 1232, Trần Thủ Độ còn sai đào hố ngầm để giết hại tôn thất họ Lý khi tụ tập về làm lễ tế tổ ở Hoa Lâm…”.
Theo tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà nghiên cứu phương Đông cổ điển, đồng thời là nhà văn Khương Vũ Hạc (Kang Moo Hak), con cháu dòng họ Lý ly tán, người đi xa nhất là Kiến Bình vương Lý Long Tường (sau này đã lập những chiến công hiển hách trên đất Cao Ly).
Lý Long Tường sinh năm Giáp Ngọ (1174), là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông là em vua Lý Cao Tông và là chú vua Lý Huệ Tông.
Lớn lên khi vương triều Lý suy vong, cung đình có nhiều biến cố dồn dập, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý phải tìm cách vượt biển ra nước ngoài.
Năm 1226, ông khóc ở miếu Nam Bình rồi đem đồ tế vượt biển đến sông Phú Lương thuộc huyện Ủng Tân (Cao Ly), ẩn ở Trấn Sơn phía Nam phủ thành, đặt hiệu Vi Tử động.
Tương truyền, trước đó, vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy con chim cực lớn bay từ phương Nam lên. Ông lệnh cho quan lại địa phương tiếp đón ân cần và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.
Tại đây, Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.
Lúc bấy giờ, đế chế Mông Cổ đang phát triển mạnh và mở rộng chinh chiến, xâm lược nhiều nơi.
Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly, đánh vào quốc đô, một cánh quân đánh vào Ủng Tân. Lý Long Tường tổ chức kháng chiến, cùng quan quân trong phủ thành và nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm. Sau 5 tháng, quân giặc thua to, phải xin hàng.
Nghe việc ấy, vua rất khen ngợi, sai đổi Trấn Sơn làm Hoa Sơn, lấy đất 30 dặm vuông, nhân khẩu của 20 hộ, cho ông làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên.
Vua còn sai dựng cửa gọi là Thụ hàng môn, lập biển ghi công trạng để biểu dương công huân.
Đối với người Cao Ly, Lý Long Tường là anh hùng. Hiện hay, người dân Hoa Sơn (Triều Tiên) vẫn còn lưu giữ nhiều di tích mang dấu ấn chiến công của Lý Long Tường như khu dinh quán, thành lũy, mộ của ông.
Từ khi Lý Long Tường đến định cư ở Cao Ly, họ Lý đã truyền được 31 đời. Con cháu nhiều người học giỏi, đỗ đạt làm quan, giữ cương vị cao trong triều.
Theo GS Phan Huy Lê, quá trình xác thực dòng họ Lý Hoa Sơn ở Triều Tiên được tiến hành trên cơ sở khoa học. Đối chiếu tư liệu ở Hàn Quốc và tư liệu ở Việt Nam, Lý Long Tường chính là con trai vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông.
Trần Khát Chân và chiến công đánh tan quân Chiêm Thành Đánh tan quân Chiêm Thành, cứu nhà Trần khỏi nguy cơ ngoại bang xâm chiếm, là chiến công hiển hách của danh tướng Trần Khát ... |
Những tướng Việt Nam thành danh nơi xứ người Tài quân sự của người Việt không chỉ thể hiện bằng các chiến công trong lịch sử, mà còn qua chân dung những vị tướng ... |
Ngày đăng: 19:42 | 03/05/2019
/ http://danviet.vn