Đa số phản đối thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động nhưng cũng có ý kiến ủng hộ và kiến nghị thu cao với phân khúc đắt tiền
Mới đây, tại văn bản góp ý cho đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, UBND TP.HCM kiến nghị thu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như điện thoại di động, mỹ phẩm, nước hoa..., kiến nghị trên đang gây nhiều tranh cãi.
Sao lạ thế?
Anh Nguyễn Anh Hưng (Nguyễn Trãi, Hà Đông) ngạc nhiên khi nghe tới đề xuất này. Anh Hưng thắc mắc, điện thoại thì ai cũng dùng, tại sao lại đi đánh thuế.
Anh Hưng chia sẻ, nhà anh có 5 người, hai vợ chồng, một đưa con và hai ông bà già nhưng cả 5 người đều dùng điện thoại, mỗi người một chiếc.
"Điện thoại giờ là vật bất ly thân, ai cũng phải dùng để phục vụ công việc, để liên lạc với người thân, để giám sát con cái, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này là không hợp lý.
Tôi nghĩ chỉ nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng xa xỉ, gây hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc là... thôi", anh Hưng bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, nếu đánh thuế chỉ nên hướng tới phân khúc điện thoại cao cấp.
"Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì nên chia theo từng phân khúc, đánh vào mấy dòng sản phẩm như Vertu, giá hàng trăm tỉ và hướng tới nhóm khách hàng có thu nhập cao.
Nếu áp dụng đại trà, nhắm tới nhóm khách hàng phổ thông, những cá nhân có thu nhập thấp thì không hợp lý", chị Hà nêu quan điểm.
Cũng theo chị Hà, vấn đề đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động còn phải được tính toán, đặt trong bối cảnh phát triển chung.
Đặc biệt phải kiểm soát được tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng trốn thuế tràn vào làm loạn thị trường trong nước.
Đánh thuế là văn minh?
Chia sẻ góc nhìn khác, anh Nguyễn Như Phong (Bắc Ninh) lại cho rằng nên đánh thuế thật cao với những điện thoại thuộc phân khúc cao, đắt tiền nhằm điều tiết cách dùng của người giàu.
"Những người nhiều tiền họ thường không quan tâm tới giá khi mua điện thoại. Tôi biết có những người thay điện thoại như thay quần áo, máy mua mấy chục triệu mà cầm chưa nóng tay thấy quảng cáo dòng máy mới lại muốn đổi ngay rồi.
Nhưng, nếu đánh thuế với nhóm điện thoại đắt tiền, từ 20 triệu trở lên tôi nghĩ họ sẽ phải tính. Những người thật sự có niềm đam mê thì không giá nào ngăn cản được họ nhưng với những người thích oai, thích thể hiện sự sang chảnh mà giờ phải bỏ ra 40 triệu để mua một chiếc điện thoại đáng giá chỉ 20 triệu chắc cũng phải tính", anh Phong nói.
Vì lập luận trên, anh Phong cho rằng, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại cao cấp có khi còn văn minh.
Có thể thu nhưng phải tính
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, có thể đánh thuế nhưng phải có cơ sở cụ thể.
Trước hết, nói về thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Thịnh cho hay, thuế tiêu thụ đặc biệt thường được đánh vào các nhóm hàng không được khuyến khích sử dụng hoặc có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, an ninh, trật tự xã hội... nhằm điều tiết nhu cầu sử dụng của người dân.
Trước đây, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được áp dụng với một số mặt hàng với mục đích điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập cao, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Về đề xuất của TP.HCM, ông Thịnh đồng tình với yêu cầu đánh thuế cao với các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá... nhưng đánh thuế cao tới điện thoại di động thì phải tính toán thận trọng.
"Bia, rượu đánh thuế là đúng vì người dân Việt Nam đang có thói quen sử dụng bia, rượu tràn nan dẫn tới tình trạng mất kiểm soát, gây tai nạn, ảnh hưởng tới sức khỏe, cần phải hạn chế.
Nhưng điện thoại di động bây giờ là sản phẩm bổ biến, ai cũng dùng, vì thế phải làm rõ lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này.
Hơn nữa, trong thực tế, phát triển điện thoại di động còn có mục đích khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ đời sống của người dân... với lý do này, việc đánh thuế cũng chưa thuyết phục", ông Thịnh nói.
Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ thẩm mỹ
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, ông Thịnh cũng cho rằng, có thể xem xét đánh thuế với những nhóm điện thoại cao cấp, không phổ biến với người dùng, đắt tiền nhưng dư thừa tính năng, lãng phí...
"Với những điện thoại vào chục triệu tới hàng tỉ đồng thì không phải người dân nào cũng có điều kiện để dùng. Với nhóm sản phẩm này có thể được xếp vào nhóm hàng hóa đặc biệt, phục vụ cho những người đặc biệt có tiền, có thể xem xét để đánh thuế nhằm điều tiết thu nhập của một số người", ông Thịnh nói.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng khuyến cáo, việc đánh thuế cao nhằm hướng tới điều tiết thu nhập của nhóm khách hàng đặc biệt, thu nhập cao cũng phải được cân nhắc dựa trên các quy định của pháp luật.
"Người thu nhập cao họ đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân cao rồi, nếu đánh thuế cao với sản phẩm hàng hóa cao cấp để điều tiết thu nhập của họ phải rất cẩn thận, không khéo sẽ thành thuế chồng thuế", vị chuyên gia nói.
Đánh thuế cao điện thoại: Người dân sẽ bật ra khỏi thế giới công nghệ
UBND TP.HCM vừa có đề xuất đưa điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm… vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt . Tuy ... |
Chuyên gia phản hồi về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt của TP.HCM
Đánh giá về đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt đối với điện thoại di động, camera, mỹ phẩm, dịch ... |
TP.HCM đề xuất áp thuế thu nhập đặc biệt smartphone - nhiều lo ngại
Trong thời đại số, smartphone được xem là yếu tố tiên quyết giúp người dùng kết nối. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thu ... |
'Hầu hết quốc gia chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động'
Các chuyên gia cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt nhắm vào hàng xa xỉ, trong khi điện thoại di động là hàng tiêu dùng ... |
Ngày đăng: 10:40 | 10/05/2019
/