Từ chuyện cả làng đánh trộm chó tới việc ngàn người đánh hội vì nghi bắt cóc trẻ có thể coi đây là báo động đỏ trong cách hành xử.
Người dân bị ám ảnh
Chỉ một ngày sau khi hàng trăm người ở Thanh Hà (Hải Dương) đập phá và đốt cháy rụi một chiếc xe ô tô Fortuner tiền tỷ của 2 người lạ mặt vì nghi họ có hành vi thôi miên, bắt cóc trẻ em thì lại tiếp tục xảy ra một vụ việc khác ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Theo đó, nhiều người dân trong đó có cả thanh niên lao vào đánh 2 người phụ nữ bán tăm đến mức nhập viện vì nghi ngờ có hành vi dụ dỗ, bắt cóc trẻ em.
Ông Bùi Văn Xuyền, ĐBQH Thái Bình bày tỏ nhiều lo lắng trước những hành vi ứng xử trên.
Theo ông Xuyền, từ chuyện cả làng đánh trộm chó tới việc ngàn người đánh hội đồng vì nghi bắt cóc trẻ con có thể thấy đây là báo động đỏ trong cách hành xử của một bộ phận người dân.
Lý giải trình trạng này, ông Xuyền cho rằng, những nghi ngại của người dân vừa xuất phát từ thực tế cuộc sống vừa là hiệu ứng, mặt trái của mạng xã hội.
“Việc bắt cóc trẻ em thực tế đã xảy ra và để lại hậu quả. Một số vụ án xảy ra cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên tôi khẳng định, tình trạng trên không quá nhiều và tràn lan đến mức cứ thấy người lạ đến nhà là xuất hiện ý nghĩ thôi miên, bắt cóc trẻ em.
Những thông tin đồn đại thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội khiến người dân ngày càng lo lắng hơn. Họ bị ám ảnh và có những cách tiếp cận sai bởi những thông tin câu like, sai sự thật trên các trang mạng”, ông Xuyền nhấn mạnh.
ĐBQH Thái Bình khẳng định, những thông tin về bắt cóc trẻ em đang ngày càng được lan truyền sâu rộng hơn. Nếu các cơ quan chức năng không xử lý triệt để vấn đề này thì những vụ việc tương tự có thể xảy ra mà chúng ta chưa thể hình dung mức độ nguy hại ra sao.
Đốt xe Fortuner ở Hải Dương vì nghi bắt cóc trẻ con |
“Đây là vấn đề rất nguy hiểm. Nếu những việc nhỏ như vậy mà chúng ta không ngăn chặn, không xử lý nghiêm thì những việc khác sẽ rất khó khăn để xử lý”, ông Xuyền nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Dương Trung Quốc (ĐBQH Đồng Nai) khẳng định cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan việc một bộ phận người dân có hành xử côn đồ trước những vấn đề chưa kiểm chứng được độ đúng sai.
Ông Quốc cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất hiện nay người dân đang giảm lòng tin vào việc xử lý pháp luật. Nhiều hành vi sai trái không được xử lý kịp thời. Hay là trong đời sống xã hội, những người tốt chưa được bảo vệ.
Thứ hai, là có yếu tố kích động người dân làm những việc sai trái.
“Những đối tượng kích động chúng ta cần phải điều tra để tìm ra, xử lý nghiêm khắc nhằm lấy lại niềm tin cho người dân. Tuy nhiên tôi nghĩ không nên lấy mạng xã hội ra là lý do để lý giải cho hành vi côn đồ trên. Nếu con người có bản lĩnh, có quan điểm rõ ràng thì mạng xã hội không thể tác động đến hành vi như vậy được”, ông Quốc nhấn mạnh.
Phản ứng của chính quyền còn chậm
Một vấn đề khác được ông Bùi Văn Xuyền nhắc đến đó là trong các vụ việc trên, dù có mặt tại hiện trường ngay sau có phản ánh của người dân, tuy nhiên lực lượng chức năng đều gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích cũng như giải tán đám đông.
Ông Xuyền cho rằng, điều này phản ánh sự thiếu chủ động và quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích các chủ trương chính sách pháp luật để người dân hiểu và tuân theo.
“Vấn đề này phụ thuộc vào năng lực của từng cán bộ và cấp chính quyền cơ sở. Địa phương phải tuyên truyền sớm và phải có biện pháp bảo vệ tốt. Khi sự việc đã xảy ra và để lại hậu quả hoặc ở trong một đám hỗn loạn thì rõ ràng rất khó để xử lý các vụ việc hay thuyết phục người dân.
Do vậy mỗi cấp chính quyền phải rất sáng tạo, chủ động trong những nội dung này. Khi quản lý trên địa bàn từng thôn, bản, làng, xã, cán bộ phải có những biện pháp rất rõ ràng ngay từ đầu. Khi địa phương đã nói và tuyên truyền cho người dân ngay từ đầu thì trường hợp phát sinh vụ việc, xuống tới hiện trường vận động, giải thích sẽ hiệu quả hơn”, ông Xuyền nói.
Để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới, ĐBQH đoàn Thái Bình lưu ý, ngoài vấn đề tuyên truyền để người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật thì địa phương cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe.
“Các đối tượng trộm chó hay bắt cóc trẻ em dù có vi phạm pháp luật thì người dân cũng không được phép đánh đập, hành hung. Họ chỉ có quyền bắt giữ rồi báo cáo cho cơ quan chức năng xử lý theo đúng thẩm quyền.
Với những trường hợp vi phạm, tôi đề nghị phải xử lý nghiêm để làm tấm gương cho các đối tượng khác nghe theo. Không phải cứ thấy vụ việc nào đó xảy ra tại địa phương thì nhảy vào đánh đập hội đồng người vi phạm hoặc người dân vô tội”, ông Xuyền nhấn mạnh.
Từ những sự việc đáng tiếc xảy ra gần đây, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt ra câu hỏi: “Người tốt ở đâu? Những người có trách nhiệm từ Công an, lãnh đạo xã phường ở đâu? Họ ứng xử ra sao trước việc này?”.
Theo ông Quốc những vụ việc trên cho thấy các tổ chức xã hội ở địa phương hoạt động không hiệu quả và bộ máy chính quyền ở địa phương đang có vấn đề.
“Nếu chúng ta làm tốt việc xử lý từng vụ việc cụ thể và tạo ra nhận thức xã hội sâu rộng thì người dân sẽ tự cảnh giác và không dễ bị dẫn dụ những việc như thế nữa”, ông Quốc khẳng định.
Ngày đăng: 09:00 | 26/07/2017
/ Theo Hà Hoàng/ báo Đất Việt