Vụ sập lan can trường học tại Trường Tiểu học xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) mới đây khiến 16 học sinh bị thương, trong đó có em bị chấn thương sọ não. Và hằng ngày, trên cả nước, vẫn có hàng nghìn học sinh bị đánh cược tính mạng như thế, khi phải học trong những ngôi trường chờ sập, còn phụ huynh bất an khi “tử thần” rình rập ngay trên đầu con mình.
Học sinh Trường Tiểu học xã Văn Môn được cấp cứu tại Bệnh viện Việt -Đức. Ảnh: P.V
Sáng đi học lành lặn, chiều mang thương tích
Anh Vương Quốc Độ (Bắc Ninh) gương mặt thẫn thờ, chốc chốc lại hướng ánh mắt về phía phòng cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), nơi cháu V.Q.A đang được các bác sĩ tích cực điều trị. Q.A là 1 trong 16 nạn nhân trong vụ sập lan can tại Trường Tiểu học xã Văn Môn. “Khi nghe tin con gặp nạn, tôi rất bàng hoàng. Vợ chồng bỏ hết nhà cửa để lên đây chăm con. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với con mình. Sáng con đến lớp còn lành lặn, vậy mà lại ra nông nỗi này” - anh Độ nói. Con anh Độ là trường hợp bị chấn thương nặng nhất trong vụ tai nạn trường học đang khiến nhiều người bàng hoàng. Bác sĩ chẩn đoán, cháu bị chấn thương sọ não, vỡ xương thái dương, phải mổ gấp.
Theo đại diện Trường Tiểu học Văn Môn, trước khi vụ sập lan can xảy ra, nhà trường đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng về việc cơ sở vật chất nhà trường cũ nát, xuống cấp cực kỳ nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Văn Môn - cho biết, đã nắm được thông tin trường bị xuống cấp và đề xuất lên UBND huyện để xây trường mới. Thực tế, dự án đang được thực hiện, do UBND huyện làm chủ đầu tư, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành.
Vậy là, chưa kịp về trường mới, vụ tai nạn đã xảy ra. Câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trong sự việc này. Tương lai của những đứa trẻ sẽ ra sao khi chỉ vì cơ sở vật chất của trường xuống cấp mà phải mang thương tích? Anh Nguyễn Văn Oánh (cũng có con đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức sau vụ tai nạn) chia sẻ nỗi bức xúc: “Các cháu đang tuổi hiếu động, có thể chạy nhảy, đùa nghịch, nhưng không thể chỉ dựa vào lan can mà các thanh chắn đã rơi hết như thế. Để xảy ra sự việc, nhà trường, các cấp, ngành phải có một phần trách nhiệm. Chúng tôi đóng thuế, đóng học phí để đầu tư vào giáo dục, vào cơ sở vật chất, đến bây giờ hỏng chỗ nào, nguy hiểm chỗ nào nhà trường có biết, để cảnh báo học sinh không? Thực sự người dân chúng tôi đang rất bất an”.
Tính mạng học sinh đang bị đánh cược
So với các khu vui chơi, trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng, do học sinh đông, trường học chật hẹp, các dụng cụ phục vụ học tập, cơ sở vật chất của trường chưa được đảm bảo, xuống cấp… là nguyên nhân gây ra những tai nạn đáng tiếc cho học sinh. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, hàng chục vụ tai nạn học đường đã xảy ra, từ sập trường đến sập trần nhà, đe dọa trực tiếp đến tính mạng học sinh.
Vào tháng 8.2017, phòng học lớp 6A4, trường THCS & THPT Đống Đa (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP.Đà Lạt) bất ngờ bị sập, làm 10 học sinh bị thương. Khi tai nạn xảy ra, dư luận càng phẫn nộ hơn khi biết được thông tin toàn bộ trần phòng học được làm bằng gỗ, phía trên lát gạch bông. Nhà trường đã kiến nghị cơ quan chức năng nâng cấp mấy năm nay, nhưng chờ mãi vẫn chưa được tu sửa với lý do chưa bố trí được nguồn vốn. Tương tự, thầy trò Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nhiều năm nay phải dạy và học trong thấp thỏm, luôn chuẩn bị tâm thế “sẵn sàng chạy” khi nhiều mảng vữa trần nhà tại các lớp bị vỡ, rơi xuống sàn. Khi báo chí phản ánh, phụ huynh bức xúc, kinh phí sửa trường mới được rót xuống để thực hiện ngay.
Theo ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GDĐT Hà Nội- không chỉ Trường THPT Trần Nhân Tông, mà hiện đang có 40 trường tại Hà Nội rơi vào tình trạng xuống cấp, chờ phê duyệt kinh phí cải tạo. Có trường cứ mưa là ngập, là dột. Điều này có nghĩa, tính mạng của hàng nghìn học sinh đang bị đánh cược, khi phải học trong những ngôi trường xuống cấp, “chờ sập” như thế.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - không riêng Hà Nội, trên cả nước có rất nhiều ngôi trường đang rơi vào cảnh xuống cấp, nhưng chưa được tu sửa. “Cơ quan chức năng luôn lấy lý do thiếu kinh phí, trong khi đó, các công trình nghìn tỉ vẫn được thực hiện. Tôi nghĩ, cần ưu tiên cho giáo dục, đừng đánh cược tính mạng học sinh nữa! Ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát các hạng mục kém chất lượng, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn nhất” - TS Tùng Lâm chia sẻ.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bức xúc: “Các địa phương cần ưu tiên ngân sách để sửa chữa trường lớp, đảm bảo an toàn cho học sinh. Đừng để mất người mất lo chấn chỉnh”.
Xót xa cảnh học sinh đầu tóc lấm lem, lội bùn đến trường ở Đắk Lắk Hình ảnh học sinh ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) hàng ngày lội bùn trên con đường xuống cấp nghiêm trọng để ... |
Hiệu trưởng và giáo viên bị kỷ luật vì để trẻ đánh bạn bầm tím Hiệu trưởng trường Mầm non Ngọc Sơn (Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị khiển trách, giáo viên chủ nhiệm lớp bị cảnh cáo. |
Ngày đăng: 09:15 | 13/12/2017
/ https://laodong.vn