Những kẻ đánh bom liều chết được ví như "quả bom thông minh”, hầu như không thể ngăn cản một khi chúng đã quyết tâm kéo theo người vô tội chết cùng mình.

Taliban đã công bố chính phủ tạm thời bao gồm những nhân vật theo đường lối cứng rắn. Sáng 3/10, lực lượng tuyên bố triển khai các tiểu đoàn đánh bom liều chết ở biên giới, làm dấy nên lo ngại rằng Afghanistan có nguy cơ tiếp tục trở thành "hang ổ" cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Không chỉ riêng ở Afghanistan, tần suất các vụ đánh bom liều chết trên toàn thế giới gia tăng đáng kể từ năm 2000 đến nay. Hàng nghìn người vô tội đã chết trong những vụ tấn công này, để lại tổn thương tinh thần to lớn cho cộng đồng và gây ra những biến động tiêu cực trên thế giới.

Phương thức tấn công vô nhân đạo này được các tổ chức khủng bố thường dùng bởi nó tiêu tốn ít nhân lực và tài lực, có thể gây ra thiệt hại lớn cho đối thủ vượt trội về lực lượng và đem lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Đánh bom liều chết - Chiến lược tàn bạo của các tổ chức khủng bố - 1
Đa số những vụ đánh bom liều chết kể từ năm 2003 đều thực hiện bởi các nhóm khủng bố có liên quan đến tôn giáo. (Ảnh: AP)

Những kẻ đánh bom tấn công thế nào?

Những kẻ đánh bom liều chết thường tự mình vận chuyển chất nổ, trà trộn vào dân thường để tiếp cận địa điểm mục tiêu, sau đó kích nổ nhằm gây ra thiệt hại lớn nhất có thể. Có thể nói, những kẻ tấn công này không khác gì “quả bom thông minh”.

Các vụ đánh bom liều chết đặc biệt gây chấn động vì tính chất bừa bãi của chúng: những kẻ đánh bom sẵn sàng giết hoặc làm bị thương bất kỳ ai trong phạm vi vụ nổ, nạn nhân chủ yếu là dân thường, thủ phạm không từ thủ đoạn nào để thực hiện kế hoạch.

Thiệt hại do các vụ đánh bom liều chết gây ra là cả về thể chất lẫn tâm lý. Để gây ra thiệt hại tối đa, kẻ đánh bom chủ yếu dựa vào yếu tố bất ngờ, được tạo ra bằng cách biến những thứ hàng ngày thành vũ khí. Ví dụ, những kẻ đánh bom liều chết thường giấu chất nổ bên dưới quần áo, đặt trong ba lô, tinh vi hơn thì giấu trong khung xe đạp. Đối với những cuộc tấn công quy mô hơn, chúng có thể lái những chiếc xe chở đầy chất nổ. Kích cỡ bom được dùng trong các vụ tấn công dao động từ dưới 100 gram (điển hình là trường hợp của kẻ giấu bom trong đồ lót đã cố gắng hạ gục một máy bay ở Mỹ vào năm 2009), đến hơn một tấn (vụ đánh bom bằng ô tô giết chết hơn 200 người ở Bali, Indonesia, vào năm 2002).

Đánh bom liều chết - Chiến lược tàn bạo của các tổ chức khủng bố - 2
Những kẻ đánh bom liều chết thường tự mình vận chuyển chất nổ và trà trộn vào dân thường. (Ảnh: AP)

Tại sao các tổ chức khủng bố chuộng đánh bom liều chết?

Năm 1983 mở ra một loạt vụ đánh bom liều chết khiến nhiều nước chấn động, khởi đầu là vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Beirut khiến 63 người thiệt mạng. Sau đó là vụ đánh bom đồng thời vào doanh trại quân đội Mỹ và Pháp, cũng ở Beirut, khiến 299 người nữa thiệt mạng. Các cuộc tấn công này, được tổ chức bởi nhóm Hồi giáo dòng Shia Hezbollah, được cho đã buộc các lực lượng quân sự phương Tây rút khỏi Lebanon.

Những năm đó, số lượng các cuộc tấn công bằng phương thức này ngày càng tăng, từ 1 vụ năm 1981 lên hơn 500 vụ vào năm 2007. Có ba lý do chính dẫn đến sự gia tăng này.

Thứ nhất, việc ngăn chặn hoàn toàn các vụ đánh bom liều chết gần như là bất khả thi do những kẻ thực hiện thường đi riêng lẻ hoặc theo nhóm ít người và đóng giả làm dân thường, khiến các lực lượng an ninh khó phòng bị.

Thứ hai, đánh bom liều chết tạo ra hiệu ứng dư luận lớn. Sự chú ý của giới truyền thông cũng giống như ôxy đối với những kẻ khủng bố, và các vụ đánh bom liều chết luôn nhận được nhiều sự chú ý do những kẻ đánh bom không chỉ dùng mạng của mình để gây thiệt hại cho mục tiêu mà còn sẵn sàng giết hại cả người ngoài cuộc. Điển hình là trong vụ ám sát Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi năm 1991, thực hiện bởi một phụ nữ thuộc tổ chức khủng bố Những con Hổ giải phóng Tamil, 16 người vô tội đã chết.

Thứ ba, việc tiến hành một vụ đánh bom liều chết đòi hỏi ít chuyên môn và ít nguồn lực. Các tổ chức khủng bố chỉ cần một quả bom và một thành viên mù quáng để gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cộng đồng, một số nhóm còn tự chế tạo được bom thô sơ từ các tài liệu sẵn có về chất gây nổ trên mạng. Hoạt động này cũng tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với các chiến thuật tấn công khác như bắt cóc con tin.

Đánh bom liều chết - Chiến lược tàn bạo của các tổ chức khủng bố - 3
Rất khó để ngăn chặn hoàn toàn các vụ đánh bom liều chết. (Ảnh: EPA)

Vũ khí chiến lược trước kẻ thù hùng mạnh hơn

Chiến lược đánh bom liều chết cho phép các tổ chức nhỏ đạt được mục tiêu chống lại các đối thủ lớn hơn, đáng gờm hơn.

Sáng 23/10/1983, xe tải do tài xế người Iran Ismail Ascari điều khiển tiến vào sân bay quốc tế Beirut, đi thẳng tới doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ. Chiếc xe dễ dàng tiến đến gần vị trí của quân đội Mỹ mà không bị kiểm tra bởi lính gác tin rằng đây là xe chở nước. Trên thực tế, chiếc xe tải đang chất đầy thuốc nổ của lực lượng Hồi giáo.

Sau khi đi vào bãi đỗ, lái xe bất ngờ tăng ga và đâm thẳng qua bức tường ngăn cách với doanh trại Mỹ. Ascari kích hoạt khối thuốc nổ mạnh tương đương 9,5 tấn TNT, khiến 241 lính Mỹ thiệt mạng. Đây được coi là một trong những ngày đẫm máu nhất của quân đội Mỹ trong thập niên 1990.

Chỉ 10 phút sau, một xe bom cũng đâm vào doanh trại lính Pháp cách đó vài km. Tài xế bị bắn hạ và xe bị chặn lại, nhưng nó vẫn phát nổ và phá huỷ hoàn toàn toà nhà 9 tầng gần đó. Vụ tấn công khiến 58 lính dù Pháp thiệt mạng, trở thành thiệt hại nặng nhất đối với Pháp kể từ cuộc chiến Algeria năm 1962.

Trong trường hợp này, chỉ với hai xe bom và hai mạng người, những kẻ khủng bố đã giết chết gần 300 lính Mỹ và Pháp, đồng thời làm bị thương nhiều người khác.

Vào buổi sáng ngày 11/9 cách đây 20 năm, nước Mỹ và thế giới bàng hoàng chứng kiến 4 chiếc máy bay thương mại cỡ lớn, chở hàng trăm người, bị 19 tên không tặc điều khiển đâm vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), và Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo thống kê cuối cùng của giới chức Mỹ, tổng cộng 2.996 người đã chết trong sự kiện này, trong đó có cả những người lính cứu hỏa dũng cảm giải cứu những người mắc kẹt trong Trung tâm thương mại thế giới (WTC). Gần 10.000 người khác bị thương và phải chịu những di chứng về sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng. Hơn 22.000 mảnh thi thể được tìm thấy sau thảm kịch được các chuyên gia xét nghiệm xác định danh tính trong nhiều năm trời.

Đối với các tổ chức khủng bố, sự hy sinh của một vài sinh mạng để tiêu diệt hàng trăm mục tiêu là xứng đáng. Chiến thuật tự sát này có xu hướng được sử dụng khi một lực lượng tin rằng các biện pháp kém quyết liệt hơn sẽ không hiệu quả trước một đối thủ vượt trội.

Đánh bom liều chết - Chiến lược tàn bạo của các tổ chức khủng bố - 4
Tổng cộng 2.996 người đã chết trong sự kiện ngày 11/9/2001. (Ảnh: AP)

Tôn giáo – lá cờ “chính nghĩa” của chủ nghĩa khủng bố

Tuy tôn giáo không phải là động lực duy nhất của đánh bom liều chết, nhưng cũng chiếm một phần đáng kể. Đa số những vụ đánh bom liều chết kể từ năm 2003 đều thực hiện bởi các nhóm khủng bố có liên quan đến tôn giáo.

Thực chất, khi những kẻ đánh bom liều chết ca ngợi thánh thần trước lúc tấn công, chúng đang tự biện minh cho việc giết người bừa bãi. Hành động này cũng nhằm vượt qua phản ứng chống cự tự nhiên khi đối mặt với cái chết.

Các tổ chức khủng bố thường sử dụng đức tin để đề cao “chính nghĩa” của họ trong các cuộc tấn công. Bằng cách này, họ bơm vào tâm trí các thành viên rằng đánh bom liều chết không phải hành động dã man, mà là một “nghĩa vụ thiêng liêng”. Bằng cách thần thánh hóa những kẻ đánh bom thành chiến binh "tử vì đạo", các tổ chức khủng bố còn có thể thu hút thêm thành viên mới.

Bên cạnh lý do tôn giáo, hành động đánh bom liều chết cũng có thể bắt nguồn từ động cơ cá nhân của kẻ tấn công. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều kẻ đánh bom liều chết, đặc biệt là trong các xã hội phát triển, không phải là những kẻ cuồng tín loạn trí hoặc bất cần đời. Trên thực tế, nhiều tên có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia nơi chúng sống. Động cơ cá nhân bao gồm nhiều loại: trả thù cho cái chết của thành viên trong gia đình (như các nữ khủng bố "Góa phụ đen" ở Chechnya), chống lại sự can thiệp quân sự từ nước ngoài (những kẻ khủng bố tại Iraq và Palestine) hoặc bất bình trước sự việc nào đó (điển hình là vụ lạm dụng các tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq). Do những người có vấn đề cá nhân nghiêm trọng thường thiếu đi đồng cảm với người khác.

Bên cạnh những thành phần có động cơ cá nhân, các tổ chức khủng bố cũng dụ dỗ những người nghèo đói hoặc có tâm lý xa lánh xã hội để tăng nhân lực đánh bom.

TRẦN TRANG

Taliban triển khai lực lượng đánh bom liều chết ở biên giới Taliban triển khai lực lượng đánh bom liều chết ở biên giới
Đoàn xe quân đội Myanmar bị đánh bom Đoàn xe quân đội Myanmar bị đánh bom
Lầu Năm Góc: Kẻ đánh bom liều chết thực hiện vụ tấn công ở Kabul Lầu Năm Góc: Kẻ đánh bom liều chết thực hiện vụ tấn công ở Kabul

Ngày đăng: 09:27 | 09/10/2021

/ vtc.vn