Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19

Vậy nhưng vào đúng dịp kỷ niệm một năm ngày mất Đại úy Tom, nước Anh đang phải đối mặt với scandal hoàn toàn có thể “vùi lấp” danh dự của ông và cả những gì liên quan đến biểu tượng đó.

Đại úy Tom là ai?

Thomas Moore (tên thân mật thường gọi là Tom) sinh năm 1920. Khi Thế chiến II nổ ra, ông được sung vào quân ngũ và điều động đến Ấn Độ. Nhờ thành tích phục vụ trong chiến dịch Burma (Myanmar ngày nay) mà Tom Moore được thăng hàm Đại úy. Ông giải ngũ và dành phần lớn cuộc đời làm việc trong ngành xây dựng.

Công chúng biết đến Đại úy Tom sau khi ông bắt đầu đi bộ quyên tiền cho quỹ từ thiện cho Dịch vụ Sức khỏe công của Anh, gọi tắt là NHS. Tuy đã ở tuổi 100, đi đứng phải chống gậy nhưng Tom Moore vẫn quyết sẽ đi 100 vòng quanh khu vườn của mình. Mỗi ngày ông sẽ đi 10 vòng, một vòng dài 25m.

Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19 -0

Đại úy Tom đã trở thành biểu tượng của nước Anh.

Chiến dịch từ thiện của người cựu chiến binh thành công hơn cả mong đợi. Đến đúng ngày sinh nhật thứ 100 của ông, Đại úy Tom đã quyên được 30 triệu bảng Anh. Còn hơn thế nữa, ông trở thành tâm điểm chú ý của cả đất nước. Các hãng tin đua nhau cử phóng viên đến quay phim, phỏng vấn ông. Bộ Quốc phòng Anh phái một đơn vị vệ binh đi đằng sau ông để đề phòng không có chuyện gì xấu xảy ra. Vào ngày 12 tháng 5, Nữ hoàng Elizabeth II đặt thanh gươm lên vai Đại úy Tom, chính thức phong tước Hiệp sĩ cho ông. Trước đó lá đơn yêu cầu phong tước cho ông đã nhận được 800.000 chữ ký.

Khi đại dịch COVID-19 tạm thuyên giảm ở nước Anh, Hãng hàng không British Airways tặng thưởng cho gia đình ông một chuyến đi du lịch miễn phí đến quần đảo Barbados. Nhưng cũng vì chuyến đi này mà vị cựu chiến binh bị mắc COVID-19. Ông mất ngày 2-2-2021. Đám tang của ông có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo và thành viên Hoàng tộc Anh.

“Con với chẳng cái!”

Bà Hannah Ingram-Moore, con gái của Đại úy Tom Moore, mới đây có một cuộc trả lời phỏng vấn với trang tin tài chính This is Money. Bà hé lộ việc bố mình đi bộ vòng quanh vườn là ý tưởng của chồng bà: “Gia đình chúng tôi không thể tổ chức tiệc mừng thọ 100 tuổi cho bố vì COVID-19. Chồng tôi mới nghĩ ra ý tưởng cho bố đi 100 vòng quanh vườn nhà, cứ mỗi vòng thì anh ấy sẽ lại cho bố một đồng bảng. Tôi là người gợi ý rằng số tiền đó nên được đứng tên bố mà đóng góp vào quỹ của NHS. Bố tôi đồng ý ngay!”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Hannah cho biết bà đã sử dụng kinh nghiệm làm chuyên viên tư vấn PR của mình để marketting cho bố đẻ. Nhờ có bà mà chiến dịch quyên góp của Đại úy Tom mới được đưa tin rộng rãi đến vậy. Mục tiêu sau đó của bà là tổ chức một ngày “kỷ niệm Đại úy Tom” được diễn ra hàng năm.

Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19 -0

Đại úy Tom cùng con gái Hannah Ingram-Moore.

Tuy những bật mí này không có gì sai trái, nhưng công luận Anh cũng ít nhiều tỏ ra bất an. Bởi thế đã xuất hiện những tiếng nói đặt nghi vấn về Đại úy Tom lẫn quỹ từ thiện mang tên ông được bà Hannah và chồng là Colin Ingram thành lập. Vậy là tờ The Independent mở một cuộc điều tra về Quỹ Đại úy Tom.

Sự thật mà các phóng viên phát hiện không khỏi gây sốc cho nhiều người: Tính từ khi thành lập vào năm 2020 đến nay, Quỹ Đại úy Tom đã nhận được khoảng hơn một triệu bảng Anh. Trong số tiền này, 54.039 bảng được trả cho hai công ty do vợ chồng con gái Đại úy Tom. Ngoài ra phần lớn chi phí nhân sự (162.366 bảng Anh) cũng được trả cho… con gái, con rể và họ hàng của người cựu chiến binh này. Số tiền mà Quỹ Đại úy Tom đóng góp cho NHS, Hội Cựu chiến binh Hoàng gia Anh,… chỉ chiếm một phần nhỏ số tiền họ nhận được.

Câu chuyện chưa dừng lại tại đó. Một cách mà Quỹ Đại úy Tom quyên tiền là bán những sản phẩm có dán nhãn “Đại úy Tom”. Người ta có thể tìm mua từ áo thun đến rượu gin “Đại úy Tom” trên trang web của quỹ từ thiện. Một nữ y tá giấu tên làm việc trong bệnh viện công trả lời phóng viên tờ The Independent rằng: “Chúng tôi không nhận được nhiều tiền từ Quỹ Đại úy Tom để mua sắm trang thiết bị, vật dụng y tế, toàn những thứ mà bệnh viện đang rất cần. Họ đóng góp cho chúng tôi chủ yếu là… áo thun và rượu gin “Đại uý Tom”. Đôi khi họ cho được một thùng cà-phê hay bánh quy để chúng tôi có cái ăn uống vào giờ nghỉ. Thế thôi!”

Lại câu chuyện núp bóng từ thiện

Kết luận hiện nay đã quá rõ ràng: con gái và con rể Đại úy Tom đang lợi dụng tên tuổi của ông để thu lợi cho mình. Công luận Anh phản ứng dữ dội. Nhiều người Anh nói thẳng ra rằng, nếu không vì lệnh giãn cách, họ đã tổ chức biểu tình phản đối Quỹ Đại úy Tom. Các nhà hảo tâm thì yêu cầu rút số tiền họ đã đóng góp.

Thế nhưng đối với các chuyên gia, sự việc không có gì quá bất ngờ. Nhà báo Patrick Cockburn cho biết: “Nhiều tổ chức từ thiện mang tiếng là chân chính nhưng thực chất chỉ là để làm giàu cho những người quản lý. Họ trả lương cho giám đốc, chủ tịch quỹ từ thiện số tiền hàng triệu bảng mỗi năm. Nếu họ có thuê công ty ngoài làm cố vấn hay marketing thì sẽ chỉ chọn những doanh nghiệp do họ hàng, bạn bè quản lý”.

Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19 -0

Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sỹ cho Đại úy Tom

Tờ The Guardian mới đây có phỏng vấn nhân viên của một tổ chức từ thiện có tiếng ở Anh. Người này bức xúc: “Chỗ tôi làm thuê đến tận ba, bốn chuyên gia cố vấn. Mỗi người họ được trả 140.000 bảng/năm. Một năm tôi thấy họ họp hai, ba lần. Mỗi kỳ họp là tổ chức lại bỏ tiền mua vé máy bay hạng nhất cho họ đến London. Trong khi đó những người trực tiếp đi vận động quyên góp chỉ được trả “ba cọc ba đồng”. Ai cũng phải có một công việc toàn thời gian thứ hai để có đủ tiền sống!”.

Và câu chuyện về đằng sau hoạt động của các quỹ từ thiện không phải chỉ đến khi Quỹ Đại úy Tom được phanh phui. Trên thực tế, chính phủ một số nước đã phải vào cuộc để chấm dứt những hành vi lạm dụng lòng tốt của nhà hảo tâm. Tại Na Uy và Thuỵ Điển, tất cả các quỹ từ thiện phải công bố báo cáo tài chính chi tiết trên trang web do cục thuế điều hành. Tại New Zealand, lãnh đạo tổ chức từ thiện bị phát hiện lạm dụng tiền quỹ sẽ bị xét xử theo khung hình sự với mức tù cao nhất lên đến 30 năm. Đáng tiếc là nhiều quốc gia như Anh còn đang quá chậm chân trong vấn đề này.

Hiện nay chưa ai rõ rằng liệu vợ chồng bà Hannah có phải ra trước tòa vì hành động của mình hay không? Nếu chuyện này xảy ra, có thể họ sẽ bị xét xử theo khung bộ luật chống lừa đảo của Anh. Điểm mấu chốt của vụ án là liệu bà Hannah có chứng minh được sự độc lập về lợi ích giữa bản thân, chồng mình, họ hàng, và các công ty đối tác không. Họ sẽ thoát tội nếu thuyết phục được tòa án số tiền mình chi ra thật sự được dùng cho việc tổ chức thêm nhiều hoạt động quyên góp.

Đằng sau sự sụp đổ của một biểu tượng chống COVID-19 -0

Chai rượu gin dán nhãn Đại úy Tom.

Nên có cái nhìn thực tế về từ thiện

Đứng trên quan điểm kinh tế, để một tổ chức từ thiện quyên góp càng được nhiều tiền, họ lại càng phải chi nhiều tiền. Lấy tổ chức Oxfam làm ví dụ. Đây là một đơn vị làm việc chân chính và có trách nhiệm. Nhưng theo báo cáo năm tài khoá của họ, Oxfam có thể phải mất mát đến 60,4% số tiền mà họ nhận được cho bộ máy quản lý và các hoạt động quyên góp.

Mặt khác, quỹ từ thiện càng to, dòng tiền ra vào càng lớn thì nguy cơ xảy ra tham nhũng càng cao. Nhà hoạt động người Mỹ Aleya Franxon từng viết: “Cách tốt nhất để giám sát sự trong sạch và mức độ hiệu quả của các tổ chức từ thiện là giao cho cộng đồng quản lý. Những người dân trong cùng một làng, một khu phố có thể từng ngày chứng kiến thành quả mà số tiền đóng góp của họ đem lại…

Lời khuyên tốt nhất cho những người không muốn tiền của mình rơi vào tay những tổ chức như Quỹ Đại úy Tom là: Từ thiện trực tiếp! Điều này không luôn mang nghĩa rằng bạn phải trực tiếp lái xe đi gặp hoàn cảnh khó khăn để đưa tiền cho họ - đây là điều không phải ai cũng làm được hay làm đúng. Bạn hoàn toàn không nên bị những chiến dịch marketing đắt tiền làm “mờ mắt” mà vội mở ví ra.

Thay vào đó nhà hảo tâm hãy đi tìm những tổ chức đoàn thể địa phương để đóng góp cho họ. Đừng nên tin vào những tuyên bố chung chung như “giảm thiểu sự thiếu an toàn trong phòng chống thiên tai!” hay gì đó tương tự như thế.

Trở lại vụ việc Đại úy Tom, lòng kiêu hãnh của nước Anh đã bị giáng một đòn mạnh. Nhiều người mong rằng qua vụ viêc, mảng từ thiện ở Anh Quốc sẽ được đem ra bàn thảo nghiêm túc

Lê Công Vũ

Nữ hoàng Anh nhiễm COVID-19 Nữ hoàng Anh nhiễm COVID-19
Đại lễ Bạch kim mừng Nữ hoàng Anh trị vì 70 năm Đại lễ Bạch kim mừng Nữ hoàng Anh trị vì 70 năm

Ngày đăng: 08:39 | 01/03/2022

/ antg.cand.com.vn