Sự “biến mất” đầy bất ngờ của ứng dụng thông tin chất lượng môi trường không khí AirVisual đã gây dư luận tại Việt Nam trong ba ngày qua, trong đó, người bị dư luận phản ứng nhiều nhất chính là Facebooker Vũ Khắc Ngọc – một thầy giáo hóa học có hơn 350.000 người theo dõi trên mạng.
Trong động thái mới nhất, ngày 8.10, trên trang cá nhân, thầy giáo Ngọc đã gửi lời xin lỗi đến đội ngũ phát triển ứng dụng AirVisual vì đã có sự ngộ nhận về cách thức xếp hạng của AirVisual, dẫn đến những đánh giá tiêu cực về AirVisual, gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam.
Và theo thông tin từ Reuters, AirVisual cho dù đã ẩn ứng dụng trên hai kho nổi tiếng là AppStore và Google Play đối với thị trường Việt Nam, song vẫn mong muốn cung cấp ứng dụng trở lại một lần nữa.
Như vậy tới thời điểm này, mối hoài nghi về cách thức AirVisual thu thập thông tin, bố trí các điểm quan trắc, tính tin cậy của phương pháp đo, độ chính xác của thiết bị đo, cách hiệu chỉnh sai lệch giữa các lần đo, cách tính giá trị trung bình, quy trình vệ sinh các đầu dò sau khi đo… đã được làm khá rõ ràng.
Tuy nhiên, vẫn còn một “ẩn khúc” được dư luận đặt ra, về mối quan hệ giữa ứng dụng thông tin về chất lượng không khí AirVisual với công ty mẹ là IqAir là như thế nào, và liệu AirVisual dù miễn phí nhưng có đóng vai trò PR, truyền thông có lợi cho IqAir bán hàng và cung cấp các dịch vụ hay không?
Trên trang cá nhân của ông Đỗ Cao Bảo – nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT – cho biết IqAir sản xuất các sản phẩm máy lọc không khí và cung cấp các dịch vụ.
Phía Facebooker Vũ Khắc Ngọc cũng cho biết IqAir đã mở showroom tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, có website bán hàng và fanpage cho thị trường Việt Nam.
Website giới thiệu sản phẩm của IqAir tại Việt Nam (chụp màn hình). |
Cần khẳng định rằng, bất cứ một doanh nghiệp sản xuất hay cung cấp một dịch vụ nào có cung cấp một ứng dụng hay dịch vụ miễn phí là điều bình thường. Có thể thấy rõ trong trường hợp Bkav, nhiều năm cung cấp phiên bản phần mềm diệt virus hoàn toàn miễn phí cho người dùng bên cạnh phiên bản thương mại.
Tuy nhiên bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp dùng một sản phẩm, dịch vụ miễn phí nhằm PR, truyền thông quảng bá cho thương hiệu qua đó gián tiếp tác động thúc đẩy việc bán hàng cũng là điều bình thường xảy ra không ít trên thị trường.
Điều quan trọng là những doanh nghiệp đó có “buôn bán hàng bằng sự sợ hãi” hay lợi dụng tình thế bất an trong xã hội để bán hàng hay không mà thôi.
Trường hợp AirVisual ẩn khỏi hai chợ ứng dụng nổi tiếng tại khu vực thị trường Việt Nam vì cho rằng bị “tấn công phối hợp” nhằm gây mất uy tín, sòng phẳng mà nói, ngay trong những thông tin do hãng Reuters dẫn lại, mối nghi ngờ “AirVisual đang thao túng dữ liệu của mình để bán máy lọc không khí do công ty mẹ IqAir sản xuất” nếu được xem là một “ẩn khúc” thì vẫn chưa được làm rõ. Đặc biệt là trong bối cảnh, người dân Hà Nội những ngày qua đổ xô đi mua thiết bị máy lọc không khí trong nhà.
Ứng dụng AirVisual sẽ trở lại Việt Nam một lần nữa? |
Kêu gọi tẩy chay khiến AirVisual "biến mất", thầy giáo xin lỗi |
Vì sao ứng dụng AirVisual bị chặn ở Việt Nam? |
Ngày đăng: 10:43 | 09/10/2019
/ laodong.vn