Cuộc sống ai cũng muốn gặp may mắn, hanh thông, nhưng tụ tập, chen lấn, sì sụp khấn vái rồi bỏ ra hàng trăm triệu thuê thầy cúng dâng sao giải hạn thì quả thật nhiều người Việt chúng ta rất… hài hước.
Chùa Phúc Khánh không còn một chỗ trống vào dịp tổ chức cúng giải hạn đầu năm. Ảnh: Bích Hà
Bởi vì, không có bất cứ kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh được mối liên hệ giữa các vì sao xa tít tắp ở trên thiên hà, đến mức ánh sáng chạy ba ngày chưa tới, và số phận, may rủi của hàng tỷ con người trên trái đất.
Cũng không có tài liệu, sách vở, thực tế nào cho thấy, “cơ chế” để “giải hạn”, nghĩa là hóa giải những rủi ro, hoạn nạn trong tương lai, bằng cách dâng lễ vật, cầu cúng, xin xỏ.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khẳng định giáo lý nhà Phật không có nội dung dâng sao giải hạn.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã lên tiếng bác bỏ “vai trò, tác dụng” của việc dâng sao giải hạn.
Thế nhưng, hàng nghìn, hàng vạn người vẫn chăm chỉ hành lễ, mua sắm lễ vật, mời thầy cúng bái nhằm “trừ tà, giải hạn, cầu an”.
Nếu mà “giải” được “hạn” thì đã không có hàng nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết hàng chục nghìn người mỗi năm. Chưa kể tai nạn lao động, tai biến y khoa, thiên tai, dịch bệnh… và các rủi ro khác.
Nếu mà “cầu” được “an” thì cần gì phải lao động, phấn đấu, sáng tạo, hay chống khủng bố?
Tư duy của nhiều người là một khối mâu thuẫn. Dẫu đã biết “thiên cơ bất khả lộ” (ý trời không thể tiết lộ) và “định mệnh đã an bài” (số phận đã sắp đặt, không thể thay đổi), nhưng con người vẫn muốn biết trước số phận và tìm cách “hóa giải” hoạn nạn, rủi ro.
Có cầu tất có cung. Vì vậy, mới có hàng nghìn, hàng vạn “thầy bói”, cũng như vô số phương cách để dự đoán tiền vận, hậu vận cát hung (quá khứ, tương lai may rủi), và cũng có một giải pháp hết sức độc đáo, là “giải hạn”, “cầu an”.
Các “chuyên gia” giải hạn cũng rất tâm lý và thấu hiểu cuộc sống xã hội, nên đã chuẩn bị sẵn các “gói giải hạn” khác nhau, tùy theo điều kiện hoàn cảnh và mức độ chịu chơi của “khổ chủ”.
Thực ra trong “cuộc chơi” này, kết quả là “win-win” (cả hai cùng thắng): “Khổ chủ” được yên tâm, hi vọng, và thầy cúng được… tiền. Chỉ có thánh thần là người “chịu trận”, vì phải liên tục nghiên cứu điều chỉnh cái gọi là số mệnh, vận hạn của hàng vạn người, vì dù sao cũng đã… trót nhận lễ vật của họ.
Nhiều người thường nhận xét về thầy bói là “cái gì cũng biết, chỉ có không biết số đề về mấy” và “cái gì cũng đoán được, trừ kết quả Vietlott”.
Vì vậy, nhìn những mâm đồ lễ nghi ngút, những đám đông chen chúc, chắp tay thành kính ở tư thế quỳ, nét mặt nghiêm trang trong lễ “giải hạn” ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội), chỉ có thể lý giải rằng: Chúng ta có rất nhiều người hài hước.
Tại sao các chùa không ngừng tổ chức cúng sao giải hạn?
"Thay vì khuyên người dân ngừng cúng sao giải hạn, các chùa chiền cần phải ngừng ngay hoạt động này vì điều này trái với ... |
Chuyên gia văn hóa: \'Quan niệm chi nhiều tiền giải được nhiều hạn là sai lầm\'
Chuyên gia văn hóa, tín ngưỡng khẳng định tục dâng sao giải hạn không nằm trong giáo lý nhà Phật, nghi lễ này đang bị ... |
Ngày đăng: 09:11 | 27/02/2018
/ https://laodong.vn