Sách “Binh chế chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú ghi lại câu tục ngữ truyền tụng trong dân gian cuối thời Lê trung hưng “Đánh giặc họ Hàm, làm quan họ Đặng” để nói đến dòng dõi danh tướng Đặng Huấn.
Câu “Đánh giặc họ Hàm” là chỉ dòng họ của danh tướng Đinh Văn Tả ở Hàm Giang, Cẩm Giàng, Hải Dương, có nhiều tướng nổi tiếng về chỉ huy thủy quân và đánh thủy chiến. Còn làm quan họ Đặng là nói về dòng dõi Đặng Huấn, với các con cháu đều được phong công, phong hầu, nhiều người làm trấn thủ các tỉnh lớn, có người làm đến Bồi tụng (phó tể tướng), nhiều đời thông gia với chúa Trịnh, quyền uy nhất mực một thời.
Vị tướng có tài cầm quân chống giữ
Khi viết về các danh tướng thời Lê trung hưng, Phan Huy Chú tổng kết: “Bốn ông Phạm Đốc, Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu, Đặng Huấn đều được khen là cự phách. Trong niên hiệu Đức Long (thời Vua Lê Thần Tông, nhà vua dùng niên hiệu này giai đoạn 1629-1635), Thanh Đô vương Trịnh Tráng nhớ lại các bậc có công to, bèn cho bốn ông được phối hưởng ở cung miếu bốn trấn, gọi là bốn công thần được hưởng phối. Trong các vị ấy thì Phạm Đốc có công lao và đức vọng đều tốt, thực là tướng giỏi.
Tuy nhiên sinh thời của ông thì nhà Mạc vẫn còn, mà ông lại chết trước, nên công - nghiệp chưa trọn. Hai ông Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu đều thân trải trăm trận đánh, trải mọi gian nan, cuối cùng đều giết được giặc mạnh, bình được kinh cũ, công lao khôi phục đều cao hơn cả. Còn với Đặng Huấn, tuy chiến công ít nhưng có tài cầm quân chống giữ, cũng không hổ là tướng giỏi. Ông lại có con gái làm vương phi, đời đời quý hiển, hơn hai trăm năm vinh hoa rực rỡ, hơn cả các họ công thần”.
Thời Phan Huy Chú biên soạn "Lịch triều hiến chương loại chí", tác giả này viết rằng chưa khảo được dòng dõi của Đặng Huấn thế nào. Còn ngày nay, một số nguồn tư liệu nói rằng ông là hậu duệ của danh tướng Đặng Dung thời Hậu Trần. Hiện chưa rõ ông sinh năm bao nhiêu, có lẽ quanh những năm đầu thế kỷ 16, còn quê quán ở làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay.
Đặng Huấn là cháu rể Nam đạo tướng Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly, đại thần của triều Mạc. Đặng Huấn từng được triều Mạc phong tước bá. Năm 1549, vua Mạc nghe lời gian thần là cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao xúi bẩy muốn bắt Lê Bá Ly, nên viên quận công này đem cả gia đình, thuộc tướng vào Thanh Hóa hàng vua Lê, gồm con trai là Phổ quận công Lê Khắc Thận, văn thần là Lại bộ thượng thư Ngự sử đài đô ngự sử Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Thư quận công Nguyễn Thiến và con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn. Đến khi Nguyễn Thiến chết, Nguyễn Quyện lại bị nhà Mạc dụ hàng trở lại.
Thái sư Trịnh Kiểm gặp Đặng Huấn lần đầu đã để ý, hỏi ông “Làm tước gì?”. Đặng Huấn trả lời: “Tôi được phong tước Khổng Lý bá”. Ngay hôm đó, Thái sư phong Đặng Huấn lên làm Khổng Lý hầu (trên tước bá một bậc), sai quản đốc quân bộ làm tiên phong, nhiều lần ra trận có công cho quân vua Lê, chúa Trịnh.
Năm Chính Trị thứ 3 (1560), đời Vua Lê Anh Tông, Trịnh Kiểm đem quân và voi đi đánh dẹp các xứ Kinh Bắc, đóng ở Lãm Sơn (ở vùng Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay) để đánh quân Mạc. Khiêm vương nhà Mạc là Mạc Kính Điển đem quân vào Vũ Ninh (khu vực quanh thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn ngày nay) đối địch. Đặng Huấn đưa quân sang sông đánh nhau với quân Mạc, bị thua, dưới cờ chỉ còn vài trăm người, phải thu tàn quân rút về Cao Bằng. Quân Mạc vây bốn phía, ông vẫn bình tĩnh ra lệnh cho quân bản bộ không được kinh loạn, lựa lúc quân Mạc trễ nải bèn ruổi binh vượt vòng vây trở về với đại quân ở Lãm Sơn. Thái sư khen ngợi, sau phong Đặng Huấn lên tước Nghĩa quận công.
“Lịch triều hiến chương loại chí” không chép, nhưng “Toàn thư” chép một chi tiết trong hành trạng của Đặng Huấn là năm 1562, vào tháng 11, thái sư Trịnh Kiểm đang đánh dẹp ở Sơn Nam rút quân về Thanh Hóa, sai Nghĩa quận công Đặng Huấn giữ dinh, nhưng Đặng Huấn làm phản về với họ Mạc. Đến tháng 9 năm 1564, Trịnh Kiểm đốc đại binh đi dẹp miền Trung trấn Sơn Nam, đánh phá các huyện ở phủ Trường Yên (Ninh Bình ngày nay), khi đến cửa Chu Tước đóng quân thì Đặng Huấn lại đem binh bản bộ đến cửa dinh chịu tội. Thái sư Trịnh Kiểm tha tội cho, cho giữ tước công như cũ, sai ra miền Hoài An, Sơn Minh (Ứng Hòa, Mỹ Đức thuộc Hà Nội ngày nay) để mưu việc tiến đánh.
Giúp Bình An vương Trịnh Tùng giành quyền, đánh dẹp
Năm 1570, Thái sư Trịnh Kiểm mất, các tướng không tuân phục sự chỉ huy của con trưởng chúa Trịnh là Trịnh Cối nên gây biến. “Toàn thư” tả lại: “Vua có chiếu cho con trưởng Thái sư là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối thay lĩnh binh quyền coi quân đánh giặc. Bấy giờ Cối thả lòng tửu sắc, chí càng kiêu ngạo chơi bời, không thương quân lính. Từ đấy các tướng hiệu lìa lòng, kẻ giúp đỡ ngày một ít. Lòng người nghĩ khác, đều cùng sinh biến, thành ra mối họa”.
Đầu tháng 4 năm đó, bọn Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Phong Vân hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng Lương quận công, Phổ quận công và Lai quận công Phan Công Tích đem các con em quân chúng đến với em Trịnh Cối là Phúc Lương hầu Trịnh Tùng, bàn định kế sách, ép Trịnh Tùng phải cử sự lật đổ Trịnh Cối. Trịnh Tùng bất đắc dĩ phải cùng bọn Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu đem quân về hành tại vua Lê ở Yên Trường.
Lúc này Đặng Huấn đang ở quân doanh Kim Thành. Trịnh Tùng qua đón Đặng Huấn đi cùng đến hành tại yết kiến Vua Lê Anh Tông, tâu rằng: “Anh thần là Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại ngày đêm mưu cướp binh quyền và ấn của thần, nên bọn thần phải đi đêm đến cửa khuyết tố cáo, xin thánh thượng thương mà thu nạp cho”. Bọn Trịnh Tùng tâu vua dời hành tại vào trong cửa quan Vạn Lại, chia quân canh giữ. Hôm sau Trịnh Cối đốc quân đến cửa quan, hai bên chống giữ mấy ngày. Vua Lê sai đưa thư giảng hòa hai bên suốt 7 ngày, phía Trịnh Tùng, Phúc quận công Lại Thế Mỹ không chịu, nói “Bao giờ bắt được người trong cửa quan mới hòa được”. Vua Lê biết không hòa giải được, mới sai các tướng đốc quân chống lại. Trịnh Cối thấy đánh không được, lui quân về Biện dinh, chiếm các cửa biển dọc Thanh Hóa. Đến tháng 8, ngoài phía Bắc, Mạc Kính Điển đem quân tiến vào đánh, từ cửa biển tiến vào vùng Bút Cương (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Trịnh Cối thấy không chống nổi quân Mạc, bèn đem bọn Lại Thế Mỹ và vợ con xin hàng họ Mạc.
Phía nhà Lê, vua Anh Tông sắc phong cho Trịnh Tùng làm Trưởng quận công tiết chế thủy bộ chư dinh, cầm quân đánh lại quân Mạc. Nghĩa quận công Đặng Huấn cùng các tướng hiệu 30 viên, văn thần là bọn Lại bộ thượng thư Từ quận công Nguyễn Đính 12 viên, đều chỉ trời mà thề, bàn nhau giúp việc, đêm ngày bàn tính, chia quân giữ kỹ cửa lũy các xứ, đào hào dựng sách, đặt phục binh chỗ hiểm đề phòng quân Mạc. Quân nhà Lê theo kế của Lê Cập Đệ, lấy phên tre trát bùn bên ngoài chỉ một đêm làm thành bức thành giả dài đến 10 dặm, trên thả chông tre, khiến Mạc Kính Điển tưởng là thành thật, không dám tới gần, bảo với các tướng rằng: “Không ngờ ngày nay quân Lê như vậy, còn có kỷ luật, pháp lệnh nghiêm minh, bồi đắp có một đêm mà xong thành lũy cao, tất quân lính liều chết còn nhiều nên đắp được nhanh thế, khiến lòng ta không yên. Chuyến này tất không thể thành công, chưa dễ dẹp yên được. Nếu không đánh ngay mà tiêu diệt đi, tất làm mối lo về sau”. Trận đó hai bên đánh nhau long trời lở đất, từ huyện Lôi Dương, Nông Cống đều là chiến trường, nhân dân Thanh Hóa xiêu tán, nhiều người chết đói.
Mãi đến khi Trịnh Tùng xuất binh, vua Lê cũng tự làm đô tướng, đưa đại binh qua các huyện Thụy Nguyên, Yên Định thẳng đến huyện Đông Sơn, quân Mạc có Vũ Sư Thước sang hàng, quân Lê mới lấy lại thế trận, đẩy lùi quân Mạc. Quân Mạc rút, Đặng Huấn cùng Hoàng Đình Ái đem quân dẹp yên các huyện quân Mạc vừa rút.
Đến năm 1571, khi bàn công, triều đình nhà Lê phong Đặng Huấn chức thiếu phó. Năm 1579, quân Mạc lại vào đánh, kéo đến Tống Sơn (Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay), Đặng Huấn đem quân ra đánh ở Thái Đường, huyện Vĩnh Lộc, sai tì tướng là Văn Hải làm tiên phong đến khiêu chiến ở núi Kim Âu (ở huyện Vĩnh Lộc, tả ngạn sông Lèn), còn mình đem quân lẻn ra sông Bình Hòa đến núi Mục chặn hậu, cùng Nguyễn Hữu Liêu hợp sức đánh, phá tan quân Mạc, chém được hơn nghìn thủ cấp, khiến Mạc Kính Điển thua to phải lui quân. Nhờ chiến công này, Đặng Huấn tiếp tục được phong Tả đô đốc, thự phủ sự ở Tây quân, chức Thái phó, tước Nghĩa quận công.
Một dòng nối đời làm quan
Năm Quang Hưng thứ 6 (1583) ông mất, được chép vào “Toàn thư” rõ ngày tháng là “tháng 6, ngày 18”, được truy tặng chức Nam quân đô đốc, Chưởng phủ sự thái úy, tước Nghĩa quận công, tên thụy là Cương Chính. Đặng Huấn còn là thông gia với chúa Trịnh, khi có con gái (có sách ghi tên bà là Đặng Thị Ngọc Giao) lấy Bình An vương Trịnh Tùng, sinh ra Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Con trai ông là Đặng Tiến Vinh theo vua Lê chúa Trịnh đánh nhau với quân Mạc cũng lập nhiều chiến công, được phong tước Hà quận công, tặng chức Tả tư không. Đặng Tiến Vinh sinh 7 người con, trong đó có những người tài năng kiêm cả tướng văn, tướng võ như Đặng Thế Tài, Đặng Thế Khoa. Thế Tài sau được phong làm Doanh quận công, được lấy công chúa và bổ nhiệm làm trấn thủ Sơn Tây. Con Thế Tài là Đặng Tiến Thự, năm 1644 mới 15 tuổi được phong Yên quận công, chúa Trịnh yêu quý, cho đổi tên là Trịnh Liễu, sau làm trấn thủ Nghệ An, chức Thái phó. Ông mất năm 68 tuổi, được truy tặng chức Thái tể, phong làm phúc thần.
Đặng Tiến Thự có tới 17 người con, trong đó có Đặng Tiến Sở, Đặng Tiến Luân, Đặng Tiến Lân, Đặng Đình Tướng, Đặng Đình Trứ đều làm quan to. Đặng Tiến Luân được phong tước Bộc quận công, từng làm trấn thủ Sơn Tây, Hải Dương. Đặng Đình Sở được phong tước Lại quận công, cũng từng làm trấn thủ Sơn Tây. Đặng Tiến Lân cũng được phong Gia quận công, tặng chức đại tư đồ.
Đặng Đình Tướng cũng là danh tướng nổi tiếng thời Lê trung hưng. Con ông là Đặng Đình Hiền, Đặng Đình Gián, Đặng Đình Quỳnh, cháu là Đặng Đình Mậu đều lấy quận chúa cả. Đình Gián từng làm đốc phủ Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, được phong Đông quận công. Đình Quỳnh làm lưu thủ Thanh Hóa, tước Hiển Trung hầu. Đình Mật cũng từng làm thống lĩnh Thanh Hóa.
Lê Tiên Long
Danh tướng Đại Việt thà chết, không ăn cơm của giặc phương Bắc |
Danh tướng Trần Nhật Duật thu phục kẻ nổi loạn nhờ... giỏi ngoại ngữ |
5 danh tướng tài giỏi nhất lịch sử Việt Nam gồm những ai? |
Ngày đăng: 16:13 | 22/12/2021
/ antg.cand.com.vn