Số người hủy lịch hẹn tiêm vaccine tăng cao khiến Đức đối mặt nguy cơ bùng dịch ngày một lớn từ biến chủng Delta.
Suốt 6 tháng qua, chính phủ Đức chi khoảng 230 triệu USD cho việc tuyên truyền người dân tiêm vaccine Covid-19, từ áp phích ở nơi công cộng đến quảng cáo trên mạng và truyền hình. Thông điệp "Người Đức xắn tay áo" được chọn làm khẩu hiệu chiến dịch và phần nào đó đạt được thành công.
Với hơn 56% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine và 39% dân số tiêm đủ hai mũi, Đức đang tiến nhanh đến cột mốc quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch. Nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt 85-90% dân số, họ sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, mục tiêu trên chỉ có thể hoàn thành khi Đức thuyết phục được những người hoài nghi và bài xích vaccine về lợi ích của tiêm chủng. Nỗ lực tiếp cận nhóm người này vẫn chưa tiến triển đáng kể, thậm chí có xu hướng đe dọa đảo ngược thành quả chống dịch.
"Những người hoài nghi hoặc có định kiến tiêu cực về vaccine lại chính là nhóm mà chiến dịch tuyên truyền không tiếp cận được", Steffen Egner, nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty MediaAnalyzer, nhận định.
Nhân viên y tế Đức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tị Herrsching, ngày 5/7. Ảnh: AFP. |
Theo Egner, chiến dịch vận động tiêm chủng tại Đức không tạo được tâm lý đón nhận vaccine trong nhóm dân số hoài nghi, khi không thể hướng vào nhóm "khách hàng mục tiêu" như những đợt tuyên truyền thông thường. Nhìn chung, tâm lý hoài nghi vaccine vẫn chưa được giới chức Đức xem xét kỹ lưỡng.
Khảo sát của MediaAnalyzer ghi nhận cứ 5 người còn đắn đo về vaccine thì chỉ một người đánh giá cao biện pháp vận động tiêm chủng qua truyền hình vì không "chạm được vào cảm xúc" của họ.
"Chiến dịch kiểu này cần đặt mục tiêu phù hợp, đưa ra động cơ tiêm chủng thực tế, như thuyết phục người hoài nghi rằng họ sẽ có lại tự do khi tiêm vaccine", Egner cho biết.
Christine Falk, chủ tịch Hội Miễn dịch học Đức, cũng nhấn mạnh vai trò của tăng cường nhận thức về nCoV trong dư luận. Yếu tố này đặc biệt quan trọng với nhóm dân số hoài nghi về vaccine.
"Bạn không bao giờ biết trước ai sẽ là người mất mạng vì virus. Tiêm chủng là lá chắn vững chãi nhất bạn có thể tự trang bị.Bất kỳ ai không tiêm vaccine sớm muộn cũng nhiễm bệnh", bà nói.
Bất chấp những rủi ro nhãn tiền khi từ chối vaccine, tâm lý chán tiêm chủng đang lan rộng tại Đức.Nhiều trung tâm tiêm chủng ghi nhận lượng hủy lịch hẹn gia tăng, đặc biệt là lịch tiêm mũi vaccine thứ hai trong liệu trình.
Hiệp hội Bác sĩ Bảo hiểm Y tế Bắt buộc vùng Bắc Rhine thống kê được 6% người hẹn tiêm chủng không đến theo lịch. Trong vài tuần qua, cứ 5 người được hẹn ở Berlin lại có một người không xuất hiện. Hội Chữ thập Đỏ Đức cũng ghi nhận tình trạng tương tự ở vùng Saxony.
Tại bang Brandenburg, số người không đến tiêm mũi vaccine thứ hai ngày càng tăng. Nhiều bang khác cũng ghi nhận cùng một xu hướng đang diễn ra.
Trường tiểu học tại Beckhum, phía tây nước Đức, quy định học sinh và giáo viên phải đeo khẩu trang trong khuôn viên trường. Ảnh: AFP. |
Nhiều chuyên gia kỳ vọng chính phủ hành động quyết liệt hơn và áp dụng chế tài đi kèm với khuyến khích. Mario Czaja, chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Đức ở Berlin, đề xuất mức phạt 25-30 EUR (29-35 USD) đối với người bỏ lịch tiêm vaccine. Biện pháp này cũng được các cơ sở y tế tư nhân áp dụng phổ biến. Một số thành viên cấp cao trong chính phủ đã kêu gọi nhân rộng mô hình.
Dù vậy, biện pháp xử phạt hành chính cũng vấp phải tranh cãi từ quan chức địa phương. Cơ quan y tế bang Bắc Rhine - Westphalia nhận định không phải mọi trường hợp bỏ tiêm mũi vaccine thứ hai tại trung tâm tiêm chủng theo lịch hẹn đều là những người bỏ tiêm vaccine.
"Một số người chọn tiêm ở những nơi họ đặt được lịch sớm nhất, như phòng khám tư hoặc phòng y tế của doanh nghiệp, không nhất thiết phải tới trung tâm tiêm chủng theo lịch hẹn", cơ quan này lý giải.
Dù vậy, xu hướng ngại tiêm vaccine tại Đức đặt quốc gia này vào tình thế nhiều rủi ro. Biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm và gây bệnh cao hơn đang lan nhanh trong cộng đồng.
Viện Robert Kock, cơ quan hoạch định chiến lược chống dịch quốc gia, nhận thấy ít nhất 50% số ca nhiễm mới là do Delta. Giới chức y tế cảnh báo người bỏ tiêm mũi vaccine thứ hai sẽ tự đặt tính mạng bản thân vào thế nguy hiểm.
"Mũi tiêm thứ hai hiệu quả cao vì mức kháng thể tăng đáng kể. Bạn cần mũi tiêm thứ hai để tạo ra miễn dịch với virus. Tiêm mũi thứ hai sẽ tăng mức bảo vệ gấp nhiều lần khi gặp biến chủng Delta", Christine Falk chia sẻ.
Trung Nhân (Theo DW)
Chủng Delta giảm hiệu quả vaccine Pfizer tại Israel |
Châu Âu chạy đua tiêm vaccine để chống Covid-19 biến thể Delta |
Biden cảnh báo về biến chủng Delta |
Ngày đăng: 14:57 | 08/07/2021
/ vnexpress.net