Lẽ dĩ nhiên là nông thôn Việt Nam cũng có nhiều người chơi hoa đào ngày tết. Nhưng cách chơi của họ khác hẳn. Người có kiến thức canh nông và vườn tược rộng rãi sẽ cầu kì chăm sóc gốc đào nhà mình sao cho nở hoa đúng vào dịp tết. Người không có kiến thức vườn tược cũng có thể sang nhà hàng xóm chọn mua một cành đào nhờ chăm sóc hộ. Tết đến mới cắt mang về.
Người Hà Nội chơi đào từ bao giờ chẳng ai dám khẳng định. Có truyền thuyết nói rằng cây bích đào ở vùng Nhật Tân có nguồn gốc từ thời Bắc thuộc do lính thú phương Bắc đi đồn trú mang sang trồng cho đỡ nhớ quê mỗi dịp xuân về. Họ gây dựng thành cả một làng đào Nhật Tân từ hơn nghìn năm trước. Nhưng lại cũng có thuyết nói rằng làng đào Nhật Tân mới có từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Người ta trồng đào để phục vụ cho triều đình cũng như các làng Hoa Lâm, Thái Đường bên phủ Từ Sơn chuyên trồng các loại hoa khác phục vụ cho kinh thành Thăng Long từ hồi ấy.
Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn |
Những ngôi làng kéo dài từ Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá đến Nhật Tân từ hơn nửa thế kỉ trước vẫn là nơi trồng hoa đào chủ yếu cho dân Hà Nội và vài tỉnh lân cận chơi tết. Họ có kĩ thuật bí truyền từ lúc ghép mầm, chăm sóc cho đến kì tuốt lá. Tất cả dựa vào kinh nghiệm mà không có sách vở nào dạy được. Đại khái họ nghe ngóng cơn gió mùa đông bắc tràn xuống vào lúc nào để quyết định ngày tuốt lá đào cho hoa ra đúng vào dịp tết nguyên đán... Nói ra thì chỉ có vậy. Nhưng gió mùa mạnh hay yếu, nhiệt độ cao hay thấp, có kèm mưa hay không lại là những thứ chẳng thể diễn giải bằng văn bản. Tất cả phải trông vào cảm nhận của những nghệ nhân vườn đào.
Đào phai |
Dân phố chỉ có một cách chơi đào phổ biến nhất mà thôi. Lên chợ mua. Cầu kì hơn có thể vào vườn đào chọn mua. Kĩ lưỡng hơn nữa thì phải lên vườn từ độ tháng một ta chọn những cành có thần thế hẳn hoi rồi đặt tiền nhờ chủ vườn chăm sóc. Nhiều khi đầu tháng chạp lên vườn vài nghệ nhân trên Quảng Bá, Nhật Tân đã không còn cành đào nào vô chủ. Đó là những cành đào vườn người ta trồng với mục đích chính làm gốc để ghép bích đào. Nó chính là những cây “đào rừng” trồng giữa phố được xén tỉa tạo mấu mắt, ghép địa y mốc thếch lên cành. Hoa của chúng dạng cánh đơn hồng nhạt quí phái mong manh. Những cành đào này thường phục vụ một số khách hàng cầu kì không đông lắm ở Hà Nội. Tuy nhiên, người trồng đào nắm rõ được từng khách hàng của mình cả về khả năng tài chính lẫn gu thẩm mĩ. Họ chẳng bao giờ sợ ế hàng.
Bạch đào |
Độ hơn chục năm nay người miền núi cũng học theo cách thức ấy mà tạo dáng cho vườn đào nhà mình. Đào vườn rừng tuy số lượng và hình thức nhiều hơn gấp bội nhưng để cạnh tranh được với đào vườn phố hơn nghìn năm tuổi chẳng phải chuyện dễ. Nhiều năm, dù đã qua con mắt tinh đời chọn lựa của những lái buôn đào thành phố thì đào rừng mang về vẫn ế chỏng. Tất nhiên vòng đời của một cây đào phố không dài. Chỉ trên dưới chục năm là phải phá đi trồng lại. Thế nhưng cái hồn cốt của cành “đào thế” mới chính là mã di truyền trong máu của những nghệ nhân làng đào. Rời tay họ ra, cho dù có là gốc đào cổ thụ cũng bị uốn xoăn tít như mớ lò xo mà thôi. Vì thế nên cho đến tận bây giờ cũng chưa bao giờ thiếu những cành đào thế tuyệt đẹp mỗi dịp xuân về.
Bích đào |
Người ở phố chơi đào đẳng cấp bình dân hơn sẽ lên các chợ hoa đào dịp trước tết. Từ rằm tháng chạp đã loáng thoáng trên ấy những gánh hoa đào cành nhỏ. Và dưới những mái nhà Hà Nội cũng bắt đầu ửng sắc hoa đào sớm. Cành đào bình dân sẽ được những gia đình trồng đào trên Quảng Bá, Nhật Tân, Tứ Liên qui về một cách thức tạo dáng phổ biến nhất. Nó có hình tựa một cái nơm lật ngược. Đã có nhiều người chơi đào Hà Nội cầu kì tỏ ra bất mãn với thẩm mĩ tạo dáng đào theo lối tùy tiện đồng loạt ấy. Thế nhưng chẳng thể tranh luận được với các chủ vườn có đến hàng nghìn năm truyền thống. Lý lẽ họ đưa ra vô cùng đơn giản. Bán nghìn cành đào nơm may ra mới bán được vài cành đào thế. Thẩm mĩ chơi đào của người Hà Nội đa số vẫn nương theo hướng này. Và cho dù tay chơi kĩ lưỡng chọn lựa thế thần đến đâu thì cành đào trên bàn thờ vẫn luôn có dáng nơm.
Chục năm trở lại đây, dân phố có cách chơi đào văn minh hơn hẳn trước. Người ta chẳng mua nguyên cả một chậu đào về nhà làm gì. Thực ra là cũng chẳng biết phải làm gì với một chậu đào sau tết đã rụng hết hoa. Dân phố lên vườn chọn chậu đào thuê về nhà chơi tết. Cũng chẳng phải là sáng kiến gì mới mẻ. Cách thức thuê đào bày tết đã từng là công việc quá quen thuộc của những phòng ban quản trị các cơ quan lớn nhà nước mỗi khi tết đến. Hết tết, chủ vườn lại cho người chở về chăm sóc trong vườn nhà. Đã có những đại gia Hà Nội thuê chỉ một cây đào vài ba năm liên tiếp nếu như nó vẫn ưng ý. Dĩ nhiên giá thuê một chậu đào chơi tết không hề rẻ. Nhiều khi đắt bằng cả một vườn đào phổ thông bán ở chợ.
Dân phố chơi đào trong khoảng thời gian kéo dài từ trước tết khá lâu vắt qua tháng giêng. Ra giêng, những cành đào nhỏ chi chít nụ lỡ vụ tết được cắt bán đầy chợ. Sắc đỏ của hoa đào còn ấm áp trong những căn nhà Hà Nội thêm vài tuần lễ nữa.
Nhà văn Đỗ Phấn
Rực rỡ sắc hoa đào rừng ở vùng rẻo cao Tây Bắc Mù Cang Chải
Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, vẻ đẹp thuần khiết của một loài hoa rừng mang tên Tớ Dày hay còn gọi là “hoa ... |
Hoa đào Hà Nội những ngày giáp Tết
Nắng nóng khiến hoa đào nở sớm hơn mọi năm. |
Ngày đăng: 16:23 | 12/02/2021
/ anninhthudo.vn