Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều hành động cụ thể trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, đóng góp quan trọng trong mục tiêu chung về tăng trưởng xanh của cả nền kinh tế. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bình quân trong vòng 5 năm trở lại đây mức tăng trưởng tín dụng xanh đạt 21,2% (cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống). Hiện dư nợ tín dụng xanh đạt trên 700.000 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động rất tích cực của các NHTM trong việc góp phần xanh hóa nền kinh tế.
Tín dụng xanh tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng
Đáng chú ý, đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017.
BIDV là một trong những ngân hàng tích cực tham gia tài trợ các dự án xanh, với tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh cao nhất trong nhóm các NHTM và là NHTM đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam với quy mô 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV chủ động hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để huy động nguồn vốn dài hạn cho tăng trưởng xanh. Đơn cử BIDV đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai thành công chương trình tín dụng xanh SUNREF trị giá 100 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững… “Với lộ trình rõ ràng “xanh hóa” danh mục tín dụng, BIDV đang dần khẳng định vai trò định chế tài chính dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh trong ngành ngân hàng”, đại diện BIDV nhấn mạnh.
Còn tại Agribank, ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng Giám đốc thông tin, ngân hàng cũng sớm triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh tài trợ cho các dự án đầu tư thuộc các ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch... Đến nay, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024. Riêng quý I/2025, Agribank tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỷ đồng.
Mặc dù đã cải thiện tốc độ tăng trưởng, song đại diện các ngân hàng cho biết đang phải đối mặt không ít thách thức trong việc triển khai cấp tín dụng xanh. Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, hiện chưa có quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể. Cùng với đó, các dự án môi trường thường có thời gian hoàn vốn dài, cần đầu tư lớn cũng là một thách thức… Chưa kể hệ thống khung pháp lý cho tín dụng xanh và trái phiếu xanh hiện còn thiếu đồng bộ; khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế còn hạn chế; trong khi nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về tài chính bền vững vẫn còn khan hiếm.
Mở cánh cửa phát triển tín dụng bền vững
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù tín dụng xanh đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên tỷ trọng còn chưa cao so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và còn nhiều dư địa để phát triển. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế liên quan đến các vấn đề môi trường, xã hội, khí hậu trong hoạt động tài chính ngày càng trở nên khắt khe hơn, đòi hỏi các TCTD Việt Nam cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, xây dựng các quy định nội bộ về môi trường xã hội để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, huy động và tiếp nhận các nguồn vốn ưu đãi quốc tế, hướng hoạt động kinh doanh đến mục tiêu phát triển bền vững.
Với các yêu cầu của bối cảnh mới và nhu cầu thực tiễn của hệ thống các TCTD, NHNN đã phối hợp với IFC nghiên cứu, xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Sổ tay được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành về môi trường, xã hội tại Việt Nam và các thông lệ quốc tế tiên tiến được nhiều tổ chức tài chính tuân thủ về tài chính bền vững. Sổ tay gồm 5 cấu phần: Nguyên tắc quản lý rủi ro môi trường xã hội; Hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội; các chỉ số và báo cáo hoạt động để đánh giá hiệu quả về môi trường xã hội cho các TCTD và hướng dẫn về công bố, minh bạch thông tin về môi trường xã hội và khí hậu; sự phối hợp, tham gia của các bên liên quan và cơ chế khiếu nại về các vấn đề môi trường xã hội; phụ lục cung cấp các thông tin tham khảo và công cụ bổ sung để hỗ trợ TCTD triển khai, vận hành hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội.
Trong đó, nội dung quan trọng nhất của Sổ tay là hỗ trợ các TCTD xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội một cách toàn diện trong quy định hoạt động nội bộ. Hệ thống này bao gồm các thành phần chính: Chính sách về môi trường - xã hội; cơ cấu tổ chức và năng lực thực thi; quy trình đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; tích hợp quản lý rủi ro môi trường - xã hội vào quy trình thẩm định và quản lý tín dụng; và lồng ghép các yêu cầu của Thông tư 17/2022/TT-NHNN vào hệ thống quản lý rủi ro của tổ chức.
Mỗi thành phần đều được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nhằm tạo thuận lợi cho các TCTD trong quá trình tham khảo và áp dụng thực tế. “Đây là một trong những hướng dẫn toàn diện, đầy đủ, chi tiết, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế của NHNN, nhằm nâng cao năng lực thực thi ESG trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, đây là lần đầu tiên một cuốn sổ tay hướng dẫn về quản lý rủi ro phi tài chính trong hoạt động tín dụng được biên soạn và xuất bản có ý nghĩa hết sức thiết thực, đóng vai trò như một “cẩm nang” hỗ trợ cán bộ nghiệp vụ và người quản lý trong việc đưa ra quyết định cấp tín dụng. Đặc biệt đối với các khoản vay trung và dài hạn bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và kiểm soát tốt các rủi ro trong quá trình triển khai.
Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hướng dẫn thống nhất, giúp các TCTD từng bước chuẩn hóa quy trình thẩm định, đánh giá và mở rộng tín dụng đối với các dự án thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thúc đẩy tài chính bền vững tại Việt Nam.
https://thoibaonganhang.vn/dan-loi-cho-tin-dung-xanh-167833.html
Ngày đăng: 10:30 | 26/07/2025
Đỗ Lê / Theo Thời báo Ngân hàng