13 dự án ở khu đô thị Nam Sài Gòn quy hoạch từ 20 năm trước đến nay chưa triển khai khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, xáo trộn.

Dưới cái nắng 37 độ C giữa buổi trưa, con đường gồ ghề, đầy sỏi đá khiến xe cộ đi vào dự án khu dân cư Thăng Long (ấp 4A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) thêm phần khó khăn. Người đi xe máy khi qua con đường rộng hơn 3 m này không dám chạy nhanh, tay luôn bóp phanh, lách qua những viên sỏi lởm chởm, xen lẫn ổ gà nằm giữa đường. Hai bên lộ là khung cảnh đìu hiu với những ngôi nhà mái tôn xập xệ, nằm men theo con rạch nước đen kịt, đặc quánh, lềnh bềnh rác thải.

Bà Nguyễn Thị Bình Thủy, 57 tuổi, sống ở đây 30 năm trước kể, bây giờ đường được đổ sỏi, nâng cao chứ trước đây là đường đất, mùa mưa lầy lội không khác gì ruộng. Mưa lớn ngập nhìn ra đường chỉ thấy mênh mông nước như "mùa lũ ở miền Tây". Năm 2001 nghe tin dự án đầu tư khu dân cư Thăng Long, nhiều người trong xóm vui mừng. Họ hi vọng khu đất sình lầy sẽ được làm đường trải nhựa, những tòa nhà cao tầng mọc lên. Các dịch vụ tiện ích như siêu thị, trung tâm thương mại... sẽ làm bừng sáng vùng đất heo hút.

0009 4

Bà Thủy bên căn nhà cấp 4 ở khu dân cư Thăng Long, huyện Bình Chánh. Ảnh: Hà An.

Vậy mà sau 20 năm, khu nhà bà Thủy không thay đổi so với nhiều năm trước, trong khi cách nhà bà mọt cây cầu phía bên quận 7, các khu thương mại, dân cư chất lượng cao mọc lên. Những căn nhà tôn cũ kỹ, ố màu ở khu dân cư Thăng Long nằm cạnh nhau mưa thì ngập, nắng thì bụi bay mù mịt. Lâu lâu bà thấy đoàn 4-5 người mang sổ sách, thước đến đo địa giới, diện tích từng căn nhà, cặm cụi ghi chép. Mỗi khi bà Thủy hỏi lúc nào dự án triển khai, đền bù giải tỏa ra sao, cán bộ chỉ đáp: "Ghi chép vậy thôi, chứ còn lâu lắm cô ơi", rồi quay lưng rời đi.

20 năm vướng quy hoạch treo là ngần ấy thời gian bà Thủy sống thấp thỏm trong căn nhà cấp 4 rộng hơn 70 m2. Bảy năm trước, cơn giông lốc khiến 5 miếng tôn cũ lợp trên mái bị gió cuốn phăng. Toàn bộ đồ đạc trong nhà phải dùng tấm nilon che chắn. Cơn giông quét qua, bà cùng chồng nhờ bà con lợp lại mái trong sự lo lắng vì nhà trong dự án quy hoạch không được phép sửa chữa. Sáu tháng mùa mưa là quãng thời gian khổ nhất với những trận ngập nước lên tận đầu gối, nhưng bà không dám nâng nền. Có đêm, hai vợ chồng thức trắng tát nước ra ngoài, tìm kiếm đồ bị thất lạc trôi theo dòng nước.

Cách đây 5 năm, bà cùng chồng bỏ ra gần 15 triệu đồng, đánh liều mua vật liệu về nâng nền lên năm phân. Hết mùng 3 Tết, vợ chồng bà mượn vài người anh em đến làm lại nền, lợp mái. Việc cải tạo nhà sau đó bị cán bộ xã phát hiện, vào kiểm tra, bà năn nỉ đủ kiểu và nhận được câu trả lời "không làm gì nữa nha" mà "mừng muốn rớt tim". Sống chật chội trong căn nhà vướng quy hoạch, bà Thủy vẫn chưa hết nỗi lo vì nhà được cấp số gắn trước cửa nhưng hiện chưa có sổ đỏ.

"Chỉ mong khu này được gỡ quy hoạch treo để người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa, yên ổn sinh sống, làm ăn", bà Thủy trải lòng và mong rằng khi về già sẽ được cầm trên tay sổ đỏ, nhà xây thêm tầng rộng rãi cho con cháu về ở cùng, sum vầy tuổi già.

0038 5

Con rạch trong khu đô thị Thăng Long ô nhiễm, rác thải lềnh bềnh trên mặt nước đen kịt. Ảnh: Hà An.

Cách nhà bà Thủy chừng một cây số, ở bên kia đường Nguyễn Văn Linh, dự án khu dân cư 9A2, ở ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cùng chung số phận quy hoạch treo ngót nghét 20 năm. Con đường đất dẫn vào dự án bụi bay mù mịt mỗi lần ôtô đi qua. Nằm nép bên cạnh con đường "đau khổ" ấy là hàng chục phòng trọ cho thuê cho người lao động nghèo. Những phòng trọ được quây lại bằng tôn cũ, ngả màu nâu, thủng lỗ chỗ vì gỉ sét.

Bà Lê Thị Phi, 64 tuổi, cư dân ở đây cho biết bà được cha mẹ cho hơn 4.000 m2 đất để lập nghiệp. Dù muốn xây mới, nâng cấp dãy phòng để những người thuê trọ có môi trường sống tốt hơn nhưng khu đất vướng quy hoạch không thể thực hiện. Ngay cả việc bà muốn tách thửa khu đất cho bốn người con ra riêng, làm ăn sinh sống cũng không thể. Hiện, bà cùng con cháu sống trong căn nhà cấp 4 tạm bợ, xung quanh ô nhiễm vì rác thải, các con rạch bị lấp tạo thành những hồ nước tù đọng màu đen, đặc quánh.

Bà Thủy, bà Phi là hai trong số hàng ngàn hộ dân nằm trong 13 dự án được TP HCM giao đất từ năm 1999-2003 nhưng đến nay chủ đầu tư chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để triển khai. Sau 20 năm, 12 trong tổng số 13 dự án mới đền bù giải phóng mặt bằng 50-75%. Tiến độ các dự án quá chậm, người dân bị ảnh hưởng nên mới đây Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng thu hồi dự án.

Lý giải các dự án chậm triển khai, Thanh tra Chính phủ cho hay chính quyền thành phố hoặc Ban quản lý Khu Nam chỉ định, chấp thuận xây dựng dự án mà không thẩm định năng lực nhà đầu tư. Việc đầu tư tràn lan, dàn trải dẫn đến hiện chưa có dự án nào hoàn thành. "Hầu hết dự án tại khu đô thị phía Nam thành phố vi phạm thủ tục đầu tư...", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu và kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án.

0110 6

Vướng quy hoạch, người dân khu dân cư 9A2 không thể xây nhà, phải sống trong nhà tranh xập xệ. Ảnh: Hà An.

Trả lời VnExpress, ông Phạm Văn Tài, Phó ban quản lý Khu Nam TP HCM cho biết, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, đơn vị đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát các dự án chậm trễ, xác định nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng người dân. Chủ đầu tư nếu gặp khó về giải phóng mặt bằng sẽ được hỗ trợ tháo gỡ nhằm thúc đẩy dự án. Trường hợp không đủ năng lực phải chấm dứt để lựa chọn chủ đầu tư mới.

"Việc bồi thường giải phóng mặt bằng phải hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi các bên. Hộ dân thuộc diện tái định cư phải có điều kiện sống tốt hơn so với trước khi thực hiện dự án", ông Tài nói.

Khu đô thị mới Nam Sài Gòn trải dài ở quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, nằm cách trung tâm thành phố 7-8 km, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1994. Toàn khu có 22 phân khu chức năng, rộng khoảng 2.600 ha, quy mô dân số 500.000 người, kỳ vọng là đô thị hiện đại thay thế vùng đất trũng thấp, thuần nông, nghèo khó trong quá khứ. Nơi đây có đại lộ Nguyễn Văn Linh rộng 120 m, dài 17,8 km, từ Khu chế xuất Tân Thuận đến nút giao quốc lộ 1A về miền Tây.

Khu đô thị hiện có hơn 97 dự án đầu tư với diện tích hơn 2.200 ha trong tổng số gần 2.580 ha, chiếm 80% tổng diện tích. Trong đó 54 dự án hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, diện tích khoảng 1.000 ha; 21 dự án bồi thường đạt 80% đến dưới 100%, rộng 324 ha; 14 dự án bồi thường đạt 50-80%, diện tích 180 ha; 8 dự án bồi thường đạt dưới 50%, rộng 180 ha...

Hà An

Nhiều dự án ‘treo’ hàng chục năm, dân Đà Nẵng đi không được, ở không xong Nhiều dự án ‘treo’ hàng chục năm, dân Đà Nẵng đi không được, ở không xong
Người dân tại ‘siêu dự án’ treo 27 năm Bình Quới – Thanh Đa: Người dân tại ‘siêu dự án’ treo 27 năm Bình Quới – Thanh Đa: "Sợ rằng khi tôi chết, dự án vẫn treo"
Dự án ‘treo’ gần 20 năm, hàng trăm hộ dân ở Đà Nẵng khốn đốn Dự án ‘treo’ gần 20 năm, hàng trăm hộ dân ở Đà Nẵng khốn đốn

Ngày đăng: 08:03 | 31/03/2021

/ vnexpress.net