Dự án làm đường quy hoạch từ 12 năm trước đến nay chưa triển khai, khiến 82 hộ dân ở khối phố Linh Tân (P.Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh) trong diện giải tỏa phải sống trong cảnh khốn khổ vì không được sửa sang nhà cửa.
Sống lay lắt giữa lòng thành phố
Nằm trong khu vực được quy hoạch làm dự án đường Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài phía Tây TP.Hà Tĩnh (hay còn gọi là đường 70), năm 2006, 82 hộ dân ở khối phố Linh Tân được chính quyền địa phương thông báo không được xây dựng và sửa sang nhà cửa để chờ giải tỏa đền bù. Đó là chưa kể người dân cũng không được phép tách hộ, tách khẩu, tách sổ đỏ và bán đất đai.
Cũng trong năm này, đơn vị thi công tiến hành đo đạc, cắm mốc, nên các hộ nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi dự án tưởng như gia đình họ sắp có cuộc di dời đến vùng đất mới để sinh sống. Thế nhưng, đã 12 năm trôi qua, dự án vẫn đang nằm trên giấy, khiến người dân nằm ở ngay trong lòng thành phố phải sống trong cảnh khốn khổ trăm bề vì nhà cửa xuống cấp.Bà Phan Thị Ba (62 tuổi) bức xúc: “Dự án bị “treo” quá lâu trong khi ngôi nhà của gia đình tôi xây dựng đã mấy chục năm nay không được sửa sang lại nên hiện đang rệu rã, tường bong tróc rơi từng mảng. Lo nhất là vào mùa mưa bão, ngồi trú ẩn trong nhà mà cứ sợ nhà sập. Chúng tôi mong mỏi từng ngày dự án sớm được triển khai và đền bù cho người dân để có tiền mua đất đai nhà cửa ở nơi khác. Còn nếu không thực hiện dự án này nữa thì cũng sớm cho người dân câu trả lời để chúng tôi xây dựng lại nhà cửa cho an tâm”.
Chỉ tay vào ngôi nhà cấp 4 bên cạnh cũng bị hỏng hóc nhiều chỗ, bà Ba cho biết ngôi nhà ấy là của cụ Trương Thị Cát (92 tuổi), cũng nằm trong diện bị giải tỏa. Hiện cụ đang phải sống một mình trong căn nhà sập sệ vì 6 người con đều đi lấy vợ, lấy chồng ở xa, thi thoảng mới về thăm mẹ già.
Những năm trước, khi đang còn minh mẫn, cụ Cát thường xuyên sang hỏi bà Ba về việc khi nào được di dời, nhưng người hàng xóm cũng chỉ biết lắc đầu. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hoan (83 tuổi) dù sở hữu một mảnh đất rộng lên đến hơn 2.700 m2 muốn chia cho 3 đứa con trai đã lấy vợ ra ở riêng nhưng cũng đành bất lực vì cơ quan chức năng không cho tách sổ đỏ. Trong khi đó, ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông bị mối mọt đục khoét nên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
“Nhà của tôi bị mối mọt ăn hết nhưng giờ có tiền muốn sửa lại cũng chẳng ai cho sửa. Dự án cứ giam mãi như thế khiến người dân chúng tôi rất khổ. Không biết đến lúc nào chúng tôi mới kết thúc được cảnh sinh sống tạm bợ này”, ông Hoan buồn bã nói.
Đáng nói, do nằm trong quy hoạch nên điện, đường và nhà văn hóa cũng không được nhà nước đầu tư. Theo người dân, từ năm 2017 trở về trước, mọi sinh hoạt, hội họp cộng đồng của người dân ở trong khối phố bị đình trệ vì nhà văn hóa xuống cấp không thể sử dụng. Đến năm 2018, chính quyền địa phương đã hỗ trợ làm cho nhà văn hóa tạm bợ bằng tôn bên cạnh nhà văn hóa cũ để người dân có chỗ sinh hoạt.
Chưa hình thành được dự án
Ông Trương Quang Sơn, Chủ tịch UBND P.Thạch Linh, bày tỏ nỗi bất bình khi trao đổi với PV vì quy hoạch làm đường kéo dài quá lâu làm ảnh hưởng đến đời sống của 82 hộ dân ở khối phố Linh Tân.
“Quy hoạch làm đường 70 đi qua địa phận của phường được UBND tỉnh công bố từ năm 2007 và kéo dài cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Thông qua các cuộc họp cử tri, hội đồng nhân dân hoặc các cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, chúng tôi cũng thường xuyên trình bày những bức xúc của người dân hiện nay và hỏi xem dự án lúc nào được triển khai nhưng không nhận được câu trả lời”, ông Sơn nói.Ông Tô Thái Hòa, Trưởng phòng quản lý đô thị TP.Hà Tĩnh, cho hay mặc dù đường Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài phía Tây nằm trong quy hoạch là trục đường chính đô thị buộc phải triển khai thi công nhưng do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn nên UBND tỉnh chưa cân đối được nguồn lực. “Năm 2017, có một công ty ở Đà Nẵng họ về đề xuất làm đường 70 theo hình thức BT.
Tuy nhiên, khi vào nghiên cứu để lập dự án thì Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu tạm dừng các dự án BT, chờ đến khi có thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, khi tính toán lên thì chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn, lên đến hơn 740 tỉ đồng, đó là chưa kể chi phí làm đường phải mất thêm 200 tỉ đồng. Chính vì lý do này mà tỉnh chưa cho chủ trương triển khai”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, qua các cuộc họp cử tri, hội đồng, UBND TP vẫn thường đề xuất với UBND tỉnh sớm hình thành dự án và bố trí kinh phí để triển khai thi công. Trước mắt, đơn vị này đã cấp phép xây dựng các công trình 1 tầng có thời hạn để tạo điều kiện cho người dân sửa sang lại nhà cửa xuống cấp.
Thanh Đa - bốn thế hệ vật lộn với quy hoạch treo
Người già mong ngóng rồi qua đời, trẻ con lớn lên lập gia đình rồi sinh con, bốn thế hệ dân Thanh Đa trải qua ... |
Sống khổ vì vướng quy hoạch “treo”
Suốt 7 năm nay, hàng trăm hộ dân tổ dân phố Thắng Lợi và Nhân Thắng thuộc phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh ... |
Ngày đăng: 10:08 | 13/05/2019
/ https://thanhnien.vn