“Một phường mà 21 căn nhà cạnh nhau một lúc, hỏi xây lúc nào người dân ở đó họ biết hết mà chủ tịch phường không biết là điều không thể chấp nhận được” - phát ngôn của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Nhà xây trái phép, hay còn gọi là "xây lụi" ở TPHCM. Ảnh: PLO. |
Và điều mà ông Nhân nói chạm đúng vào nỗi bức xúc của người dân về cái gọi là “trật tự xây dựng”.
322 phường xã có tới 1.000 thanh tra viên. Tính ra, mỗi phường có 3 thanh tra viên về xây dựng, chưa kể lãnh đạo phường. Có thể là “mỏng”, là “ít” so với độ rộng và sự phức tạp của địa bàn. Nhưng chẳng cần phải ngày nào cũng dạo một vòng thì họ cũng thừa biết. Ngôi nhà chứ đâu phải cây kim. Cả tháng, cả năm xây dựng chứ đâu phải 5-10 phút mà bảo không hay.
Mà ở Thủ Đức, địa bàn mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ, chính Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM năm ngoái vừa cảnh báo tình trạng “Công trình xin xây dựng nhà riêng lẻ nhưng hô biến thành chung cư mini” và ông đã yêu cầu “địa phương phải xử lý nghiêm”.
Không phải là họ không biết đâu thưa bí thư. Họ biết và họ giả vờ không biết vì chuyện mà ai, người dân nào cũng biết cả đấy.
Tệ một nỗi tình trạng “không biết” lại không phải chỉ ở TPHCM.
24 giờ trước đó, trong phiên giải trình về trật tự xây dựng ở Thủ đô, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã đặt ra một câu hỏi không ít gay gắt: “Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào, thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những cái nhà xây to như con voi mà chúng ta không biết?".
Vấn đề ở chỗ “con voi” dường như quá nhỏ so với vi phạm xây dựng ở Hà Nội.
8B Lê Trực chẳng hạn. Đất rừng Sóc Sơn chẳng hạn. 123 căn nhà siêu mỏng siêu méo chường mặt giữa phố phường chẳng hạn... Nếu so sánh, những vi phạm ấy không phải là “con voi” mà nó bằng cả quả núi, cả khu rừng.
Và nguyên nhân, trong các hội nghị chính thức, là vì thanh tra xây dựng không biết, dẫu dân chỉ cần “đẩy một xe cát” đã biết, là vì chính quyền không biết, dù nó tràn lan, dù nó ngay “trước mặt mình”.
“Trước mặt mình” là từ dùng của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khi ông tiết lộ rằng, 21 căn nhà xây không phép ấy - “Hai tuần sau, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xuống, vẫn thấy xây trái phép tiếp như không có chuyện gì cả”.
Đúng là “không thể để mãi” tình trạng một huyện như Bình Chánh tồn tại đến 2.700 công trình vi phạm hay 2 xã ở Sóc Sơn mà có đến ngót 800 công trình vi phạm. Và đúng là cần một “đột phá” cho cả Hà Nội và TPHCM trong quản lý trật tự xây dựng.
Đột phá ấy là gì?
Chẳng cần gì to tát cả. Chỉ cần đưa ra khỏi bộ máy những thanh tra xây dựng, những chủ tịch phường “không biết” những vi phạm xảy ra trên địa bàn mình chịu trách nhiệm. Chỉ cần đơn giản vậy thôi.
Trụ trì chùa Ba Vàng \'qua mặt\' chính quyền sở tại? Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 26.3 ở TP.Uông Bí (Quảng Ninh), Chủ tịch UBND TP.Uông Bí cho rằng sư trụ trì chùa Ba ... |
Nhặt rác, chụp ảnh đăng Facebook có thể được chính quyền thưởng Người nhặt rác, làm vệ sinh nơi công cộng chụp lại hình ảnh hiện trường trước và sau khi dọn rác, ghi lại những hành ... |
Vụ bắt vạ tài xế 400 triệu ở Sa Pa: "Cần xem lại năng lực chính quyền" Sau vụ người dân yêu cầu tài xế bồi thường 400 triệu khi xảy ra vụ tai nạn chết người, đại diện Ban An toàn ... |
Ngày đăng: 12:30 | 30/03/2019
/ Lao động