Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn; đề nghị chính quyền các địa phương can thiệp kịp thời, giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.
Chiều 9/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp ứng phó với bão số 7.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 7 khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tối 10/10. Hiện, bão duy trì sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 và đang di chuyển trên khu vực phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất là trong đêm nay và ngày mai (10/10). Trên đất liền ven biển tỉnh Quảng Ninh, sức gió ghi nhận được có thể mạnh cấp 8, 9; các khu vực khác có gió mạnh cấp 6.
Đáng lưu ý, sự kết hợp giữa hoàn lưu bão và không khí lạnh khiến mưa lớn xuất hiện diện rộng tại các tỉnh đồng bằng và Đông Bắc Bộ trong hai ngày tới. Lượng mưa 100-150 mm/đợt có thể ghi nhận ở nhiều nơi như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Trong khi đó, mưa lớn diện rộng xuất hiện ở các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An các ngày 10-11/10. Tổng lượng mưa tại đây được dự báo 50-100 mm/đợt, có nơi mưa trên 150 mm.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại một số khu vực miền núi thuộc Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 13h ngày 9/10, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 33.000 tàu tương đương 113.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Hiện, 4 tỉnh, TP là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã có lệnh cấm biển. Ngoài ra, 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến cấm biển trong tối nay hoặc sáng sớm 10/10.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời tiết 10 ngày tới sẽ rất bất thường, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Ông Hiệp cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên sẽ có văn bản gửi các địa phương, các tỉnh trọng điểm có người di dân về để thông báo tình hình thời tiết rất nguy hiểm 10 ngày tới.
“Chúng tôi cũng sẽ đề nghị các tỉnh dọc quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh trở ra phải tính các nơi tránh trú cố định cho bà con. Trong trường hợp không có điểm tránh trú cố định thì chuẩn bị lều bạt để có điểm tránh trú di động, hỗ trợ người dân di chuyển từ phía Nam ra”, ông Hiệp thông tin.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân về đồ ăn, thức uống cũng như các vật dụng thiết yếu để họ di chuyển an toàn nhất trong 10 ngày tới.
Đối với các địa phương có nhiều ca COVID-19 chịu ảnh hưởng của mưa bão, Ban Chỉ đạo có kịch bản để các khu di dân trong thiên tại phải xa các khu cách ly F0 hiện tại: "Quan điểm là hạn chế di dân và chỉ di dân khi có lệnh từ Trung ương. Trong di dân, chủ yếu là di dân và đảm bảo an toàn tại chỗ, làng ở làng, xã ở xã, tránh tập trung quá đông người".
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trước liên hoàn tổ hợp thời tiết cực đoan trong những ngày tới, các địa phương cần lên kịch bản ứng phó với thiên tai trong 10 ngày để người dân và chính quyền địa phương có sự chuẩn bị dài hơi hơn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bão số 7 đặt ra 3 vấn đề lớn cần lưu ý, đó là đối phó với mưa lũ, phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn cho dòng người hồi hương từ phía Nam đang di chuyển về các tỉnh phía Bắc.
Bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chính quyền các địa phương can thiệp kịp thời, thông tin về diễn biến thời tiết cho người dân trở về, đặc biệt từ 4 tỉnh, thành phố là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc này giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.
Đồng thời, trong lúc thiết lập các điểm, khu cách ly tập trung cho những người mới về theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương cần lưu ý thêm khả năng chống chịu trước mưa bão của các khu vực này.
"Chúng ta không chủ quan để bão lớn thiệt hại nhỏ mà bão nhỏ thì thiệt hại lớn. Trong bão có thể không nguy hiểm, nhưng hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn. Các địa phương cần căn cứ diễn biến thực tế để ra quyết định cấm biển, cấm ra đường, cấm vào rừng, cấm ra đồng...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Chi Linh
Ảnh: Quảng Bình đón 700 người dân từ TP.HCM hồi hương |
Ảnh: Dòng người chạy xe máy xuyên hầm Hải Vân hồi hương trong đêm mưa gió |
Đội mưa trao sữa, bánh, nước và sửa xe miễn phí cho người hồi hương |
Ngày đăng: 07:39 | 10/10/2021
/ cand.com.vn