Ngành y tế Đắk Nông đang có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Nếu trước kia, nhiều bệnh nhân phải xuống tận TP.HCM khám chữa bệnh, thì hiện nay, với cơ sở vật chất đầy đủ hơn cùng đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn tốt, người dân đã có thể yên tâm ở lại địa phương điều trị”.

Vượt qua khó khăn

Năm 2004, Đắk Nông tách ra từ tỉnh Đắk Lắk. Thời gian đầu, ngành y tế địa phương đối mặt với vô vàn khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực đều thiếu và yếu. “Ban đầu, bệnh viện tỉnh hoạt động trên cơ sở một bệnh viện dã chiến từ năm 1960. Đến năm 2009, bệnh viện đa khoa Đắk Nông mới được xây dựng. Tuy nhiên, trang thiết bị thì “đụng đâu cũng thấy thiếu”. Hồi đó, đến máy siêu âm màu cũng không có. Một số bác sĩ đầu ngành được “biệt phái” từ Đắk Lắk sang, sau đó đã về lại hoặc đi nơi khác”, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Nguyễn Thị Thanh Hương, nhớ lại.

Đứng trước những bộn bề khó khăn, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và ngành y tế địa phương đã có những giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tỉnh đã có nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực ngành y tế. Đáng chú ý là chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020.

Từ đây, nhiều người có trình độ chuyên môn trong ngành y tế và nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã đến với Đắk Nông. Bác sĩ Dương Đình Hợp (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) là một ví dụ. BS Hợp tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế năm 2015. Khi còn đang băn khoăn trước lựa chọn về quê nhà hay vào TP.HCM làm việc, thì biết thông tin tỉnh Đắk Nông có chính sách thu hút bác sĩ. Hợp tìm hiểu và quyết định làm hồ sơ nộp vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông. “Tôi tốt nghiệp bằng khá nên khi về làm việc được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng. Được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để làm việc, phát triển nên tôi rất yên tâm cống hiến. Tôi cũng đã mua được một lô đất ở thị xã Gia Nghĩa, quyết định cư, gắn bó lâu dài với Đắk Nông”, Hợp chia sẻ.

Cùng với việc phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế Đắk Nông cũng ngày càng được trang bị đầy đủ hơn, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Những năm qua, nhiều bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế cũng được đầu tư xây mới.

Tạo niềm tin cho người dân

Thực tế từng diễn ra thời gian dài ở Đắk Nông là nhiều bệnh nhân chưa tin tưởng khi đến các cơ sở y tế tại địa phương, do còn băn khoăn về chất lượng khám chữa bệnh. Họ thuê xe xuống tận TP.HCM để khám, chữa trị, rất tốn kém.

Nhằm giúp người dân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, từ năm 2016, Sở Y tế Đắk Nông đã ký kết chương trình hợp tác với Sở Y tế TP.HCM, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh Đắk Nông cử cán bộ y tế tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn, quản lý bệnh viện, chăm sóc người bệnh… theo các chương trình đào tạo bác sĩ tại các cơ sở, bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM. Ngoài ra, các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM cũng tiếp nhận, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ và ê kíp của tỉnh Đắk Nông cho đến khi có khả năng tự thực hiện tại địa phương.

dak nong nang cao chat luong kham chua benh cho nguoi dan

Hiện nay, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, trong lĩnh vực ngoại khoa đã thực hiện thành công kỹ thuật nội soi tiết niệu. Lĩnh vực khoa nhi đã triển khai ứng dụng thở máy sơ sinh, đặt catheter tĩnh mặt rốn, đo huyết áp động mạch xâm lấn… Lĩnh vực hồi sức cấp cứu đã triển khai các kỹ thuật thở máy nâng cao, cấp cứu tim mạch nâng cao… Cùng với đó, bệnh viện cũng đã cử nhân lực tham gia các lớp đào tạo về các kỹ thuật phức tạp như: thay khớp háng, vi phẫu tạo hình, điều trị nhồi máu cơ tim bằng tiêu sợi huyết, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời… Đối với tuyến huyện, các bệnh viện cũng tham gia chương trình hỗ trợ hợp tác như: Bệnh viện Đắk G’Long với Bệnh viện Q.2, Bệnh viện Đắk R’Lấp với Bệnh viện Q.Thủ Đức.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Nguyễn Thị Thanh Hương, cho biết: “Mới đây, hai địa phương đã sơ kết một năm chương trình hợp tác phát triển y tế nói trên. Chương trình đã góp phần giúp các bệnh viện của Đắk Nông triển khai được nhiều dịch vụ mới và kỹ thuật chuyên môn vượt tuyến, thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh; giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm quá tải cho tuyến trên. Điều quan trọng là người dân được thụ hưởng những dịch vụ chất lượng tại địa phương, niềm tin và mức độ hài lòng của người dân cũng tăng hơn nhiều”.

Vượt qua những khó khăn, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, vì những khó khăn còn nhiều. Địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ ngành trung ương cũng như sự hợp tác của những tỉnh, thành có ngành y tế phát triển, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

dak nong nang cao chat luong kham chua benh cho nguoi dan Gian nan đòi bồi thường tai biến y khoa

Những vụ kiện cáo liên quan đến tai biến y khoa đã đặt ra vấn đề các cơ sở y tế cần mua bảo hiểm ...

dak nong nang cao chat luong kham chua benh cho nguoi dan Chữa bệnh theo... dự toán

Nếu áp dụng việc khoán chi, người ta sẽ quan tâm nhiều hơn tới chi phí, thay vì lưu ý đặt chất lượng khám chữa ...

Ngày đăng: 08:33 | 22/12/2017

/ Thanh niên