Một trăm Megatonsẽ làm cho Phương Tây trở nên “tử tế” hơn
Nhân các sự kiện hòa giải mới đây trên bán đảo Triều Tiên, xin lại được giới thiệu tiếp một bài báo nữa của Đại tá hải quân, Viện sỹ Konstantin Sivkov với tiêu đề “Tên lửa “Hwaseong”- tấm gương cho “Sarmat” đăng trên báo“Người đưa tin công nghiệp quốc phòng” ngày 23/10/2018. Bài khá dài, mong bạn đọc kiên nhẫn.
“Một chàng trai tồi”, “một con người- tên lửa”- đấy là những danh từ mà (Tổng thống Mỹ) Donald Trump dùng để nói về Kim Jong un (Kim Chính Ân) chưa đầy một năm trước đây.
Và đột nhiên chỉ vài tháng sau, nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT) lại trở thành một “người tử tế” đến nỗi Tổng thống Mỹ đã gặp ông với tư cách là những người bạn ngang hàng và cùng tốt bụng như nhau.
Những cuộc trao đổi tuy có rất ít ý nghĩa thực tế về việc (các bên) có thể cùng nhau khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã được Donald Trump mô tả như là một bước đột phá vĩ đại trong “sự nghiệp” làm giảm căng thẳng quân sự (trên bán đảo) Triều Tiên.
Những cuộc tập trận chung Mỹ- Nam Triều Tiên mang tính chất khiêu khích rõ ràng ven bờ Bắc Triều Tiên có vẻ như cũng sẽ tạm dừng. Các bên cũng bắt đầu đề cập đến khả năng giảm sức ép trừng phạt lên Bắc Triều Tiên (BTT).
Nhưng tất cả những chi tiết đó chỉ là chuyện vặt vãnh nếu so với việc Nam Triều Tiên (NTT) đã có những bước đi theo hướng xích lại gần nhau với BTT. Đã có một số cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai miền.
Còn tại Thế vận hội Olimpic, các vận động viên Nam- Bắc Triều Tiên đi chung trong một hàng ngũ và dưới cùng một lá cờ. Quan hệ kinh tế đang được cải thiện với tốc độ tương đối nhanh. Các cuộc gặp gỡ giữa các thành viên gia đình người thân bị ly tán hai bên vỹ tuyến 38 đã trở nên thường xuyên hơn.
Đáng ngạc nhiên là Mỹ lại gần như không hề có phản ứng gì trước tốc độ xích lại gần nhanh đến như vậy giữa hai miền Triều Tiên. Không những thế, có thái độ gần như là ủng hộ. Trong khi nếu mọi việc cứ diễn ra theo xu hướng như thế này, biết đâu lại có ngày nào đó người Triều Tiên yêu cầu “các bạn Mỹ” rời bán đảo của họ.
“Các đòn đánh “đập đầu” không giúp ích gì cho Bình Nhưỡng- nhiệm vụ (của Bình Nhưỡng) - gây những tổn thất không thể chịu đựng nổi cho kẻ xâm lược tiềm năng là Mỹ)
Đối với Washington, nếu xảy ra một kịch bản như vậy (phải rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên-ND) thì đó sẽ là một tổn thất địa chính trị cực kỳ lớn. (bởi vì) Bán đảo Triều Tiên có một ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng.
Những trận địa thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD bố trí tại đây, cụm quân phòng không và không quân mạnh (của Mỹ) đã được triển khai, một cụm lục quân đồn trú hùng hậu, các tàu chiến Mỹ thường xuyên có mặt tại các căn cứ hải quân NTT- đó là một lực lượng quân sự binh chủng hợp thành rất mạnh có thể tiến hành một đòn tấn công trí mạng vào cả Trung Quốc lẫn Nga.
Trong thời bình, Bán đảo Bắc Triều Tiên là bàn đạp quan trọng nhất để khuếch trương ảnh hưởng của Mỹ trên toàn bộ khu vực Đông Á–Đông Nam Á.Và (lẽ ra), theo logic thông thường Mỹ đã phải kiên quyết ngăn chặn bất cứ ý đồ xích lại gần nhau hoặc thậm chí chỉ là ý định bình thường hóa quan hệ giữa lãnh đạo NTT với những người đồng bào BTTcủa họ. (Lẽ ra) đã phải có ngay lập tức các vụ khiêu khích, chủ yếu là khiêu khích quân sự, để làm tiến trình hòa giải vừa mới manh nha đi vào ngõ cụt.
Nếu như tất cả những thủ đoạn đó không có tác dụng, một công cụ đã “tôi luyện” khác sẽ vào cuộc- đó là đưa ra cáo buộc các nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên tham nhũng hoặc có dính dáng đến những vụ việc không đẹp mắt nào đấy.
Nhưng Mỹ đã không hề có những động thái như vậy. Cái gì đã buộc Washington phải im lặng ngồi nhìn những nguy cơ ngày càng lớn đe dọa quyền kiểm soát hoàn toàn bán đảo chiến lược này của Mỹ?
Bởi vì nếu tiến trình hội nhập hoà bình trên bán đảo Triều Tiên tăng tốc, người Mỹ buộc phải ít nhất thì cũng là giảm đáng kể quy mô hiện diện quân sự của mình tại đây. Có thể, (do) Bình Nhưỡng đã từ bỏ hệ tư tưởng “Chủ thể” và quyết định đi theo lối mòn của Nga và bắt đầu xây dựng “mối quan hệ kinh tế thị trường chăng”?
Hay BTT đã hội nhập sâu vào hệ thống phân công lao động quốc tế chăng? Hay họ đã sẵn sàng trở thành một vệ tinh của Mỹ và trong tương lại sẽ cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình chăng? Hay là “thể theo ý chí nguyện vọng” của Mỹ mà (BTT) đã chấm dứt xuất khẩu công nghệ tên lửa ra nước ngoài chăng?
Không, hoàn toàn không. CHDCNDTT hiện mới chỉ tạm “đóng băng” các thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Hơn nữa, Bình Nhưỡng dừng các thử nghiệm là vì trong giai đoạn này BTT chưa cần phải tiến hành các thử nghiệm đó.
BTT tuyên bố đã hoàn thành giai đoạn một của chương trình xây dựng lực lượng tên lửa-hạt nhân của nước mình. Họ không hề đả động gì đến việc chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Vậy thì điều gì đã buộc Mỹ phải thôi không hung hăng gây sức ép lên CHDCNDTT nữa?
Bài học của ông Kim Jong un
Để tìm câu trả lời, chúng ta hãy cùng quay lại năm 2017, chính xác hơn, vào một buổi tối không trăng sao đêm 28 rạng sáng ngày 29/11/2017, khi một tên lửa đạn đạo (Bắc Triều Tiên) được phóng lên.
Có gì đặc biệt trong chuyện này không? Vâng, trước đó CHDCNDTT đã nhiều lần phóng tên lửa, nhưng phản ứng (của “quốc tế”-ND) khi đó hoàn toàn khác- là tuyên bố lên án mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo “cộng đồng quốc tế” về mối đe dọa Triều Tiên và những phát biểu đe dọa hùng hồn về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới.
Nhưng lần này thì không- chỉ có một nghị quyết không hề có ý nghĩa gì của Liên Hợp Quốc chỉ trích cuộc thử nghiệm trên của BTT. Washington đã không báo động và điều tàu sân bay cùng các tàu hỗ trợ đến bờ biển BTT và chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận mới để dọa BTT. Quả bóng “giận dữ” như đồ chơi trẻ em thổi phồng lên rồi xẹp xuống nhanh chóng.
Vào ngày trước khi BTT tiến hành thử nghiệm, Tổng thống NTT đã ra một tuyên bố chưa từng có tiền lệ với ý tứ được hiểu là một đề xuất hòa bình trong đó có một nội dung đề cập đến việc chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn cùng Mỹ ven bờ biển CHDCNDTT.
Có thể không nghi ngờ gì là việc BTT chuẩn bị thử nghiệm tên lửa không phải là một bí mật đối với Tình báo Mỹ, và sau đó, dĩ nhiên, đối với cả Tình báo NTT.
Từ thời điểm đó (sau tuyên bố của Tổng thống NTT), tiến trình hòa bình trên bán đảo tăng tốc.
Trong đêm đó, người BTT đã thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn có thế lên tới hơn 12.000 km. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này tuy chi bay có 990km, thời gian bay- 57 phút.
Nhưng các chuyên gia căn cứ vào các tham số bay của tên lửa đã ngay lập tức nhận định: đầu tác chiến của nó có thể bay được hơn 12.000km. Đó là cự ly xuyên lục địa, trong tầm bắn của nó là toàn bộ lãnh thổ Mỹ và thậm chí là cả Châu Âu.
Ở đây cần phải nói ngay rằng, kiểu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như vậy không tạo ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng, bởi vì bán kính vùng chết đối với tên lửa (được xác định bằng cự ly tiêu diệt mục tiêu tối thiểu- tức bán kính vùng chết-ND ) của tên lửa - là từ 2.500- 3.000km.
Khối tác chiến của tên lửa mới có tên “Hvaseong” này có thể nặng tới 1.000- 1.200kg,- thừa đủ để lắp đầu tác chiến nhiệt hạch đơn công suất 200-300Kt. Cũng dễ hiểu là (tính năng kỹ- chiến thuật) của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới hoàn chỉnh của BTT và độ chính xác của nó chắc chắn sẽ không vượt các tham số tương tự của những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Mỹ và Xô Viết thế hệ đầu- sai số xác xuất vòng tròn sẽ vào khoảng 2,5 đến 3 km.
Nhưng Bình Nhưỡng hiện cũng không cần nhiều hơn thế. Đòn tấn công đánh “dập đầu” và đòn tấn công “tước khí giới” vào các mục tiêu kiên cố của đối phương là không cần thiết đối với Bình Nhưỡng.
Nhiệm vụ chỉ là- gây tổn thất không thể chịu đựng nổi cho đối phương tiềm năng – nước Mỹ. Để làm được điều này, hợp lý hơn cả là phóng tên lửa vào các trung tâm hành chính- chính trị và các trung tâm công nghiệp – các thành phố nhiều triệu dân có diện tích lớn.
Nếu như chỉ tính phác qua, có thể nói rằng: tổn thất của Mỹ sẽ là 2-3 thành phố lớn bị hủy diệt, cùng với đó là1-2 triệu người Mỹ thiệt mạng và thêm nữa- quốc gia Mỹ có nguy cơ bị tan rã sau một thảm họa như vậy. Một cái giá quá đắt nếu (Mỹ quyết tâm) tiêu diệt một BTT nhỏ bé trong khi chỉ đạt được những kết quả chính trị không đáng kể và phải gánh những hậu quả kinh tế hết sức tiêu cực.
Có lẽ là giới lãnh đạo Mỹ cuối cùng cũng đã hiểu ra rằng là không thể đùa với BTT. Bây giờ thì BTT đã là một cường quốc tên lửa- hạt nhân đúng nghĩa. Và tuyệt đối không quan trọng là các nước khác có công khai thừa nhận thực tế đó hay không.
BTT đã có “chiếc dùi cui hạt nhân”, còn thừa nhận “chiếc dùi cui” đó hay không- chỉ là vấn đề thứ yếu,- điều quan trọng bậc nhất là các nước khác phải tính tới “chiếc gậy hạt nhân” (của BTT) này khi xây dựng chính sách đối với BTT.
Bài học mà Kim Jong un dạy cho toàn thế giới là cực kỳ đơn giản và dễ hiểu: Phương Tây chỉ hiểu ngôn ngữ sức mạnh và chỉ chịu khuất phục trước sức mạnh. (Kinh nghiệm) Iraq, Afganistan, Nam Tư, Lybia và Syria đã cho thấy rằng nói chuyện (với giới tinh hoa Phương Tây-ND) bằng thứ ngôn ngữ của chủ nghĩa nhân đạo là phí lời.
Để có được lợi ích cá nhân tối đa, giới tinh hoa Phương Tây sẽ bất chấp tất cả, sẵn sàng hy sinh hàng triệu mạng sống. Vốn tài chính quan trọng hơn nhiều vốn mạng sống con người. Điều mà giới tinh hoa Phương Tây sợ nhất- đó là khi chính họ bị đặt trong tầm bắn (tên lửa).
Trong khi đó thì tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lại chính là kiểu phương tiện sẽ đặt họ dưới một đòn tấn công không thể tránh khỏi. Bởi vì nếu có chuyện gì xảy ra, những tên lửa đầu tiên của CHDCNDTT sẽ bay đến chính những trung tâm hành chính- chính trị quan trọng nhất của kẻ gây chiến, - nơi sinh sống của đại bộ phận giới tinh hoa, và cả các công cụ quyền lực khác của họ.
Sẽ có ai đó hy vọng rằng mình sẽ ẩn nấp trong các boongker ngầm kiên cố- trong các sở chỉ huy cấp độ chiến lược. Nhưng đó chỉ là một số ít, rất ít, những kẻ còn lại chắc chắn sẽ chết hoặc là buộc phải bỏ chạy khỏi đất nước và sẽ mất hoàn toàn quyền lực và ảnh hưởng.
Loại vũ khí để dọa và quả đấm xe tăng Liên Xô
Một ví dụ rất rõ ràng- khủng hoảng Caribe. Vào thời điểm đó Liên Xô chưa đạt được sự cân bằng tương đối với Mỹ. Trong số những phương tiện tấn công hạt nhân có thể với tới lãnh thổ bên kia đại dương (Mỹ), nước ta (Liên Xô) khi đó chỉ có thể thực sự trông cậy vào 32 quả tên lửa R-16, và, vâng thêm 6 quả tên lửa R-7 và R-7A đã quá lạc hậu.
Còn người Mỹ vào thời điểm đó đã triển khai 112 tên lửa “Atlas” và 57 tên lửa “Titan-1”. Mỹ có 8 tàu ngầm hạt nhân kiểu “George Washington” và “Eten Alen”, mỗi chiếc mang 16 tên lửa đạn đạo “Polaris-A1”, tổng cộng- 128 tên lửa phóng từ dưới mặt nước (từ tàu ngầm đang lặn-ND) với cự ly bắn 2.500km.
Thành tố biển Xô Viết lúc đó có 22 chiếc tàu ngầm điện- diesel dự án 629 và 8 chiếc tàu ngầm hạt nhân dự án 658, mỗi tàu trang bị 3 quả tên lửa R-13 phóng từ mặt biển (từ tàu ngầm khi nổi-BD) và cự ly bắn không vượt quá 600km.
Tổng cộng (Liên Xô có) 90 tên lửa. Về thành tố biển: Mỹ khi đó đã có hệ thống SOSUS (sound surveillance system- Hệ thống giám sát âm thanh dưới biển (SOSUS)-ND) và một hệ thống phòng thủ chống ngầm khu vực cực mạnh được thiết lập và đã được “tôi luyện” trong cuộc chiến chống các tàu ngầm Đức Quốc Xã,- và vì thế mà thành tố tàu ngầm của chúng ta (Liên Xô lúc đó) không thể tạo ra mối de dọa thực sự nào đối với lục địa Mỹ.
Không quân chiến lược Xô Viết với biên chế 160 chiếc Tu-95 cũng có rất ít cơ hội tiếp cận các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ vì bán kính tác chiến hạn chế và gần như không thể vượt qua hệ thống phòng không chiều sâu bố trí theo tuyến tại khu vực Bắc Mỹ với các tuyến đánh chặn tiền duyên trên lãnh thổ Canada và cả Greenland.
Nếu muốn tiếp cận lãnh thổ Mỹ, các máy bay ném bom Liên Xô cần phải chọc thủng được hệ thống phòng không đó trong khi không có các máy bay tiêm kích yểm hộ- và đây là một nhiệm vụ gần như “bất khả thi”. Như vậy, cho đến năm 1962, Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạt nhân.
Và lúc đó, dĩ nhiên, cũng chưa có ai đả động gì đến khái niệm ‘Mùa đông hạt nhân”. Có quá ít phương tiện (vũ khí hạt nhân) – (nên) không đủ để gây ra “Mùa đông hạt nhân”. Mặc dù vậy, giới tính hoa Mỹ vẫn không dám gây sự với Matxcova chỉ bởi vì một nguyên nhân duy nhất - họ hiểu rất rõ rằng: những đòn tấn công hạt nhân đầu tiên của Liên Xô sẽ nhắm vào chính họ (giới tinh hoa Mỹ-ND), trong khi dù bằng cách nào thì cũng vẫn không thể đánh bại được Liên Xô- vì không đủ Megaton (không đủ vũ khí).
Và lúc đó thì sẽ đến lượt đội quân xe tăng khổng lồ của Kremlin vào cuộc,- chỉ sau 2 tuần, cùng lắm là 3 tuần là các xe tăng Xô Viết sẽ có mặt ven bờ Vịnh Biscay (phía Tây nước Pháp, Tây Ban Nha) và Biển Địa Trung Hải.
Châu Âu sẽ trở thành Châu Âu Xô Viết, và điều đó có nghĩa là một dấu chấm hết (theo nghĩa đen- cho mạng sống) cho giới tinh hoa Phương Tây và giới tinh hoa xuyên quốc gia.
“Giới tinh hoa Mỹ có thể chấp nhận được cái giá tổn thất vài triệu sinh mạng người dân Mỹ. Đấy là cái giá chấp nhận được cho quyền thống trị thế giới”
Khi lực lượng hạt nhân Liên Xô và Mỹ đã tương đương nhau và tiềm lực (kho) vũ khí hạt nhân đã được chế tạo của hai bên đã đạt đến ngưỡng đủ gây ra “Mùa đông hạt nhân” trên hành tinh, thì một cuôc chiến tranh trực tiếp giữa hai siêu cường đã trở nên cực phi lý và vô nghĩa.
Giới tinh hoa của quốc gia xâm lược đã sống thoải mái như thế nào trước khi xuất hiện loại vũ khí hạt nhân có tầm bắn toàn cầu? - họ ngồi tại các thủ đô cách xa các mối nguy hiểm (một số còn ngồi bên kia đại dương- tức Mỹ) và xua nhân dân đến các chiến trường đẫm máu.
Cũng chính Mỹ là quốc gia đã từng không ngần ngại điều mấy trăm nghìn người Mỹ sang Chiến trường Châu Âu trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phần lớn trong số họ đã thiệt mạng hoặc trở thành người tàn tật.
Và (giới cầm quyền Mỹ) đã làm điều đó chỉ để sau chiến tranh họ được ngồi vào bàn đàm phán phân chia lại thế giới. Giới tinh hoa các nước khác cũng không tử tế hơn. Quả thực, một số đã phải trả giá đắt. Lấy vì dụ, giới tinh hoa Nga lúc đó chẳng hạn, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại họ đã bị đuổi khỏi đất nước, một phần trong số đó đã trả giá bằng mạng sống.
Sau khi Nga và Mỹ đã cắt giảm rất sâu các kho vũ khí hạt nhân của mình, khả năng xảy ra mùa đông hạt nhân (do chiến tranh hạt nhân) lại trở về mức cực kỳ thấp. Và điều đó có nghĩa là, chiến tranh hạt nhân lại có thể xảy ra.
Đã lại xuất hiện những điều kiện cho phép nếu một trong hai nước là Nga hoặc Mỹ chủ động khởi động chiến tranh hạt nhân phủ đầu (phát động trước), nước đó có thể giành chiến thắng, có nghĩa là có thể hủy diệt được đối phương những vẫn bảo vệ được mình.
Chưa hết, nếu tính tới thực trạng Lực lượng kiềm chế chiến lược, trong đó có lực lượng kiềm chế hạt nhân và các thành tố khác như lực lượng cảnh báo đòn tấn công tên lửa và hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Nga và Mỹ, có thể khẳng định chắc chắn rằng hiện nay Mỹ đang có ưu thế vượt trội so với Nga.
Nước ta (Nga) hiện không có quả đấm xe tăng mạnh và chưa có biện pháp đáp trả phi đối xứng để vô hiệu hóa ưu thế hạt nhân của đối phương (Mỹ).
Từ đây cần rút ra kết luận rằng giới tinh hoa Mỹ trong những điều kiện nhất định có thế phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân phủ đầu chống Nga. Nếu như Mỹ đủ tự tin là đòn trả đũa (của Nga) không gây tổn thất cho giới tình hoa cầm quyền (Mỹ) và giới tinh hoa xuyên quốc gia.
Chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra, nếu Mỹ tin chắc có thể tiến hành thành công các đòn tấn công đánh “dập đầu” và “tước khí giới” (vào Nga) và tất cả những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga còn sót lại hoặc đã được phóng lên sẽ bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD Mỹ) bắn bạ, hoặc ít nhất- những tên lửa có thể đe dọa tính mạng giới tinh hoa chắc chắn sẽ bị bắn hạ.
Giới tính hoa Mỹ có thể dễ dàng chịu được cái giá vài triệu sinh mạng dân Mỹ và một số thiệt hại kinh tế khác. Mức “Phí tổn” như vậy (đối với họ) là chấp nhận được cho quyền thống trị thế giới.
Vũ khí siêu mạnh nhắm vào siêu núi lửa
Chúng ta phải làm gì ? Không thể đi theo con đường Liên Xô đã đi- chúng ta (Nga) không thể thành lập được một cụm quân lục quân có thể đảm bảo chắc chắn đánh bại NATO và chiếm đóng toàn Châu Âu,- hoàn toàn không thể được vì các lý do kinh tế, dân số, và cả vì những lý do tinh thần nữa.
Chỉ còn một lối thoát duy nhất- lại làm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trở nên phi lý và vô nghĩa đối với kẻ xâm lược.
Hiện nay nước ta (Nga) không thể cạnh tranh về số lượng với Mỹ trong một cuộc chạy đua hạt nhân, Nga không phải là Liên Xô. Cần phải tìm biện pháp đáp trả phi đối xứng khác.
Ưu thế của Nga là chỉ có chúng ta (Nga) mới sở hữu các công nghệ chế tạo các đầu tác chiến hạt nhân siêu mạnh- hơn 100Mt. Từ năm 1961 chúng ta đã có những đầu đạn công suất 50 Mt có thể sử dụng trong tác chiến.
Chế tạo 40-50 đầu tác chiến như vậy lắp cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc các ngư lôi siêu xa có thể đảm bảo kích hoạt siêu núi lửa Yellowstone, kích thích các hoạt động kiến tạo ở những vết đứt gãy địa chất ven bờ Thái Bình Dương. Những đòn tấn công như vậy sẽ chắc chắn tiêu diệt Quốc gia Mỹ và toàn bộ giới tinh hoa xuyên quốc gia.
Và như vậy- điều đó lại sẽ làm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn trở nên phi lý và vô nghĩa- tức là loại trừ mọi khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn- xác xuất chiến tranh hạt nhân bằng không.
Hơn nữa, theo kinh nghiệm của Liên Xô, loại vũ khí như vậy sẽ buộc Phương Tây ngồi vào bàn đám phán, dừng ngay mọi biện pháp và các hình thức gây sức ép khác lên Nga. Cũng giống như những gì chúng ta đang thấy trong thái độ cư xử (của họ) với Bắc Triều Tiên.
Các mối quan hệ quốc tế sẽ quay trở lại nhịp điệu bình thường. Một ví dụ điển hình để chứng minh đó là câu chuyện về cái chết của anh trai Kim Jong un vì bị đầu độc.
Tất cả đã nhanh chóng bị chìm xuồng, mặc dù nhân vật này rất có ích cho Washington trong cuộc chiến tranh thông tin chống Bình Nhưỡng. Những kẻ đầu độc đã bị bắt, nhưng đã không có một biện pháp cấm vận nào được áp dụng, không một chiến dịch thông tin bôi nhọ nào được phát động.
Vụ đầu độc này đã bị “đánh lạc hướng” bằng chiến dịch bôi nhọ Nga liên quan đến cha con Skripal. Bản thân viên cựu điệp viên này không còn cần cho bất kỳ ai. Ông ta và con gái vẫn sống và khỏe mạnh, không một ai đầu độc bố con ông ta. Trong trong bối cảnh (Phương Tây) đang tiến hành chiến dịch chống Nga, (vụ Skripal) đã được sử dụng làm cái cớ để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.
Nếu như nước ta (Nga) có loại vũ khí đảm bảo chắc chắn hủy diệt Phương Tây, nếu như chúng ta quả thực có được một giới tinh hoa dân tộc (giới lãnh đạo) chỉ có tài sản tại nước Nga, con cái và người thân của họ cũng chỉ học tập và làm việc tại Nga, lúc đó sẽ không có một kẻ xâm lược nào có thể dám hé răng (chỉ trích Nga), chứ chưa nói đến chuyện tấn công Nga.
Thông tin về việc nước ta đã chế tạo được ngư lôi động cơ hạt nhân- chức năng hợp lý duy nhất của nó chỉ có thể là khả năng mang đầu tác chiến nhiệt hạch lớp công suất nhiều megaton, cũng như việc sắp đưa vào trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Sarmat” có thể mang đầu tác chiến đơn có công suất tương tự (nhiều megaton) lại làm cho chúng ta hy vọng rằng những loại vũ khí có thể làm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trở nên phi lý và vô nghĩa,- sắp được thực hiện đúng chức năng” của mình.
Tất nhiên, “bom cha” không phải là thuốc chữa bách bệnh. Các nguy cơ chiến tranh phức hợp vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, mối nguy hiểm (chiến tranh) hạt nhân quy mô lớn đối với Nga và toàn thế giới sẽ bị loại trừ.
Tin mới nhất có liên quan:
1/ Ngày 26/11/2018, Thứ trưởng ngoại giao Nga Xergey Ryabov tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Matxcova là Mỹ đã có quyết định cuối cùng về việc sẽ rút ra khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm gần (INF).
Vấn đề còn lại chỉ là thời điểm công bố quyết định. Thứ trưởng Ryabov cũng cho biết là Mỹ đã chuẩn bị rút ra khỏi INF từ rất lâu và điều này (quyết định rút ra khỏi INF) hoàn toàn không phải là một bất ngờ đối với Nga.
2/ Trước đó, Cục trưởng Cục các vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov đã bình luận về ý định rút khỏi INF của Mỹ như sau (dịch ý): “Mỹ cần phải đánh giá tình hình thực tế trên thế giới một cách hết sức tỉnh táo.
Nước Nga đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp cho mọi kịch bản phát triển các sự kiện. Và đối với những ai không muốn nghe những lời giải thích hiết sức chi tiết của Xergey Lavrov (Bộ trưởng Ngoại giao Nga), kẻ đó sẽ buộc sẽ phải lắng nghe những lời giải thích của Xergey Shoigu (Bộ trưởng Quốc phòng Nga-ND).
Ngày đăng: 17:04 | 04/12/2018
/ http://baodatviet.vn