Lãnh đạo Đài Loan cho rằng Trung Quốc gây sức ép để Quần đảo Solomon cắt đứt quan hệ với Đài Bắc nhằm can thiệp cuộc bầu cử tháng 1/2020. 

"Đài Loan sẽ không khuất phục trước sức ép từ Trung Quốc đại lục. Quyết định của Quần đảo Solomon là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tháng 1/2020 của hòn đảo", lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Đài Bắc hôm 16/9.

Tuyên bố của bà Thái được đưa ra sau khi chính phủ Quần đảo Solomon bỏ phiếu cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Đây là quốc gia thứ 6 chấm dứt quan hệ với hòn đảo này kể từ khi bà Thái lên nắm quyền vào năm 2016. Các nước có hành động tương tự trước đó gồm Burkina Faso, Cộng hòa Dominican, Sao Tome và Principe, Panama và El Salvador.

"Trong vài năm qua, Trung Quốc liên tục sử dụng áp lực tài chính và chính trị để kìm hãm không gian quốc tế của Đài Loan", bà Thái nói, gọi động thái của Trung Quốc "gây tổn hại cho trật tự quốc tế". "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ không tham gia ngoại giao đồng đôla với Trung Quốc để đáp ứng những yêu sách vô lý".

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại cuộc họp báo ở Đài Bắc hôm 16/9. Ảnh: Reuters.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan của Quần đảo Solomon, cho rằng đây là động thái duy trì nguyên tắc "Một Trung Quốc" và là một phần của "xu hướng không thể cưỡng lại". "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Quần đảo Solomon để mở ra triển vọng rộng lớn mới cho quan hệ song phương", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm 16/9.

Lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Quần đảo Solomon, lập tức đóng cửa cơ quan đại diện và triệu hồi tất cả quan chức ngoại giao ở nước này. "Trung Quốc đã tấn công Đài Loan một cách có chủ đích trước các cuộc bầu cử lãnh đạo và cơ quan lập pháp, rõ ràng là nhằm mục đích can thiệp vào phiếu bầu", ông Wu nói, cho biết Đài Loan "lên án mạnh mẽ" hành động này.

Quyết định của Quần đảo Solomon được cho là sẽ gây thêm khó khăn cho nỗ lực tái đắc cử của bà Thái. Đài Loan hiện chỉ còn duy trì quan hệ ngoại giao với 16 nước, phần lớn là những quốc gia nhỏ, kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và hòn đảo không được phép có quan hệ chính thức với bất kỳ quốc gia nào. Quan hệ hai bờ eo biển trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái, người phản đối chính sách "Một Trung Quốc", lên nhậm chức.

Trung Quốc gần đây tăng cường áp lực chính trị, ngoại giao, quân sự với hòn đảo, thường xuyên điều máy bay, tàu chiến tuần tra quanh Đài Loan kể từ khi bà Thái nhậm chức. Bắc Kinh cũng coi nỗ lực thúc đẩy độc lập cho hòn đảo là "lằn ranh đỏ" và tuyên bố sẽ không chấp nhận điều này.

 

Huyền Lê (Theo Reuters)

Chiến hạm Canada đi qua eo biển Đài Loan
Dân Đài Loan có sẵn sàng đánh lớn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra?
Tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan bất chấp căng thăng leo thang với Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt bán 66 tiêm kích F-16 cho Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thương vụ bán loạt F-16 cho Đài Loan bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc

Ngày đăng: 08:28 | 17/09/2019

/ vnexpress.net