Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Vesak 2025 là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo.
Sáng 8/5, lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM), khép lại chuỗi hoạt động tôn giáo và văn hóa mang tầm quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tham dự lễ bế mạc Vesak 2025. (Ảnh: Lương Ý)
Tham dự lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Sự kiện còn có sự hiện diện của chư tôn đức Tăng vương, Tăng thống, lãnh đạo các giáo hội, hiệp hội, tổ chức Phật giáo từ nhiều quốc gia và đông đảo chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định, chủ đề của Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế vì một thế giới hoà bình, công bằng, phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, Vesak 2025 là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, lan tỏa giá trị nhân văn của Phật giáo.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực thành công của Đại lễ Vesak năm nay đã lan tỏa những giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức vào đời sống hiện đại, đóng góp hiệu quả cho việc giải quyết các thách thức toàn cầu như phát triển con người, bảo vệ môi trường, xây dựng hoà bình.
Đại lễ Vesak 2025 là minh chứng rõ nét cho truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện của dân tộc Việt Nam; đồng thời khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
“Thành công của Vesak 2025 khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và vai trò chủ động trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình nói.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng thông tin về những mục tiêu nhân văn Việt Nam đặt ra trong năm 2025 như miễn học phí cho trẻ em, hoàn thành xóa nhà tạm và xây mới khoảng 223.000 căn nhà cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời tiến tới miễn viện phí cho người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, là biểu tượng của hoà bình, ổn định, hiếu khách”.
Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu phát biểu tại lễ bế mạc Vesak 2025.
Phát biểu bế mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN - cho biết hơn 1.000 tham luận đã được gửi đến Vesak 2025, xoay quanh tinh thần đoàn kết và bao dung trong giáo lý nhà Phật. Đây là kim chỉ nam hướng con người đến xã hội an hòa, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Hoà thượng GS.TS - Brahmapundit, Chủ tịch Uỷ ban quốc tế Tổ chức đại lễ Vesak Liên hợp quốc.
Trưởng lão Hòa thượng khẳng định, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với vận mệnh dân tộc, góp phần bồi đắp tinh thần đại đoàn kết toàn dân, lan tỏa lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia - những giá trị làm nên bản sắc và sức mạnh của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Lễ bế mạc khép lại Đại lễ Vesak 2025 đầy ấn tượng với thông điệp nhân văn sâu sắc, tinh thần đoàn kết quốc tế và nỗ lực chung tay vì hòa bình, phát triển bền vững của toàn nhân loại.
Ngày đăng: 12:00 | 08/05/2025
Lương Ý / VTC News