Hôm 2/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu nghị quyết chỉ trích hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân.
Nghị quyết nhận được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên, và được thông qua trong một phiên họp khẩn cấp hiếm hoi do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi. Lần cuối cùng Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng là vào năm 1982, theo trang web của Liên hợp quốc.
Nga cùng với Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria bỏ phiếu chống lại nghị quyết. Ba mươi lăm thành viên khác, bao gồm Trung Quốc, bỏ phiếu trắng.
Đại hội đồng Liên hợp quốc trong cuộc bỏ phiếu lịch sử nghị quyết về xung đột Nga-Ukraine. (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị ràng buộc, nhưng chúng có sức nặng chính trị. Kết quả cuộc bỏ phiếu có thể đại diện cho một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Ukraine và gia tăng sự cô lập quốc tế với Moskva.
"Như 141 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc biết, nhiều quốc gia đang bị đe dọa thậm chí còn hơn cả cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu và toàn bộ trật tự dựa trên luật lệ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.
Đặc phái viên Nga tại Liên hợp quốc, ông Vassily Nebenzia, phủ nhận việc chiến dịch của Moskva đang nhắm vào dân thường và cáo buộc các chính phủ phương Tây gây sức ép để các thành viên thông qua nghị quyết. Ông cho rằng điều có thể gây thêm tình trạng bạo lực.
Đại diện Nga tiếp tục khẳng định hành động của họ là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường ở các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng, mà Moskva đã công nhận ở miền Đông Ukraine. Nebenzia cáo buộc các lực lượng Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn và triển khai vũ khí hạng nặng trong các khu vực dân sự.
Nói rõ hơn về việc bỏ phiếu trắng, đặc phái viên của Trung Quốc, Zhang Jun, cho biết nghị quyết đã không có “sự tham vấn đầy đủ với toàn bộ thành viên” của đại hội đồng.
Ông nói: “Nó cũng không xem xét đầy đủ về lịch sử và sự phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện tại. Nó không nêu bật tầm quan trọng của nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, hoặc sự cấp thiết của việc thúc đẩy hòa giải chính trị và đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao”. Những điều này “không phù hợp với các lập trường nhất quán của Trung Quốc”, theo ông.
Đặc phái viên Liên hợp quốc của Ukraine, Sergiy Kyslytsa, trong khi thúc giục thông qua nghị quyết, gọi đây là "một trong những bức tường ngăn chặn" cuộc tấn công của Nga.
Sau gần một tuần, Nga vẫn chưa hoàn thành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Moskva đối mặt với phản ứng dữ dội chưa từng có, đặc biệt là từ phương Tây, cùng với các lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: Reuters)
Liên hợp quốc: Hơn 400 dân thường thương vong trong chiến sự tại Ukraine |
Những vấn đề đốt nóng kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc |
Ngày đăng: 07:46 | 03/03/2022
/ vtc.vn