Ngay sau khi Trường Đại học (ĐH) Bách Khoa Hà Nội chuyển thành ĐH Bách Khoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dư luận xã hội đã đang xuất hiện những cách hiểu khác nhau. ĐH Bách Khoa Hà Nội đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Theo quyết định của Thủ tướng, ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển của Bách khoa Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới", thông cáo của ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu rõ.
Sự chuyển đổi này được ĐH Bách khoa Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội. Việc chuyển "đổi tên" này được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường qua nhiều thế hệ.
"ĐH Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”. Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học.
Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do ĐH Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của ĐH Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đại học”- Thông cáo nêu rõ.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: ĐH Bách khoa Hà Nội có quy mô rất lớn. Từng trường trực thuộc cũng đã có quy mô từ 5.000 - 8.000 sinh viên, không kém gì một số trường độc lập khác. Do đó, việc trao cho các trường trách nhiệm, quyền hạn lớn hơn là rất cần thiết. Có thể nói, việc chuyển lên mô hình đại học này đã được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, theo đúng lộ trình và xu thế.
Mô hình của ĐH Bách khoa Hà Nội rất phù hợp với mô hình của các ĐH lớn trên thế giới, trong đó các trường và các viện trực thuộc được phân quyền cao. Tuy nhiên, các trường này không như các trường ĐH thành viên và không có tư cách pháp nhân. Tức là trường vẫn sẽ nằm trong một thể thống nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội. Các trường này có con dấu, có tài khoản, được phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm nhiều hơn và được tự chủ cao hơn nhưng không có tư cách pháp nhân riêng. Việc cấp bằng cho người học vẫn thuộc quyền của Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mỗi trường ĐH cần xác định một cấu trúc tổ chức bên trong tối ưu để phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển cũng như sứ mệnh đã đặt ra. Với những trường có quy mô lớn và có số lượng ngành đào tạo nhiều, nhu cầu bên trong cần phân cấp, tự chủ đa dạng như Bách khoa Hà Nội thì việc chuyển thành ĐH gồm những trường trực thuộc theo từng lĩnh vực là rất phù hợp và cần thiết. Ngược lại, những trường nhỏ mà tổ chức theo mô hình của trường lớn thì không ổn.
"Như vậy, trở thành ĐH không phải xu hướng hay mục tiêu để trường nào cũng phải phấn đấu theo. Đây cũng không phải là một cái tên cho "oách". Quan trọng là mỗi trường phải tìm được mô hình thật phù hợp với mình thì mới phát huy được nội lực. Khi ĐH Bách khoa Hà Nội có thể coi là một ví dụ điển hình, bài học về xác định được mô hình, cấu trúc quản trị phù hợp cho các đơn vị khác nếu có định hướng trở thành ĐH trong tương lai"-Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Ngày đăng: 10:41 | 06/12/2022
H.Thanh / Công an nhân dân