Bà Nguyễn Thị Thuỷ nhận được phản ánh về tình trạng, nhiều người chỉ bỏ 200.000 đồng là có giấy chứng nhận sức khoẻ khiến "người tâm thần cũng có bằng lái xe".
Cho ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội sáng 30/10, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Thường trực Uỷ ban Tư pháp đánh giá, tình hình tai nạn giao thông thời gian qua đã được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người bị thương và số người chết.
"Dù tổng số vụ giảm nhưng lại xuất hiện nhiều vụ rất nghiêm trọng, chết nhiều người trong một vụ", bà Thuỷ nói và cho rằng ngày càng nhiều nhiều lái xe dương tính với ma tuý là một trong những nguyên nhân khiến không ít người phải chết thương tâm.
"Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó có chủ thể liên đới đang vô can, đứng ngoài, chưa phải chịu trách nhiệm", bà nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Theo bà Thuỷ, chủ thể đầu tiên là các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe. Quốc tế đánh giá quy định đào tạo, sát hạnh và cấp giấy phép lái xe của Việt Nam hiện khá chặt chẽ; cùng là bằng B1 nhưng thời gian thực hành của Việt Nam là 84 giờ, trong khi Nhật chỉ 59 giờ.
Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý một số người không muốn đi học nhưng muốn có bằng, không ít cơ sở đã cắt xén chương trình, thay vì dạy bài bản để lái xe an toàn thì lại dạy mẹo để thi đỗ. Thậm chí, nhiều người ở phía Nam nhưng lại đăng ký học lái xe ở phía Bắc. "Điều gì thu hút họ khi đường xa, chi phí đi lại tốn kém? Phải chăng có cơ sở học dễ thi dễ, nghiêm trọng hơn là có tình trạng bao thi bao đỗ, đóng tiền mua bằng?", nữ đại biểu nêu vấn đề.
Chủ thể thứ hai mà bà Thuỷ cho rằng không thể vô can trong các tai nạn giao thông là đơn vị kinh doanh vận tải. Luật quy định những đơn vị này phải tổ chức khám sức khoẻ lái xe mỗi năm một lần, nhưng nhiều nơi khoán trắng, để lái xe tự đi khám và mang kết quả về lưu hồ sơ doanh nghiệp, thậm chí có nơi còn không cần nộp. Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều lái xe dương tính ma tuý mà không bị phát hiện, đến khi gây tai nạn thì xã hội bàng hoàng, phẫn nộ. Sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất và phát hiện tới 239 trường hợp tài xế dương tính ma tuý.
Ngoài ra, luật quy định lái xe không làm việc quá 10 giờ mỗi ngày và không lái liên tục quá 4 tiếng. Nhưng theo phản ánh của nhiều cử tri, vì lợi nhuận nên nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã tăng chuyến, thậm chí khai thác tối đa xe nên tài xế phải lênh đênh trên đường cả ngày lẫn đêm. Có nơi chỉ khoán giờ nhận, trả hàng, còn an toàn thì lái xe tự lo. Dịp lễ tết, nhiều tài xế phải quay vòng liên tục đón khách. Đây là nguyên nhân dẫn đến tai nạn nghiêm trọng do lái xe phải chạy quá sức, ngủ gật.
Một số cơ sở y tế theo bà Thuỷ cũng không vô can khi luật quy định lái xe phải khám sức khoẻ ở cả ba khâu là đào tạo, sát hạch và khám định kỳ trong suốt quá trình hành nghề. Tuy nhiên, cử tri và cả lái xe phản ánh với bà, nhiều trường hợp không cần đến khám, chỉ bỏ ra 200.000 đồng, cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng là có giấy chứng nhận đủ sức khoẻ lái xe. Nhiều trường hợp đến khám thì bác sĩ chỉ hỏi và ghi vào giấy chứ không khám.
"Đó là lý do có trường hợp bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được cấp giấy phép lái xe như ở một số địa phương vừa qua", Thường trực Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.
Ngoài ra, nữ đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân người dân nhờn luật giao thông là quá trình thanh tra, tuần tra, kiểm soát còn xảy ra nhiều tiêu cực, xử lý chưa nghiêm.
"Tôi đánh giá cao sự quyết liệt của các bộ Công an, Giao thông Vận tải thời gian qua nhằm hạn chế tai nạn giao thông, nhưng rất cần phải làm loại bỏ những con sâu làm rầu nồi canh", bà Thuỷ nói.
Các đại biểu Ma Thị Thuý và Trần Văn Tiến cũng chia sẻ lo lắng khi trung bình mỗi ngày trên toàn quốc xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông; trên 70% người tử vong vì tai nạn giao thông là trụ cột gia đình.
"Phải chăng do pháp luật chưa đầy đủ, xử phạt chưa đủ răn đe, hay ý thức người tham gia giao thông kém, lực lượng thực thi công vụ làm chưa hết trách nhiệm?", bà Thuý đặt câu hỏi.
Theo bà Thuý, để có văn hoá tham gia giao thông, trước tiên mỗi người dân phải thực hiện nghiêm túc quy định, nhường nhịn nhau khi đi trên đường, đồng thời xây dựng lại quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong xã hội và chống tiêu cực, tham nhũng vặt trong đảm bảo an toàn giao thông.
9 tháng qua, toàn quốc xảy ra 12.600 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 5.600 người, bị thương trên 9.600 người. |
Ngày đăng: 15:49 | 30/10/2019
/ vnexpress.net