Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, Quốc hội phải làm chính sách để công nhân "có thu nhập đủ sống và có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình".

Phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 23/10 diễn ra cuộc tranh luận giữa ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, xung quanh quy định giờ làm việc.

Ông Lộc đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay về giờ làm việc bình thường, khu vực hành chính 40 giờ mỗi tuần, khu vực doanh nghiệp 48 giờ; còn giờ làm thêm tối đa tăng lên theo dự thảo Bộ luật, 400 giờ/năm thay vì 300 giờ như hiện nay. "Đây là quy định phù hợp thực tế và nhân văn", ông nói.

Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo, năng suất lao động thấp nhất khu vực, nếu giảm giờ làm (doanh nghiệp xuống 44 giờ mỗi tuần) sẽ khiến sức cạnh tranh quốc gia giảm so với các nước, gây trở ngại cho mục tiêu tăng trưởng.

Ngoài ra, ông cho rằng giảm thời gian lao động cũng sẽ dẫn tới giảm tiền lương của người lao động. "Do năng suất lao động thấp nên tiền lương của người lao động chưa cao, nếu giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với giảm thu nhập, người lao động vẫn cứ phải tìm thêm việc để thêm thu nhập, chủ yếu ở khu vực phi chính thức và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy", ông Lộc phân tích.

dai bieu quoc hoi khoc khi de nghi giam gio lam cho cong nhan
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Hoàng Hải

Chủ tịch VCCI còn cho rằng, giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ làm tăng chi phí, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm.

Trước ý kiến cho rằng giảm giờ làm khu vực doanh nghiệp sẽ đảm bảo công bằng với khu vực hành chính, ông Vũ Tiến Lộc nói điều này "nghe qua thì có lý, nhưng nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy không thỏa đáng". Hai khu vực này không được đặt trong cùng mặt bằng về thu nhập và tiền lương.

"Lương công chức mới ra trường không bằng người lao động ở khu vực doanh nghiệp chưa qua đào tạo. Vậy nên nói rút ngắn thời gian làm việc ở doanh nghiệp để cân bằng với khối hành chính là khập khiễng", ông nhấn mạnh.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phát biểu của ông Lộc về việc "duy trì giờ làm bình thường 48 giờ mỗi tuần, tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm" là vấn đề cần trao đổi để làm sáng rõ.

"Tôi không biết ông Lộc nghe từ đâu và dựa trên cơ sở nào để nói rằng chính sách giờ làm nêu trên là hợp lý, nhân văn và tự nguyện?", bà Tâm gay gắt.

Theo bà, nếu "tự nguyện" được ông Lộc nghe từ người lao động thì bà "lấy làm lạ và bất ngờ", vì bà từng nghe tâm sự của công nhân cũng như người làm công đoàn là không muốn làm thêm giờ.

"Tại sao công nhân cần làm thêm giờ? Câu hỏi này khá dễ trả lời. Đó là vì tiền lương hiện nay của họ không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu", bà nói.

"Công nhân không tự nguyện làm thêm mà họ phải làm để có thu nhập, điều này cần phải nói rõ như vậy", bà Tâm tiếp tục. Theo bà, vai trò của Quốc hội là làm chính sách để công nhân có thu nhập đủ sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân và gia đình... Đó cũng là quyền con người được Hiến pháp quy định.

"Đại biểu phát biểu có nghĩ đến quyền con người trong Hiến pháp hay không? Quan hệ giữa giới chủ với người lao động không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình người nữa", bà nêu vấn đề với Chủ tịch VCCI.

Bà Tâm cho rằng, phải nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của họ khi đến làm việc và cuộc sống thực tế như thế nào. "Rất nhiều công nhân phải gửi con về quê. Có người mẹ, người cha nào muốn xa con hay không? Nhiều người hai năm chưa được về thăm con. Ông bà già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm việc", bà Tâm nghẹn ngào, không giấu được xúc động.

Theo bà, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ dựa vào sức lao động mà ở năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc và sự tiến bộ xã hội. "Sự tiến bộ xã hội ở đâu khi mà chúng ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động?", bà Quyết Tâm nói.

Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trong phiên làm việc chiều nay.

dai bieu quoc hoi khoc khi de nghi giam gio lam cho cong nhan
Thăm dò ý kiến độc giả VnExpress từ ngày 16/10 đến nay có gần 3.000 ý kiến, trong đó 88% độc giả cho rằng "Không nên tăng số giờ làm thêm"
Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

 

 

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, "dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu".

 

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Hoàng Thùy - Viết Tuân

dai bieu quoc hoi khoc khi de nghi giam gio lam cho cong nhan Đề xuất tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm

Lao động nữ nghỉ hưu tuổi 58, công nhân làm 44 giờ mỗi tuần... là những đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt ...

dai bieu quoc hoi khoc khi de nghi giam gio lam cho cong nhan Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng, đ ó là thực tế mà các du học sinh ...

dai bieu quoc hoi khoc khi de nghi giam gio lam cho cong nhan Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, sao lại đề xuất tăng?

"Xu hướng tiến bộ là tăng lương, giảm giờ làm thì tại sao lại tăng giờ làm thêm?" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông ...

Ngày đăng: 15:48 | 23/10/2019

/ vnexpress.net