Liên quan tới vấn đề phát triển năng lượng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đưa năng lượng vào chương trình giám sát của Quốc hội là cần thiết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo đó, lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định để chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Trong đó, chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 |
Góp ý về lựa chọn chuyên đề giám sát trong năm 2023 tại hội trường Quốc hội chiều ngày 23/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương cho rằng, cả 4 chuyên đề này đều rất quan trọng, đều mang tính thời sự và cũng là mong mỏi của cử tri.
Trong đó, ông Huân đặc biệt lưu ý đến việc chọn chuyên đề 4 đưa vào chương trình giám sát tối cao. Đại biểu cho rằng, trong báo cáo sáng 23/5 của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và đầu năm 2022, các chỉ tiêu phát triển rất tốt, đáng phấn khởi và cử tri đều mong mỏi chúng ta tiếp tục phát triển sau đại dịch.
Nhưng có một thông tin vô cùng quan trọng và mang tính định hướng cho phát triển đất nước trong vòng 30 năm tới, đó là kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được phát thải ròng vào năm 2050 thì liên quan đến nhiều vấn đề, trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, ví dụ như chúng ta phải giảm phát thải trong ngành năng lượng, ngành xây dựng, khai khoáng, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông…
Như vậy, ngành nào ở trong lĩnh vực kinh tế cũng cần phải được xem xét và có thể sẽ phải định hướng lại để đạt được chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0. Nhưng lĩnh vực quan trọng nhất, đang chiếm tỷ lệ phát thải lớn nhất chính là ngành năng lượng, hiện nay đang phát thải ra khoảng 65-70% khí thải nhà kính.
Theo báo cáo của Chính phủ thì việc chuyển dịch năng lượng hiện nay vẫn còn chậm. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nêu là Quy hoạch Điện VIII chậm thì gây nguy cơ thiếu điện. Chúng ta thấy rằng, trong 2 năm qua do điều kiện dịch bệnh nên tốc độ phát triển kinh tế bị chậm lại, năm ngoái là 2,58%.
"Nếu chúng ta phát triển với tốc độ là 6,5- 7% như dự kiến, hoặc như trong thập kỷ vừa qua thì nhu cầu về điện là rất lớn. Hiện chúng ta chưa bị thiếu điện nhưng khả năng năm nay sẽ bắt đầu có hiện tượng thiếu điện ở miền Bắc. Đây là ngành tôi nghĩ rằng là rất quan trọng, vừa ảnh hưởng đến chỉ tiêu phát thải ròng, đồng thời cũng đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế" - đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Quy hoạch Điện VIII phê duyệt chậm rõ ràng là ảnh hưởng đến các ngành khác nhưng chuyện này cũng có những yếu tố khó khăn. Chúng ta chia sẻ với Bộ Công Thương cũng như ngành năng lượng nói chung, để đưa ra được dịch chuyển năng lượng, đáp ứng được chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 là rất khó, rất phức tạp.
“Chính vì phức tạp cho nên nhiều lần Bộ Công Thương đã trình và Thủ tướng chưa phê duyệt, phải điều chỉnh. Tôi thấy tầm bao phủ của Quy hoạch tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, cho nên Quốc hội nên đưa vào chương trình giám sát tối cao để tìm cách đồng hành với Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề trọng điểm của đất nước” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Trước vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí - TP Hà Nội đồng tình, 4 nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn rất đúng, rất trúng từ hàng trăm chuyên đề và phải nói đây là 4 nhóm vấn đề hết sức quan trọng.
Đặc biệt, về chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển nguồn năng lượng giai đoạn 2021-2026 nên được thực hiện giám sát tối cao. Nêu lý do, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay, chúng ta có Nghị quyết số 55 của Trung ương nhằm phát triển năng lực quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Như vậy, thời gian vẫn còn, nhưng về mặt năng lượng thì đất nước ta đang đứng trước những thách thức lớn về nhu cầu đủ năng lượng cho một đất nước trăm triệu dân đang rất cần có năng lượng để sống, để phát triển kinh tế. Chúng ta đang đứng trước đòi hỏi cấp thiết về việc chuyển đổi nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối... mà đất nước Việt Nam về tiềm năng những nguồn năng lượng này rất lớn.
Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, Thủ tướng sẽ xem xét phê duyệt Quy hoạch Điện VIII… "Tất cả những việc này rất cần thiết được giám sát Quốc hội để rút ra những điều được và chưa được, những điều cần thiết để thực hiện những việc trong quy hoạch đó" - ông Nguyễn Anh Trí nói.
Ngày đăng: 08:08 | 24/05/2022
Quỳnh Nga - Lan Anh / congthuong.vn