Nghị định 64 chỉ nêu ba nhóm tổ chức được tiếp nhận, phân phối tiền hàng cứu trợ là không phù hợp với thực tế, cần mở rộng để khuyến khích mọi người tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, góp ý như trên xung quanh việc xây dựng nghị định mới, thay thế nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.

"Thời gian qua, khi miền Trung xảy ra mưa bão, lũ lụt đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức quyên góp tiền, hàng, góp phần quan trọng giúp người dân vượt qua khó khăn. Hơn nữa, người Việt Nam có truyền thống lá lành đùm lá rách, nên quy định pháp luật cần mở rộng và tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức làm cứu trợ được thuận lợi hơn", ông Phương nêu quan điểm.

Tuy nhiên, từ thực tế ở Quảng Bình, ông Phương nói việc cứu trợ tự phát dẫn đến bất cập là khi các đoàn cứu trợ đổ về địa phương nào đó, sẽ khó cân bằng trong phân phối và không đáp ứng đúng nhu cầu người dân. Chính quyền địa phương một số nơi xử lý không kịp thời, gây cản trở, bức xúc cho những người đi cứu trợ. "Nghị định mới cần đưa ra các quy định để vừa huy động được lòng nhân ái của toàn xã hội, đồng thời giải quyết được các vướng mắc trên", ông Phương đề nghị.

Theo ông, nghị định nên nêu rõ địa phương xảy ra thiên tai, thảm họa lập đội xử lý cứu trợ làm đầu mối để hướng dẫn, chia sẻ thông tin với mọi tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện. "Việc cứu trợ như thế nào do các tổ chức, cá nhân chủ động, nhưng khi đến địa phương thì họ có đầu mối hướng dẫn, chia sẻ các thông tin cần thiết, ví dụ về giao thông, địa hình, đặc điểm dân cư, người dân đang cần nhất những gì...", ông nói.

2334 db nguyen ngoc phuong tra loi 6115 8498 1603861892

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Ngọc Thắng

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích, việc cứu trợ tự phát hiện nay có một phần nguyên nhân bởi người dân không có niềm tin vào các tổ chức cứu trợ khác. Vì vậy, nghị định mới cần đưa ra cơ chế minh bạch dòng tiền để ngăn chặn trục lợi, tham nhũng từ hoạt động này.

"Dù là tổ chức được Nhà nước hỗ trợ hay cá nhân, tổ chức khác khi tham gia cứu trợ đều cần công khai tài chính trước và sau khi hoàn thành công việc. Như vậy mới giữ được niềm tin của người dân và các nhà hảo tâm", ông Phương chia sẻ.

GS Nguyễn Anh Trí - thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng tình cần mở rộng để mọi người trong xã hội đều có thể tham gia cứu trợ dễ dàng, an toàn về pháp lý.

Ông phân tích, những năm gần đây hoạt động thiện nguyện trên cả nước thu hút rất nhiều người tham gia, họ muốn trực tiếp đến những nơi khó khăn để cứu trợ người dân. Hơn nữa, các cá nhân đứng ra làm cứu trợ không phải theo quy trình, thủ tục như cơ quan, tổ chức nên thường triển khai nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong bối cảnh thiên tai xảy ra khốc liệt.

"Ví dụ nước lụt mênh mông như thế, người dân cần ngay áo ấm, thực phẩm..., thì có những cá nhân mang đến ngay được trong ngày một, ngày hai, chứ không đợi nước rút mới triển khai cứu trợ", ông Trí nói và cho rằng nghị định 64 đến nay đã bộc lộ những điểm lạc hậu, không đáp ứng được thực tiễn cuộc sống, cần thay đổi.

"Cần sửa đổi nghị định 64 theo hướng khuyến khích nhiều hơn các hoạt động cứu trợ, chứ không nên thu hẹp hoặc bó lại", ông Trí nói thêm. Ông cũng nhấn mạnh nghị định mới cần xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo an toàn cho người tham gia hoạt động thiện nguyện, "nếu việc làm của họ là chính đáng, đúng pháp luật thì cần được đảm bảo không chỉ về tính mạng, tài sản mà còn về uy tín".

Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất, nghị định mới quy định theo hướng với những tình huống cứu trợ khẩn cấp, quy mô nhỏ thì không cần đăng ký với nhà nước; chỉ khi hoạt động cứu trợ quy mô lớn, thường xuyên, liên tục mới cần đăng ký.

Đồng thời, ông khuyến cáo những người tham gia cứu trợ nên công khai quy tắc hoạt động trước khi tiếp nhận quyên góp, báo cáo đầy đủ sau khi phân phát.

Nghị định mới nên ban hành phụ lục là những quy tắc hoạt động nên có, để các cá nhân, tổ chức tham khảo, vận dụng. Người điều hành cứu trợ cần được thù lao và chi phí hợp lý. Với đơn vị do nhà nước hỗ trợ thì đưa ra định mức rõ ràng. Còn với đơn vị tư nhân, được phép tự quyết chi phí hoạt động cứu trợ, nhưng phải công khai mức chi.

"Các quỹ cứu trợ có thể thuê kiểm toán độc lập và công khai kết quả, để trở thành căn cứ cho các mạnh thường quân xem xét, quyết định lựa chọn quyên góp. Mọi nguồn lực quyên góp không cần thiết phải chuyển về một đầu mối là MTTQ VN", ông Đức nói và cho rằng, các tổ chức như MTTQ VN chỉ nên điều phối dưới dạng khuyến nghị, chia sẻ thông tin về các khu vực bị thiệt hại, nhu cầu của cộng đồng địa phương... để việc cứu trợ của xã hội đạt hiệu quả.

"Nghị định cần đưa ra cơ chế để các quỹ cứu trợ được tự do hoạt động, thay vì cấm đoán. Các đơn vị của nhà nước cũng phải cạnh tranh với các đơn vị tư nhân, nếu đơn vị nào làm hiệu quả hơn sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn", ông Đức đề xuất.

2352 vothanhhung 7253 1603861891

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính). Ảnh: MOF

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), cho hay việc một số cá nhân huy động tiền dựa trên lòng tin của cộng đồng và trực tiếp đi cứu trợ, không thuộc diện điều chỉnh tại nghị định 64 và thông tư 72 hướng dẫn nghị định này

"Trong khi nhiều đồng bào miền Trung đang lao đao vì lũ lụt, thì cá nhân, tổ chức huy động được tiền, hàng, nhu yếu phẩm, trực tiếp chuyển đến hỗ trợ người dân như ca sỹ Thuỷ Tiên... là việc làm tốt, đáng trân trọng", ông Hưng nói và khẳng định Nhà nước chỉ khuyến khích chứ không ép buộc tất cả nguồn lực huy động này phải chuyển về Ban cứu trợ (do Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN hoặc Mặt trận tổ quốc các cấp thành lập).

Tổ chức, cá nhân khi phân phối tiền, hàng cứu trợ cần liên hệ chính quyền địa phương để xác định đúng địa bàn, người cần hỗ trợ, tránh trùng lặp.

Trường hợp nào lợi dụng uy tín để chiếm đoạt tài sản khi làm từ thiện, thì có thể bị xem xét xử lý theo Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự.

Trước đó ngày 23/10, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng, giao Bộ Tài chính xây dựng nghị định mới, thay thế nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.

"Mặt trận tổ quốc VN và Hội Chữ thập đỏ hiện có những quy định chưa khớp nhau trong việc kêu gọi cứu trợ. Bộ Tài chính đang tham khảo ý kiến các cơ quan, địa phương để nghiên cứu sửa đổi nghị định 64, đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan", ông Võ Thành Hưng nói.

Theo điều 5 của nghị định 64/2008, ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.

- Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Nghị định cũng quy định, toàn bộ số tiền huy động được, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp.

Đề  nghị miễn phí BOT cho xe vận chuyển hàng cứu trợ miền Trung Đề nghị miễn phí BOT cho xe vận chuyển hàng cứu trợ miền Trung
Công Vinh giúp Thủy Tiên rút nguyên vali tiền để cứu trợ đồng bào miền Trung Công Vinh giúp Thủy Tiên rút nguyên vali tiền để cứu trợ đồng bào miền Trung
Thủy Tiên trở lại miền Trung cứu trợ cùng Công Vinh Thủy Tiên trở lại miền Trung cứu trợ cùng Công Vinh

Ngày đăng: 08:25 | 29/10/2020

/ vnexpress.net