Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu giá vàng SJC tăng cao thì tình hình lạm phát có thể sẽ tăng theo và đồng tiền Việt Nam cũng có thể mất giá.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, sáng 09/6/2022, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội: Cần điều chỉnh giá vàng trong nước phù hợp với thị trường thế giới
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chất vấn tại hội trường

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ hơn về việc sử dụng tiền mặt. Trên thực tế đã có quy định rất rõ về việc sử dụng tiền mặt ngoài thị trường, đặc biệt là các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, từ vụ việc của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, cơ quan chức năng đã khám xét nhà ở, cơ quan thì có phát hiện cá nhân có 10 tỷ đồng ở trong tủ của người đó. Vậy tiền mặt ở đâu mà cá nhân đó có nhiều vậy?

Ngoài ra, có một vấn đề khác khiến hiện nay dư luận quan tâm là một số đại gia sử dụng tiền rất nhiều để mua bán bất động sản, chỉ cần người mua có tiền, người bán đất cần tiền mặt thì trả tiền mặt ngay hoặc thông qua hình thức chuyển khoản. Vậy có vấn đề gì trong ngành Ngân hàng hay không về việc sử dụng tiền mặt nên đề nghị Thống đốc trả lại cụ thể hơn.

Liên quan đến thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó giá vàng SJC cũng chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, còn hiện nay giá vàng đang lên đến gần 70 triệu đồng/lượng. Vậy Nghị định 24 của Chính phủ thời điểm đó là thời điểm hiện tại bất cập hay không?

Tại sao chúng ta không sửa Nghị định này? Liệu Ngân hàng có thể cho đơn vị, tổ chức nào đó sản xuất thương hiệu vàng nào khác để cạnh tranh với SJC hay không để thị trường vàng hạ nhiệt, giá vàng giảm xuống?

"Bởi nếu giá vàng SJC tăng cao thì tình hình lạm phát có thể sẽ tăng theo và đồng tiền Việt Nam cũng có thể mất giá. Vì vậy cần có sự điều chỉnh giá vàng SJC ở trong nước phù hợp với thị trường trên thế giới" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề sử dụng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hiện nay trong các quy định hiện hành, những khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước cũng đã yêu cầu đối với các khoản trên 20 triệu đồng thì phải thực hiện qua chuyển khoản, không được thanh toán bằng tiền mặt.

Còn đối với các giao dịch khác, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đang trong quá trình nghiên cứu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình xây dựng quy định mới cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đối với các quy định về vấn đề thanh toán bằng tiền mặt này.

Liên quan đến vấn đề độc quyền vàng SJC, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, Nghị định 24 xác định là Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và ở đây Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thuê SJC sản xuất.

Trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước.

“Lúc đó chúng tôi sẽ đánh giá, phân tích tác động và xin ý kiến chắc chắn sẽ xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-dieu-chinh-gia-vang-sjc-trong-nuoc-phu-hop-voi-thi-truong-the-gioi-179915.html

Ngày đăng: 11:29 | 09/06/2022

Quỳnh Nga - Lan Anh / congthuong.vn