Viện dẫn tham nhũng giống như sâu mọt, đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho rằng, đã là sâu mọt thì phải diệt trừ và đề nghị phải có danh hiệu “dũng sĩ diệt tham nhũng”.
Góp ý về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng cử tri và nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự vào cuộc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
"Nhân dân mong muốn phải tiêu diệt tham nhũng. Đối với sâu mọt thì chúng ta nói diệt sâu, trừ sâu chứ không ai nói chống sâu, chống mọt”, đại biểu Việt nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tại phiên thảo luận ngày 13/6
Đại biểu Việt cũng cho rằng luật cần quy định tổ chức Đảng vào lực lượng phòng, chống tham nhũng. Ông dẫn chứng vừa qua hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương rất hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt kiến nghị thêm: "Dự thảo luật cũng chưa rõ việc khen thưởng đối với người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng. Trong chống Mỹ chúng ta có "dũng sĩ diệt Mỹ" thì trong công tác này phải có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng".
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan đơn vị phòng chống tham nhũng, dự thảo luật lần này đã trao cho cơ quan phòng, chống tham nhũng nhiều quyền năng rất lớn trong các hoạt động phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi tham nhũng.
“Nếu quyền lực lớn mà không có quy định kiểm soát quyền lực chặt chẽ sẽ dẫn tới nguy cơ lạm dụng quyền lực ngay tại chính cơ quan phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên quy định về vấn đề này, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ chuyên trách trong cơ quan phòng, chống tham nhũng gần như vẫn giữ như luật hiện hành là không hợp lý.
Dự thảo luật cần bổ sung quy định đặc thù tương ứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu, cán bộ trong lĩnh vực này, như các quy định đặc thù về tiêu chuẩn, về phẩm chất cán bộ, quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích, quy định về ứng xử, những việc cán bộ không được làm”, đại biểu Hiển đề nghị.
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng hiện nay tiền lương, thưởng, trúng vé số, thừa kế những tài sản lớn đều phải đóng thu nhập cá nhân. Về thuế thu nhập cá nhân hiện nay được quản lý hết sức khoa học, chính xác.
"Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm điều kiện quy định phải khai thuế thu nhập cá nhân hàng năm với tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng. Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, theo dõi", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Vị đại biểu An giang cho rằng: “Không có lý do gì mà đóng thuế thu nhập cá nhân từ 1-2 triệu đồng/năm mà người đó vẫn có thể mua được nhà, mua được xe ô tô. Vì vậy tôi rất mong muốn chúng ta có thêm điều khoản quy định rõ các vị trí có nguy cơ tham nhũng cần kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai để cử tri và các cơ quan chức năng giám sát, theo dõi".
Đại biểu Quốc hội đề xuất công khai thuế thu nhập cá nhân của lãnh đạo
Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nếu cơ quan quản lý và người dân biết được thuế thu nhập cá nhân của cán bộ thì ... |
\'Tham nhũng vặt là bà đỡ cho tham nhũng tiền tỷ\'
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng tham nhũng vặt là giá đỡ an toàn, tạo thành bản năng để cá nhân, tổ ... |
Vì sao người Việt phải \'bạo tay\' chi tiền hối lộ?
Để đạt mục đích, người Việt có thể bỏ ra tới nửa năm thu nhập để hối lộ, "bôi trơn". Mức độ chịu đựng và ... |
Ngày đăng: 14:51 | 13/06/2018
/ https://vtc.vn