Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó, việc tăng lương cho giáo viên để giáo viên tròn vai, tâm huyết với nghề và việc biên soạn sách giáo khoa.
Sáng 1/11, tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó, việc tăng lương cho giáo viên để giáo viên tròn vai, tâm huyết với nghề và việc biên soạn sách giáo khoa.
Đề nghị nâng lương mức cao nhất cho giáo viên
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra. Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…
Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì. Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
"Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù làm cùng một ngành. Hiện nay phụ cấp của họ là rất thấp, có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo chính chất công việc, theo vùng đúng như Nghị quyết 29 đề ra", đại biểu Hà Ánh Phượng nói.
Trước đó, trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31/10 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cũng có ý kiến với lĩnh vực giáo dục cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học. Có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng khó khăn thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi. Việc đào tạo giáo viên sư phạm phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng làm mất cân bằng giữa các ngành học, giữa các vùng, theo tinh thần ở đâu có trường, có lớp ở đó phải có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp.
Cần thiết hay không một bộ sách giáo khoa?
Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là việc biên soạn 1 bộ sạch giáo khoa hay nhiều bộ sách giáo khoa. Tại phiên thảo luận chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng việc xã hội hóa sách giáo khoa là điểm nhấn, thành công trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, được đoàn giám sát ghi nhận trong báo cáo giám sát. Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 là nghị quyết gốc; tuy nhiên đến năm 2020, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, do phải áp dụng vào chương trình năm học mới nhưng chưa có bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho lớp 1, Quốc hội cho phép khi có bộ sách giáo khoa xã hội hóa thì không sử dụng nguồn từ Nhà nước.
Phát biểu ý kiến tranh luận sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khẳng định, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm Nghị quyết gốc và cũng không hề phân biệt cấp độ của các Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, thay vì giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì việc tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết hơn. Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.
Cũng tranh luận về nội dung này, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, không có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tại mục 3, Điều 2 Nghị quyết 88 nêu rõ Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Chỉ rõ Nghị quyết 88 được ban hành năm 2014, đến năm 2020 mới có Nghị quyết 122, đại biểu đặt vấn đề 6 năm đó tại sao Bộ Giáo dục và đào tạo không tổ chức thực hiện nghị quyết này? Trong khi đó, lại đẩy toàn bộ việc biên soạn sách giáo khoa bằng hình thức xã hội hoá, từ đó dẫn tới việc thả nổi sách giáo khoa, giá tăng và không kiểm soát được.
Theo đại biểu Trần Văn Sáu, Đảng kêu gọi xã hội hóa chăm lo cho giáo dục nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục. Đại biểu cho rằng, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hoá đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đại biểu nhấn mạnh đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng giá sách giáo khoa tiếp tục không tăng.
Ngày đăng: 12:10 | 01/11/2023
Phương Thuỷ / CAND