Từ ngày có Bình về, cửa hàng ông Biểu đông khách hơn hẳn. Tiếng tăm về một cậu bé mới ở quê ra, chữa xe đạp giỏi đã đành nhưng lại còn chữa được cả xe máy đã lan khắp cả khu ngõ chợ Khâm Thiên.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 8)
Bình nhăn mặt: "Thằng Trúc này tôi lạ gì. Học hành thì chẳng tới đâu, chữ nghĩa thì giắt lưng được mấy chữ. Bây giờ ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 7)
Buổi sáng tại nhà Bình. Bình dậy sớm tập thể dục. Anh tập đạp xe trong nhà. Bình cắm đầu cắm cổ đạp cho đến ... |
Thúy thở dài:
- Anh thấy đấy, báo chí đang ngày càng chết dần chết mòn. Báo chúng em bây giờ in chỉ còn không được năm ngàn bản mà bảy tám chục con người làm. Anh bảo hơn một nửa trong đó là con ông cháu cha, chắt bà cụ ở Bộ này, Ngành kia gửi về, rồi có loại thì tổng biên tập, phó tổng, trưởng ban, phó ban đưa về… Họ biết làm, biết viết gì đâu, nhưng cứ ngồi đó hưởng lương. Kinh tế suy giảm, quảng cáo giờ cũng khó kiếm. Anh tính, ngày xưa em viết một phóng sự điều tra khoảng ba nghìn chữ em được nhuận bút một triệu đồng. Bây giờ, còn ba trăm nghìn. Anh bảo thế thì đi viết làm gì. Em vẫn may mắn hơn khối người là có mối quan hệ với các ban, ngành, họ hay mời đi dự hội nghị. Đành lấy lấy phong bì làm nguồn thu nhập chính.
Bình ái ngại hỏi:
- Khó khăn thế à em?
Thúy nói:
- Em chẳng bao giờ muốn kể với anh. Từ ngày chúng em chia tay, một tay em nuôi con, chồng em có bao giờ đưa được đồng nào đâu, mà em cũng chẳng cần, em vẫn đủ sức nuôi cháu và nhờ giời cháu cũng ngoan, học thì không giỏi nhưng biết vâng lời.
Bình nói:
- Tại sao khó khăn như thế em không nói với anh?
Thúy cười và bảo:
- Chẳng nhẽ mỗi lần gặp nhau, em lại bảo anh đưa cho em tiền ư? Em khó khăn ư? Anh là người nhạy cảm. Lẽ ra nếu như anh nghĩ về em thì anh phải biết điều ấy chứ. Hay là anh cũng nghĩ em như nhiều đứa nhà báo khác, suốt ngày đi đâm thuê chém mướn, đi tống tiền doanh nghiệp.
Bình lúng túng lắc đầu:
- Không em à, với em anh không bao giờ dám nghĩ thế.
Rồi Bình bảo:
- Vậy thế này, em cho anh số tài khoản của em, hàng tháng anh sẽ phụ giúp em, đỡ đần em để chăm lo cho con.
Thúy lắc đầu:
- Nếu anh muốn giúp em thì hãy tự mà giúp, còn em không đưa số tài khoản của em cho anh, như thế khác gì em cũng đi ngửa tay xin tiền anh.
Bình nhăn mặt nói:
- Sao mà khái tính không phải lối thế. Nào bây giờ anh kể tiếp nhé.
***
Từ ngày có Bình về, cửa hàng ông Biểu đông khách hơn hẳn. Tiếng tăm về một cậu bé mới ở quê ra, chữa xe đạp giỏi đã đành nhưng lại còn chữa được cả xe máy đã lan khắp cả khu ngõ chợ Khâm Thiên. Nhiều người đã mang xe máy đến để Bình chữa. Cũng phải công nhận rằng Bình có năng khiếu đặc biệt về sửa chữa xe máy. Mặc dù chẳng được học hành gì, nhưng với cái mớ kiến thức chắp vá được từ bố truyền cho nhưng cũng do khéo tay, cộng với sự cần cù, đặc biệt là sự ham mê hiếm có đã khiến Bình nhanh chóng trở thành một người thợ giỏi. Hầu như không có trường hợp nào Bình chịu bó tay. Người ta mang đến sửa ở cửa hàng nhiều xe lắm, đó là những chiếc xe Simson, xe Star, xe Jawa, rồi cả những chiếc xe Mobile. Thậm chí công an còn mang cả xe IJ, MZ đến chữa. Ngày ấy, phụ tùng xe hiếm lắm cho nên người thợ phải biết cách để phục hồi hoặc sửa chữa các hư hỏng của xe mà không cần phải thay thế. Ông Biểu khoái lắm. Việc ở cửa hàng, hầu như ông giao hết cả cho Bình. Bình cũng rất thật thà, làm được bao nhiêu tiền, Bình nộp cho ông hết và hàng tháng, nhận số tiền lương ông Biểu trả và gửi về cho mẹ.
Một lần, vào cuối tháng, Bình nói với ông Biểu:
- Chú ạ, ngày mai chú cho cháu về nhà một hôm.
Ông Biểu nhăn mặt nói:
- Mai là ngày Chủ nhật, người ta mang xe đến nhiều lắm, mày đừng nghỉ.
Suy nghĩ một lát rồi ông nói tiếp:
- Bây giờ thế này. Cháu cứ ở đây lo chữa xe cho chú. Chú sẽ bảo con Thủy Tiên mang tiền về cho mẹ cháu.
Bình ngần ngại:
- Cháu cũng lâu lâu rồi chưa về… Cháu muốn về thăm mẹ, thăm nhà xem thế nào.
Thủy Tiên ở gần đó, nghe thấy nói luôn:
- Mà bố phải tính xem thế nào. Ai lại chỉ cho anh ấy tháng được mấy chục đồng bạc. Bây giờ, bố phải tăng lương cho anh ấy. Tháng rồi, anh ấy làm cho nhà mình bao nhiêu tiền.
Bà Tuyến lườm con gái:
- Thì đã ai để nó thiệt đâu mà cô phải cao giọng.
Ông Biểu:
- Ừ, chú sẽ tăng lương cho mày. Nhưng hôm nay cứ ở đây đã. Hôm khác về. Còn chú sẽ bảo cái Thủy Tiên mang tiền về cho mẹ.
Thủy Tiên lắc đầu nói:
- Con không đi đâu. Từ đây về đấy có phải ít đường đất đâu. Mà đi xe khách, chờ đến bao giờ mới có.
Ông Biểu:
- Thế mày lấy xe máy rồi, bảo cái thằng nào đấy đưa đi. Về một chốc rồi ra, có làm sao.
Thủy Tiên vẫn lắc đầu:
- Không. Nếu không thì bố để anh Bình chở con về.
Ông Biểu:
- Mà thôi, để đấy, tao sẽ đi về đưa tiền cho. Hôm nay tao về, đằng nào cũng có mấy việc của họ.
Thế rồi, ông Biểu lấy xe máy, chuẩn bị về quê. Ông lấy thêm 2 chai nước mắm, 1 gói mì chính và mấy hộp bánh kẹo gói ghém cho vào trong túi, cột vào xe máy.
Ông nói:
- Chú mang mấy thứ này về biếu mẹ cháu.
Ông Biểu tất tả lên xe về quê Bình. Bà Tuyến nhìn theo chồng đến lúc khuất bóng, quay lại nói với Thủy Tiên:
- Sao dạo này bố mày chu đáo thế nhỉ? Từ xưa đến nay, việc làng việc xóm có bao giờ ông ấy để ý đến đâu. Hay là dạo này lại có con nào đây.
Thủy Tiên nhìn mẹ:
- Sao mẹ cứ hay nghi ngờ thế? Ông ấy thêm bà Thu chưa đủ hay sao mà lại còn phải thêm ai nữa.
Bà Tuyến bĩu môi:
- Này, tao ở với bố mày mấy chục năm, tao lạ gì cái tính trăng hoa, đĩ thõa của bố mày nữa. Gớm, cứ nhìn cái mắt gián nhấm của bố mày, thì có mà còn khối đứa chết.
Thủy Tiên bật cười:
- Thế ngày xưa bà bô chết ông bô chắc cũng vì cái đôi mắt gián nhấm đấy phải không?
Bà Tuyến bẽn lẽn cười, gật đầu nói:
- Ừ, đúng. Chúng mày không biết chứ ngày xưa bố mày lẳng lơ và tài hoa lắm. Hồi đấy, bố mày hay mang cái đàn mandolin ra ngoài Công viên Thống Nhất vừa đánh đàn, vừa hát. À, ông ấy lại còn biết cả diễn kịch nữa cơ. Số bố mày không may, chứ nếu có người dạy dỗ cẩn thận, thì có khi bây giờ cũng thành diễn viên có hạng rồi đấy.
Thủy Tiên nhìn mẹ và bảo:
- Ờ, nếu ông bô mà thành diễn viên có hạng thì mẹ bây giờ chắc cũng không phải đi làm cầm đồ thế này nhỉ?
Nghe con gái nhắc đến chuyện cầm đồ, bà Tuyến bảo con:
- À này, mày tính xem thế nào, có mấy món nợ bọn chúng nó lằng nhằng quá, vẫn không trả. Có lẽ phải dùng cách khác.
Thủy Tiênn bảo:
- Thì có cách gì ngoài cái cách tốt nhất là mẹ bảo mấy thằng đệ của mẹ đến tận nhà người ta mà đòi. Đấy là nhanh nhất.
Bà Tuyến gật đầu:
- Cũng phải thế thôi.
Rồi bà bảo:
- Mày gọi mấy thằng đấy đến đây. Tao giao việc cho chúng nó.
Nghe bà Tuyến và Thủy Tiên nói chuyện, Bình ngạc nhiên và cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Bởi vì từ ngày đến làm đến giờ, Bình cứ cắm cúi vào công việc, chẳng để ý gì đến chuyện gia đình nhà ông Biểu.
Bình lại đi ra cửa hàng và chuẩn bị chữa xe.
Thủy Tiên cũng đi ra theo, giúp Bình dọn dẹp cửa hàng.
Trong lúc rỗi rãi chờ khách, Thủy Tiên nói:
- Anh không biết gia đình em đâu. Phức tạp lắm.
Bình hỏi:
- Phức tạp cái gì? Bố mẹ em, của ăn của để có dư thế này, có cái gì mà phức tạp.
Thủy Tiên lắc đầu:
- Anh chẳng biết gì cả. Em nói cho mà nghe, mà rồi sau này cũng phải biết để mà lường. Ông bô em có hai bà đấy. Mẹ em thì được em với lại thằng Phú. Cái thằng này nó cứ đi suốt ngày, suốt đêm, chẳng biết tham gia với băng nhóm nào. Hôm nọ, nghe chúng nó nói nó tham gia cái đảng uống nước cống.
Bình ngạc nhiên hỏi:
- Đảng uống nước cống là đảng thế nào?
Thủy Tiên giải thích:
- À, bọn chúng nó tụ họp với nhau. Thằng nào muốn gia nhập cái băng đảng đấy thì phải uống nửa ống bơ sữa bò nước cống. Uống xong chúng nó mới kết nạp.
Bình trợn mắt:
- Khiếp, đến tởm. Uống thế không sợ đau bụng à?
Thủy Tiên:
- Thế mới nên chuyện. Bọn đấy cô hồn lắm, em trông thấy cũng còn phải khiếp. Em kể tiếp cho mà nghe. Thế rồi không biết từ bao giờ bố em dính vào cái bà Thu bán cháo lòng ở đầu ngõ. Bà này có chồng chết vì xơ gan cổ trướng. Ông bô em hay ra ngoài đấy ăn lòng lợn tiết canh, thế rồi chẳng hiểu thế nào “dính” bà ấy.
Bình:
- Thế thím để yên à?
Thủy Tiên kể:
- Lúc đầu cũng làm lanh tanh bành cả lên, oánh nhau loạn cả ngõ. Nhưng mà rồi giời chẳng chịu đất thì đất phải chịu giời. Hơn nữa, bà ấy cũng máu côn đồ. Bà bô em tý no đòn với bà ấy. Bây giờ bà ấy buôn bán thịt lợn có tiền, mua được một căn nhà nhỏ ở ngõ 34 cách ngõ nhà mình 500 mét, hằng ngày ông ấy cứ tụt tạt về đấy.
Bình hỏi:
- Thế có mấy đứa con?
Thủy Tiên vui vẻ bảo:
- Được một đứa con gái. Con bé xinh đáo để, mắt cũng lẳng như mắt ông bô... Bà ấy cũng có hai thằng con riêng: một thằng đang ngồi tù vì ăn cắp, còn thằng nữa, nghe nói đang đi làm công nhân xây dựng ở tít đâu mạn ngược. Nhưng thấy bà ấy khoe buôn bán làm ăn cũng khá lắm, em đồ rằng, chắc là buôn thuốc phiện thôi.
Hai người đang nói chuyện thì có một ông già dắt một chiếc xe Peugeot 102 đến.
Ông nói với Bình:
- Cháu, cháu. Mày xem cho bác chiếc xe này với.
Bình hỏi:
- Nó bị làm sao hả bác?
Ông già nói:
- Bác chả biết được. Nhưng cứ nổ máy đi được một tí là lại chết.
Bình hỏi:
- Đã đi được rồi mà lại chết?
Ông già thở dài:
- Thế mới nên chuyện. Bác cũng không hiểu tại làm sao nữa. Bực lắm.
Bình nổ máy, thấy xe không có vấn đề gì, liền bảo:
- Bác cho cháu đi thử xem nó ra làm sao nhé?
Ông già gật đầu:
- Ừ.
Bình lấy chiếc xe phóng ra phố. Đi được độ khoảng 500 mét thì chiếc xe cứ lịm dần, lịm dần rồi chết máy. Bình xuống xe dừng một lúc, nổ máy lại chạy được nhưng đi được một đoạn lại chết.
Bình về tháo bộ chế hòa khí ra, không phát hiện được cái gì. Anh rửa sạch sẽ, lắp vào, vẫn nổ máy bình thường. Kiểm tra điện đóm, cũng không phát hiện được cái gì.
Nghĩ mãi, Bình bảo ông già:
- Thôi bây giờ cháu đành phải rút xăng ra xem làm sao.
Bình tháo đường dây dẫn xăng ra, đổ vào cái chai. Đầu tiên, xăng chảy đều nhưng được ít giọt thì lại tắc. Bình “à” lên một tiếng rồi bảo:
- Thôi chết rồi. Trong bình xăng của chú có cái gì đó.
Thế rồi Bình mở bình xăng, dùng một đôi đũa khoắng vào trong. Quả thật, Bình gắp được ra một cơ số mảnh nilon, giấy và cả vỏ bao xi măng vụn nữa.
Ông khách trố mắt nhìn và bảo:
- Sao lại có cái thứ này trong xe mình nhỉ?
Bình bật cười:
- Cháu nói bác phải cảnh giác. Chắc là có thằng nào nó thù bác, nó lừa bác đi vắng, nó xé giấy, túi nilon với vỏ bao xi măng bỏ vào đấy. Khi xe chạy, nó hút xăng xuống, thì cái mảnh giấy này nó bịt lấy đường ống dẫn. Hết xăng thì xe chết. Nhưng đến khi bác dừng máy, mấy mảnh giấy này lại bong ra, xăng lại xuống thì xe bác lại nổ được máy.
Ông chủ xe “à” lên một tiếng rồi bảo:
- Thôi chết rồi. Thế này, có lẽ đúng là thằng con mình làm rồi.
Bình ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại là thằng con bác?
Ông già thở dài, nói giọng buồn bã:
- Đấy, con cái thế mới khốn nạn. Chả hiểu nó cờ bạc thua lỗ, nợ nần thế nào, nó cứ đòi bác phải bán xe đi, đưa tiền cho nó. Bác không đưa tiền. Mấy ngày hôm nay, nó lại bảo: “Xe này hỏng rồi. Sắp vứt đi được rồi. Bố phải bán sớm đi, để mà nó hỏng nữa thì bán chẳng ai mua”. Thế rồi nó lại phán nào là “séc măng hở”, “xi-lanh bị xước”…
Bình bật cười:
- Xe của Pháp, xi-lanh mạ crôm, làm sao mà xước được. Trừ trường hợp có thằng nào tháo ra, xong rồi lấy giũa mài.
Ông già nói:
- Ghê thật. Con cái thế này thì nhục quá. Thôi, cháu lắp vào cho bác. Vậy thì bây giờ, nếu chúng nó còn giở cái trò này thì mày có cách nào không?
Bình lắc đầu bảo:
- Nếu như con bác đã muốn bác bán xe, mà lại nghĩ ra cái cách phá xe thế này thì hôm nay không phá được bằng cách này, ngày mai nó cũng nghĩ ra cách khác để phá. Cho nên, bác phải cẩn thận thôi.
Làm sạch bình xăng cho ông già xong, Bình giao xe cho ông.
Ông hỏi:
- Hết bao nhiêu tiền cháu?
Bình xua tay:
- Thôi, cháu giúp bác thôi. Xe có bị hỏng đâu mà cháu lấy tiền của bác. Nếu nó hỏng thì cháu chữa, cháu lấy tiền, đây cháu chỉ phát hiện giúp bác thôi.
Ông già có vẻ cảm động lắm:
- Ô, thằng bé này hay thật. Mày chữa xe mà mày lại giúp như thế này.
Thủy Tiên bảo:
- Ở đây anh ấy giúp nhiều rồi chứ đâu phải chỉ giúp riêng mình bác.
Ông già rất vô tình nhìn Thủy Tiên và Bình rồi bảo:
- Thế hai đứa chúng bay là anh em à?
Bình chưa kịp trả lời thì Thủy Tiên đã nói:
- Là anh em nhưng cũng chẳng phải là anh em.
Ông cụ ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại là anh em mà không phải là anh em, thế là thế nào?
Thủy Tiên liếc nhìn Bình tình tứ rồi nói:
- À, là anh vì bố anh ấy là anh của ông bô cháu. Nhưng mà họ hàng nghe nói phải bắn tên lửa cơ, chứ đại bác vẫn chưa tới được. Mà anh ấy là họ Phạm, cháu là họ Hoàng, thì chắc chắn là chẳng có dây mơ rễ má gì, nhưng mà lại có họ. Chẳng hiểu họ kiểu gì.
Ông cụ cười khà khà:
- Ừ. Chúng bay đẹp đôi thật đấy.
Bình ngượng đỏ mặt nói:
- Ơ. Nó còn hơn cháu đến mấy tuổi.
Ông già lại cười khà khà bảo:
- Gì mà mày phải sợ. Tao nghe nói ông Các Mác còn kém vợ đến 4 tuổi, có làm sao đâu. Ờ nhưng mà họ hàng anh em thì không nên duyên được.
Thế rồi ông lại hỏi Bình:
- Cháu ở nhà quê ra à?
Bình đáp:
- Vâng. Cháu ở quê.
Ông cụ hỏi tiếp:
- Thế ra đây làm lâu chưa?
Bình trả lời:
- Dạ. Cháu mới làm được vài ba tháng.
Ông cụ ngạc nhiên:
- Thế ngày xưa cháu có học gì không?
Bình đáp:
- Dạ, ngày xưa cháu chẳng đi học cái gì. Nhà nghèo, bố cháu chữa xe đạp, xe máy ở làng, bố cháu dạy cháu thôi.
Ông cụ gật gù:
- Ờ, thằng này thế cũng khá đấy. Thôi được rồi, mày có biết đọc chữ không?
Bình đáp:
- Dạ, cháu có.
Ông cụ bảo:
- Được. Bác sẽ cho mày quyển sách này để cho mày học.
Thế rồi ông phóng xe về.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 11)
Nghe nói đến “quân khu Nam Đồng” thì ông Biểu cũng giật mình, bởi từ lâu, đám lưu manh ở khu tập thể Nam Đồng ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 10)
Từ sau hôm đấy, Bình trở thành một trợ thủ đắc lực của bà Tuyến. Ngày thì quần quật chữa xe, tối thì ngồi chia ... |
Ngày đăng: 06:00 | 12/04/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân