Chiều hôm đó, tại căn lều bát giác của Trương, có Quynh, luật sư Vũ, luật sư Hân ngồi với nhau.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 66)
Ông Lương nói nhẹ nhàng: Suốt tháng vừa rồi bác ốm, không theo dõi được tình hình. Bây giờ có vụ án của tay Phạm ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 65)
Tại trụ sở Công ty Hưng Thịnh, hôm nay diễn ra một cuộc họp có đầy đủ tất cả các thành viên trong Ban Giám ... |
Ông Hường nói:
- Thế bây giờ cậu định xử lý như thế nào?
Ông Quất nói buồn bã:
- Báo cáo anh, tôi cũng đang định hỏi ý kiến anh đây.
Ông Hường nổi cáu:
- Anh định hỏi ý kiến tôi là thế nào? Quân của anh thì anh phải xử lý chứ.
Ông Quất thong thả :
- Báo cáo anh, tất nhiên là quân của em thì em xử lý. Nhưng bây giờ có điều kẹt thế này. Cậu đội trưởng này trước đây từng trông nom khu tử tù gần hai mươi năm rồi và cậu ấy là người có kinh nghiệm nhất trong việc đưa tử tù đi hành quyết. Hơn chục năm nay, cậu ấy làm công việc trói tù vào cột, bắn nó xong rồi lại hạ nó xuống để khâm liệm. Mà nói thật với anh, bây giờ tìm được một người như thế khó lắm.
Ông Hường nói:
- Khó cái gì. Không có nó thì đã có thằng khác. Bây giờ việc đấy các anh giao cho cảnh sát bảo vệ.
Ông Quất chậm rãi:
- Báo cáo anh, các anh ở trên, các anh nói nghe thì dễ. Các anh nói “quân lệnh như sơn”, ra lệnh thì anh em họ phải làm. Nhưng năm ngoái có một vụ thi hành án tử hình, cậu ấy nằm viện, không đi làm được. Chúng em phải điều cảnh sát bảo vệ xuống làm, nhưng mấy anh cảnh sát bảo vệ nói có cách chức họ cũng không làm. Thế thì anh bảo bây giờ làm thế nào?
Ông Hường nói:
- Lạ nhỉ, công an là lực lượng vũ trang mà sao lại có loại lính tráng cứ đòi chọn việc thế này. Thế là thế nào?
Ông Quất bắt đầu có vẻ bất cần:
- Vâng, báo cáo anh, thời buổi bây giờ nó thế anh ạ. Anh thấy đấy, ngay ở công an tỉnh mình, điều trưởng phòng xuống huyện họ có đi đâu. Ngay cậu quản giáo kia cũng nói bây giờ thích kỷ luật cậu ấy thế nào cậu ấy cũng nhận. Đuổi việc cũng được, tước quân tịch cũng được. Giáng cấp, giáng chức cũng được. Vì cậu ấy quá chán rồi, chả thiết gì nữa. Mà anh bảo làm sao người ta có thể yêu cái nghề này được ạ. Mười mấy năm trông coi tử tù, trông những đứa ngày ngủ đêm thức, những đứa điên không ra điên, khôn không ra khôn, rồi lại phải mang trói con người ta vào cột để bắn, bắn xong lại còn khâm liệm, cho vào áo quan, rồi lại thắp mấy nén hương. Đấy, anh bảo cái nghề đấy làm sao mà yêu được, làm sao mà vui được.
Ông Hường nói:
- Thế bây giờ ý anh định xử lý thế nào?
Ông Quất bảo:
- Báo cáo anh, theo tôi thì thôi. Cậu ấy đã nhỡ nói với Bình rồi thì vấn đề là mình sẽ lấp liếm đi bằng kiểu gì, mà mấy hôm nữa cũng phải chuyển nó về trại giam công an tỉnh chứ để ở đây mãi cũng không được.
Ông Hường nói:
- Thôi, được rồi. Bây giờ tôi giao cho anh một việc, anh làm thế nào để nói với thằng Bình rằng thông tin đấy là thông tin giang hồ đồn thổi, bọn ở ngoài đồn bậy bạ chứ không phải là thông tin chính thức. Thế còn những việc khác để tôi lo. Nhưng nói gì thì nói, cậu cũng phải cảnh cáo tay quản giáo đấy. Chứ đừng để anh em thấy mình cần anh em mà bỏ qua những nguyên tắc của công an được đâu.
Ông Quất nói vui vẻ hơn:
- Dạ, báo cáo anh, tôi hiểu.
***
Chiều hôm đó, tại căn lều bát giác của Trương, có Quynh, luật sư Vũ, luật sư Hân ngồi với nhau.
Trương rót rượu ra ly và bảo:
- Thôi, bây giờ thế này. Trong lúc con Linh đang đi đẻ, tôi giao cho các ông làm khẩn cấp cho tôi hồ sơ về liên doanh hai bên. Các ông làm thế nào thì làm nhưng tôi muốn trong vòng ba ngày công ty liên doanh này phải có giấy phép.
Luật sư Vũ nói:
- Cái gì? Ông nói ba ngày để có giấy phép thành lập liên doanh. Tôi nói cho ông biết, riêng đi khai và làm các thứ thủ tục phải mất cả tuần.
Trương nói thủng thẳng:
- Việc nhiều thời gian hay ít thời gian còn phụ thuộc vào người đi xin giấy phép ấy là ai. Sao các ông làm luật sư bao nhiêu năm rồi mà vẫn cứ tin vào những chuyện vớ vẩn ấy nhỉ?
Vũ nói:
- Tôi nói thật với ông, làm những thứ này nếu nhanh lắm thì cũng phải mất một tuần. Một tuần ấy là nếu mọi sự hết sức suôn sẻ đấy. Chứ đâu có phải ào một cái là làm ngay được.
Trương xua tay:
- Nếu như tôi làm xong trong ba ngày được thì ông làm sao? Được rồi. Ông đứng ra ngoài cuộc vụ này, tôi làm ba ngày cho ông xem.
Luật sư Vũ nói:
- Ông nói như thế thì chịu rồi. Thôi được, tôi với anh Hân sẽ xắn tay áo vào làm việc này. Anh em chúng tôi sẽ chia việc để làm. Nhưng tôi hỏi ông, nguyên tắc liên doanh là như thế nào?
Trương nói dằn từng tiếng:
- Các ông muốn bày vẽ liên doanh kiểu gì thì bày vẽ, muốn làm thế nào thì làm. nhưng liên doanh đó, phía thằng Bình có muốn lật lọng cũng không thể lật được. Thứ hai là, nếu thằng Bình bị bắn hay bị tù lâu năm, chung thân chẳng hạn thì lô đất đấy thuộc về chúng ta. Đấy, yêu cầu là như vậy.
Quynh nói:
- Nếu anh đặt điều khoản như thế thì sợ công ty người ta xì xèo. Cũng khó.
Trương quắc mắt nhìn Quynh và bảo:
- Ông này hay nhỉ? Sao tôi nói chưa xong mà ông đã cãi xong là thế nào? Quan điểm của tôi về công ty liên doanh như thế. Ông nào không làm được thì cứ bảo tôi. Thôi, uống đi. Hôm nay tôi cũng hơi bức xúc nên nói hơi có vẻ mặn lời. Các ông thông cảm nhé.
Mọi người nâng chén rượu nhưng không ai vui vẻ uống.
Luật sư Hân nói:
- Nếu như trong ba ngày xong liên doanh. Tất cả mọi thứ xong xuôi, có thể khai trương, ra mắt một liên doanh mới thì anh chi cho chúng tôi bao nhiêu?
Trương bảo:
- Theo tôi biết, nếu như mở công ty mới, công ty cổ phần mà không có rắc rối gì về mặt pháp lý thì hình như hết năm triệu. Tất nhiên là phải mất cả tuần, mười ngày mới xong được giấy phép vì còn khai thuế, xin con dấu. Tôi trả gấp mười lần. Năm mươi triệu.
Vũ vừa đưa chén rượu lên miệng, bật cười sằng sặc và bảo:
- Ông này chẳng hiểu gì cả. Thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mới là việc khác. Thành lập công ty liên doanh lại khác. Bàn bạc góp vốn rồi đủ thứ chuyện. Phải xác nhận nọ, xác nhận kia, đâu phải một chốc một lát mà xong được, chúng tôi sẽ làm cho ông. Nhưng với mức giá gấp mười lần giá thông thường thì hơi khó đấy. Ông đòi hỏi rất gấp về thời gian và hơn nữa tôi nói thật, đây là loại việc đổi trắng thay đen. Sau này mà lộ ra, không khéo là bọn tôi cũng hết nghiệp làm ăn.
Trương nhìn hai ông luật sư bằng ánh mắt nửa khinh bỉ, nửa khó chịu.
Trương bảo:
- Hai bác cũng chắc thật. Lúc vui lên thì cứ nói tình cảm, thế nọ thế kia. Nhưng hóa ra nghề luật sư của các bác đúng là nghề “Đồng tiền là tiên, là phật”.
Vũ thủng thẳng:
- Ừ thì đúng thế. “Đồng tiền là tiên, là phật”. Ai bây giờ chẳng cần tiền. Ông cũng nhờ chúng tôi để kiếm tiền, mà tôi cũng nhờ ông để kiếm sống. Thôi thì chúng ta cùng “một đồng, một cốt” với nhau cả. Thôi được rồi, coi như là thỏa thuận nhé. Trọn gói liên doanh là một trăm triệu.
Trương hất hàm hỏi:
- Các ông đồng ý chưa?
Vũ và Hân nói:
- Được, chúng tôi sẽ làm. Nhưng mà phải bắt đầu làm ngay từ tối nay. Các ông phải cho chúng tôi toàn bộ thông tin.
***
Tối hôm đấy, tại nhà bà Ất.
Bà Ất ngồi với Thu Ngân và Thu Tiền.
Bà Ất nói:
- Này, thế hai chị em có nhận được tin con Linh đẻ như thế nào không?
Ngân nói:
- Chúng con cũng chẳng biết bà ấy đẻ ở đâu nữa. Không biết là ở Hà Nội hay là sang Singapore. Con có nhờ anh Túc hỏi thì anh ấy nói ngày hôm đấy trong chuyến bay đi Singapore không có hành khách nào tên như thế cả. Thế thì chắc là đẻ ở bệnh viện nào đó ở Hà Nội thôi.
Bà Ất thở dài rồi nói:
- Đúng là thằng Bình bất hạnh quá. Khổ thân nó. Bây giờ con vợ nó như thế này thì không hiểu sau này con cái ra làm sao. Còn trông mong gì được nữa.
Ngân bảo:
- Mẹ ạ, thôi thì số phận anh Bình chẳng biết thế nào. Nhiều người nói với mức tội này của anh ấy thì có khi họ sẽ tuyên đến tử hình. Nếu mà như thế thì con Linh nó lấy mất hết cơ nghiệp.
Bà Ất nói:
- Mẹ có linh cảm con Linh nó đẻ xong nó cũng không nuôi con nó đâu. Dù thế nào thì nó cũng là dòng giống nhà mình. Các con vận động nó để cháu lại, bà nuôi, còn nó đi đâu thì đi.
Thu Tiền nói:
- Mẹ ạ, cũng khó đấy. Bởi vì nói gì thì nói, chị ấy cũng phải biết xót con chứ.
Bà Ất bảo:
- Cái thứ đàn bà mặt mỏng quẹt như thế, môi lúc nào cũng mím chặt lại, mắt thì liếc ngang. Loại đấy làm sao mà biết thương con. Thôi, chúng mày nghe mẹ. Nó đẻ xong, chúng mày xem ở đâu, trai hay gái gì cũng được, bảo nó mang về đây mẹ nuôi. Nếu như để đứa con ở với nó, rồi sau này con bé lớn lên cũng bất hạnh.
Thu Ngân nói:
- Ý mẹ cũng phải. Để con đi tìm mụ ấy.
Vừa nói đến đó thì có tiếng chuông gọi cửa.
Bà Ất ngạc nhiên hỏi:
- Sao giờ này lại có ai đến nhỉ?
Thu Ngân nói:
- Đến vào giờ này chắc chỉ có chị Chung thôi.
Ngân chạy ra mở cửa, quả nhiên thấy Chung đứng ở ngoài chờ.
Ngân nói:
- Sao chị đến muộn thế?
Chung thở dài và bảo:
- Ừ, chị có mấy việc muốn đến nói chuyện với mẹ và các em.
Chung vào nhà.
Bà Ất tự tay rót nước và bảo:
- Cháu uống nước đi. Mấy hôm nay lại vẫn chạy lo việc của thằng Bình phải không?
Chung nói:
- Dạ, vâng ạ.
Rồi Chung nói tiếp:
- Cháu đã tìm được luật sư rồi ạ. Đó là bác Lương. Cũng may bác Lương cũng là luật sư được tòa chỉ định bào chữa cho anh Bình, vì anh Bình dứt khoát không chịu mời luật sư bào chữa.
Bà Ất nói:
- Nếu như là luật sư mà tòa chỉ định thì chắc là chán lắm. Họ cũng bào chữa cho lấy lệ thôi.
Chung nói:
- Nhưng mà bác luật sư này lạ lắm. Hôm nay cháu làm việc với bác ấy. Bác ấy làm việc rất cẩn thận, mà cháu thấy bác ấy có trách nhiệm lắm.
Ngân bảo:
- Ông luật sư nào lúc đầu chẳng có trách nhiệm, ông nào chẳng bảo mình là phải bảo vệ thân chủ, mới lại giảm nhẹ tội. Ông ấy đòi bao nhiêu tiền hả chị?
Chung nói:
- Bác ấy không đòi tiền. Bác ấy bảo đã có tiền bồi dưỡng của tòa cho việc bào chữa cho anh Bình rồi. Còn sau này gia đình bồi dưỡng thế nào thì bồi dưỡng. Bác ấy không đòi hỏi. Nhưng mà lạ lắm.
Bà Ất hỏi:
- Cháu bảo lạ là sao?
Chung nói:
- Lạ là vì cháu thấy hỏi bác ấy hỏi các mối quan hệ của anh Bình trước đây chứ không hề nói đến chuyện anh Bình giết người như thế nào.
Bà Ất nói:
- Thôi thì cũng chẳng biết thế nào. Việc này bác trông cậy cả vào cháu. Nếu số thằng Bình may mắn thì nó thoát chết, chứ còn tù thì không thể thoát được rồi.
Chung nói:
- Nhưng cháu lại có linh cảm anh ấy thoát tù đấy ạ.
Bà Ất bảo:
- Sao cháu lại tin như thế?
Chung nói:
- Bởi vì cháu biết anh ấy vô tội. Tòa này xử anh ấy tù thì còn có tòa cao hơn. Tòa cao hơn xử mà anh ấy vẫn có tội thì có tòa cao hơn nữa. Cháu không tin là có thể đổi trắng thay đen được tất cả mọi việc.
Chung ngồi nói chuyện một lát với gia đình rồi về. Bà Ất đi ra tận ngoài cổng tiễn Chung rồi quay lại bảo với con gái:
- Khổ. Số thằng Bình đúng là chẳng ra sao. Người tử tế thì không lấy, đi dính vào cái con người mẫu. Nó mà được người vợ như cái Chung có phải hay không?
***
Buổi sáng, Trương đang ngồi ở phòng làm việc thì có điện thoại. Trương nhìn số máy thấy lạ.
Trương nhấc máy lên nói:
- Alô, tôi nghe đây. Ai gọi tôi đấy ạ?
Tiếng thẽ thọt từ đầu dây bên kia:
- Anh quên em rồi à? Em Thúy Vy đây.
Trương nói:
- Chào em. Đang ở đâu mà lại gọi cho anh?
Vy nói:
- Thì… làm chứng cho các anh xong, các anh cho ít tiền, bây giờ em phải dạt vào Sài Gòn. Nhưng mà căng lắm anh ạ, em phải ra thôi.
Trương bảo:
- Sao? Hồi đấy em bảo em sẽ đi sáu tháng mà. Sao phải ra sớm thế?
Vy nói:
- Nói thật với anh, em vào trong này chỉ có mấy đồng bạc các anh cho. Em cũng định làm ăn ở trong này nhưng không được, lại bị nó cướp mất gần hết. Thôi, em phải ra ngoài đấy. Có gì còn bám ông, bà bô. Chứ ở trong này chắc là chết đói.
Trương hiểu ngay ra vấn đề. Gã dằn giọng nói:
- Ý cô em là muốn bọn anh bơm thêm tiền chứ gì?
Vy nói:
- Anh chỉ được cái thông minh. Em đã nói thế đâu mà anh đã đoán ra như vậy?
Trương bảo:
- Thôi, úp mở làm gì lằng nhằng thế. Có phải là cần bọn anh đưa thêm tiền không?
Vy ngập ngừng:
- Vâng, nói thật với anh, em định mở một cửa hiệu cắt tóc, chăm sóc sắc đẹp ở trong này. Em định góp vốn với mấy người bạn nhưng mà căng quá. Thôi, anh giúp cho em thêm một ít nữa. Em hứa với anh là em sẽ biến hẳn khỏi mắt anh, không bao giờ để anh nhìn thấy nữa.
Trương bảo:
- Thôi được rồi, để anh tính đã. Có gì anh sẽ bảo đệ tử chuyển tiền cho em.
Tiếng của Vy nói với vẻ mừng rỡ:
- Anh ạ, không cần phải bảo. Đằng nào ngày mai em cũng bay ra Hà Nội rồi. Xong rồi em sẽ về, có gì anh giúp cho em.
Trương ngạc nhiên:
- Em ra Hà Nội làm gì?
Tiếng của ả nói đong đưa:
- Em ra để qua Trung Quốc mua hàng. Mua ở trong này đắt lắm. Thôi thì cứ mua dao kéo, đồ trang điểm của Tàu cũng được.
Trương bảo:
- Được rồi. Nếu thế thì bao giờ ra, về đây thì báo cho anh biết. Mà này, em nói cụ thể xem em cần bao nhiêu?
Ả khẽ thở dài:
- Thôi thì tùy anh. Anh giúp em được bao nhiêu thì anh giúp. Chứ còn việc em ra làm chứng đểu cho anh thì cũng sòng phẳng rồi.
Trương nghiến răng:
- Sao em cứ nói lằng nhằng thế? Nào, bây giờ em cần bao nhiêu? Hay là nói cách khác, anh phải trả cho em bao nhiêu để em không bao giờ quấy rầy anh nữa?
Tiếng của Vy:
- Em xin anh năm ngàn đô có được không?
Trương bảo:
- Năm ngàn đô? Này cô em, cô em nghĩ tiền của anh là vỏ hến đấy à? Có mỗi ra khai vấy vá một tí đã nuốt của người ta gần một trăm triệu rồi. Bây giờ lại thêm năm ngàn đô nữa. Thôi, anh cho cô một ngàn nữa. Nhận thì nhận, không nhận thì biến.
Tiếng của Vy đanh đá:
- Khiếp, đàn ông các anh… Làm gì mà keo kiệt đến thế. Thôi được rồi, tùy anh. Còn một ngàn thì em chẳng lấy làm gì. Hai chục triệu bạc.
Trương bảo:
- Thôi nhé, chỉ có một ngàn thôi.
Vy cũng không vừa:
- Được rồi, tùy anh thôi. Nếu em không đi được hẳn vào trong kia thì em nói thật với anh, đến lúc tòa xử thì kiểu gì cũng lôi em ra làm chứng. Mà bố mẹ em, các em em còn ở đấy thì làm gì nó chẳng biết em đang ở cái xó nào ở đất nước này. Đến lúc tòa ra lệnh cho công an lùng em về làm chứng bằng được, em phải khai ra thì chẳng hay ho gì.
Nghe giọng ả, Trương biết ngay ả dọa dẫm. Tự nhiên, một ý nghĩ lóe lên trong đầu Trương. Trương đổi giọng:
- Khiếp, cô em khiếp quá. Hóa ra bây giờ cũng biết khống chế bọn anh rồi đây. Thôi được rồi, anh chấp nhận. Em ra đây rồi qua anh lấy tiền nhé. Cho hẳn năm ngàn. Nhưng chỉ có lần này thôi nhé, lần sau là không có nữa đâu.
Vy mừng rỡ:
- Có thế chứ. Cứ ok ngay từ đầu có phải anh em mình giữ được tình cảm không. Thôi được rồi, lúc nào em ra. Anh cứ chuẩn bị sẵn ở đấy, có thể em sẽ đến bất chợt đấy.
Trương bảo:
- Em đến lúc nào cũng đươc. Anh tiền nhiều thì ít, nhưng tiền ít thì khối.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 09/06/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân