Ông Lương nói nhẹ nhàng: Suốt tháng vừa rồi bác ốm, không theo dõi được tình hình. Bây giờ có vụ án của tay Phạm Bình, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh sắp bị tòa đưa ra xét xử với tội đưa hối lộ, trốn thuế, giết người. Nghe nói gần đây báo chí có nhiều bài viết về Phạm Bình. Cháu tập hợp tất cả những bài viết đấy, cả trên báo giấy và báo điện tử, in ra đây cho bác.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 65)
Tại trụ sở Công ty Hưng Thịnh, hôm nay diễn ra một cuộc họp có đầy đủ tất cả các thành viên trong Ban Giám ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 64)
Bình thẫn thờ như người mất hồn và quay vào buồng giam. Lúc này, Bình nằm suy tính lại và chợt nghĩ đến mảnh giấy ... |
Cô nhân viên nói:
- Dạ, vâng ạ. Cháu sẽ làm ngay.
Cô nhân viên đi xuống rồi nói với hai nhân viên khác:
- Bác Lương cần tìm gấp những bài báo viết về Phạm Bình. Tôi sẽ đi lùng tìm những báo giấy đã viết bài về Phạm Bình. Còn hai bạn tìm trên báo mạng và in ra hết cho tôi.
Một cô nhân viên cười và bảo:
- Ối giời. Nếu mà đếm những bài báo viết về Phạm Bình bây giờ thì có hàng trăm.
Cô nhân viên kia, dáng chừng là người phụ trách nói:
- Hàng trăm càng tốt. Khi bác Lương đã yêu cầu, chắc là có chuyện không bình thường.
Ở trên tầng hai, ông Lương ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Ông đọc đi đọc lại lá thư. Ông suy nghĩ:
Mình làm luật sư đã gần năm mươi năm, đây là lần đầu tiên nhận được một lá đơn xin bào chữa lạ lùng như thế này. Nhưng rõ ràng, đọc lá đơn này thấy rằng, người này muốn tìm người bào chữa bằng cả tấm lòng của họ chứ không phải tìm người bào chữa như những vụ án thông thường với mục đích để giảm nhẹ tội.
Nghĩ đến thế ông lấy điện thoại gọi cho Chung.
Lúc này, Chung đang ngồi với Thúy ở một quán cà phê.
Chung nói chuyện với Thúy. Không hiểu hai người trước đó đã nói gì nhưng chỉ thấy Chung bực dọc:
- Chị ạ, em không ngờ con Linh lại mưu mô đến như thế. Không hiểu rồi tới đây cơ nghiệp của anh Bình sẽ đi đến đâu.
Thúy nói:
- Hôm nọ chị cũng đã trao đổi với anh Thiều. Anh ấy nói anh ấy cũng cảm thấy rất nhiều điều không bình thường trong vụ án này. Nhưng đằng sau nó là cái gì? Ai giật dây vụ án này thì anh ấy cũng chưa nhìn thấy. Và hơn nữa, có một vấn đề rất khó cho mọi người bây giờ. Đó là chứng cứ Bình giết người lại dồn cho Bình quá nhiều. Chứng cứ khép tội cho Bình nặng nề nhất, khó lý giải nhất, đó chính là Bình đã nói với vợ phải giết thằng Hoàng.
Chung bảo:
- Chị lạ gì cách ăn nói của người mình. Cáu lên thì chửi bới, rồi nói bạt mạng rằng tao giết nó, tao chém nó. Thế nhưng muốn thực hiện được âm mưu như thế thì phải có mâu thuẫn gì đó sâu sắc lắm và không thể kìm nén được.
Thúy bảo:
- Thì đúng là như vậy. Hiểu trong thâm tâm là như vậy. Nhưng nói chuyện luật pháp, nói chuyện tòa thì người ta bảo án tại hồ sơ. Bây giờ không có chứng cứ gỡ tội cho anh ấy thì khó lắm. Mà chị linh cảm rằng có một thế lực đang muốn đẩy anh ấy vào chỗ chết.
Chung nói:
- Mấy ngày nay em đến nhà mẹ anh Bình chơi, thấy khổ quá. Chị Ngân thì người yêu là công an bỏ vì biết anh Bình sẽ bị án nặng, mà như thế thì tổ chức sẽ không cho cưới. Thằng Triệu thì từ ngày anh bị bắt, buồn phiền, đâm ra chơi bời, lêu lổng và bây giờ nghiện hút. Còn cái Tiền đang học đại học cũng buồn chán, rồi bỏ luôn. Mẹ anh Bình thì ốm lên ốm xuống vì thương con và uất ức với con dâu.
Chung nói đến đây rồi bỗng nhiên trong ánh mắt cô lóe sáng.
Cô bảo:
- Chị ạ, em vẫn không tin là anh Bình giết người. Em sẽ tìm ra sự thật.
Thúy nhìn Chung ngạc nhiên và bảo:
- Trời ạ, sao em dám nghĩ đến việc như thế? Em tưởng tìm ra sự thật của một vụ việc như thế này là đơn giản lắm sao? Em lại là thân gái, làm sao mà có thể đủ sức mà tìm ra được.
Chung nói:
- Em sẽ nghĩ cách. Chị có thể giúp em được không?
Thúy thừ người ra, nghĩ hồi lâu rồi bảo:
- Chị cũng muốn tìm ra sự thật vụ này, nhưng mịt mù quá.
Rồi bỗng nhiên Chung cười và bảo:
- Kể ra anh Bình ngày xưa cứ nghe lời em thì đâu đến nỗi.
Thúy hỏi:
- Em khuyên gì anh ấy mà lại là nghe lời em?
Chung bảo:
- Nghe lời em là hồi đấy bán quách số đất ấy cho thằng Trương. Thế là xong.
Thúy bảo:
- Anh Bình không bán cũng là có lý của anh ấy. Bởi đàn ông người ta có sĩ diện chứ. Bây giờ lại bị một thằng ép buộc bán như thế, đâu có phải người ta chịu.
Vừa lúc đấy, có tiếng chuông điện thoại của Chung.
Chung nhìn số máy rồi nói:
- Alô, tôi Chung xin nghe.
Luật sư Lương nhẹ nhàng:
- Chào cháu Chung. Bác là luật sư Lương đây.
Chung “à” lên một tiếng rồi giấu máy xuống và thầm thì nói với Thúy:
- Chị ạ, luật sư Lương gọi.
Chung nói tiếp:
- Thưa bác, cháu nghe đây ạ.
Tiếng ông Lương:
- Bác đã đọc lá đơn của cháu rồi. Bác nói thật, chưa bao giờ bác thấy có một lá đơn kỳ lạ như thế. Nhưng thôi, bác biết là cháu đã viết lá đơn ấy trong tâm trạng như thế nào và cháu mong muốn như thế nào. Bây giờ thế này, đúng là bác đã nhận được đề nghị của Tòa án Nhân dân tỉnh mời bác làm luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Phạm Bình chưa nhận lời. Bây giờ có lá đơn của cháu thế này, bác đồng ý sẽ làm luật sư bào chữa cho Phạm Bình. Bây giờ cháu phải giúp bác.
Chung mừng rỡ nói:
- Dạ thưa bác, nếu có thể giúp bác được việc gì, cháu xin sẵn sàng. Cháu cũng muốn hỏi bác, bác bào chữa cho anh Bình như thế này thì chi phí hết bao nhiêu để cháu chuẩn bị.
Luật sư Lương lắc đầu và nói:
- Chắc là mấy hôm nữa bác sẽ vào trong trại giam để gặp Bình. Bây giờ bác muốn gặp cháu để trao đổi trước một số việc, đặc biệt là nắm bắt thông tin. Suốt thời gian vừa rồi bác nghỉ ốm không quan tâm gì đến vụ án này. Còn về chi phí bào chữa thì cháu thấy đấy, bác là luật sư được chỉ định bào chữa cho nên kinh phí bào chữa sẽ do tòa thanh toán. Cháu và gia đình nhà Phạm Bình không phải trả chi phí đó.
Chung nói:
- Bác ạ, về chuyện chi phí bào chữa, bồi dưỡng cho bác, bác không phải lo. Ngoài tiền của tòa, cháu sẽ gửi bác.
Ông Lương cười:
- Đọc đơn của cháu, bác thấy đó vừa là đơn, vừa là thư. Trong đấy lý thì ít tình thì nhiều và bác có cảm giác cháu viết lá đơn đó là vừa viết vừa khóc. Thế mà bây giờ cháu lại nói với bác là cháu đưa cho bác nhiều tiền. Thôi, chuyện tiền nong, kinh phí thì cứ để đấy bàn sau. Còn bây giờ cháu cứ đến đây đã.
Chung nói:
- Dạ vâng ạ, lát nữa cháu sẽ đến ngay.
Chung tắt máy quay sang nói với Thúy:
- Em thiếu tế nhị quá. Bác ấy tử tế như thế mà mình lại đặt vấn đề tiền nong sống sượng quá.
Thúy nói:
- Ừ. Kể ra cũng không nên nói lúc này. Nhưng thôi, bác ấy đã có lòng như thế thì em phải đến gặp ngay.
Rồi Thúy lại hỏi:
- Nhưng đến gặp bác ấy thì em sẽ nói gì? Em minh oan gì cho Phạm Bình?
Chung nói:
- Em chỉ có thể nói được anh ấy là người tốt và anh ấy không giết người.
Thúy bật cười và bảo:
- Nếu chỉ lấy cảm nhận của em Phạm Bình là người tốt ra để gỡ tội thì đâu có được. Vấn đề bây giờ là em phải tìm ra được những điều bất hợp lý, những điều không logic trong vụ án đấy. Bây giờ thế này, chị em mình cùng ngồi bàn tính với nhau những điểm không hợp lý trong vụ án này, xem nó là thế nào.
Vừa nói đến đấy thì Thúy lại có điện thoại. Thúy nhìn số thì thấy số máy của Tổng biên tập. Thúy nhấc máy.
Tiếng của Tổng biên tập Tuân gay gắt:
- Này cô Thúy, hơn một tuần nay tôi không nhìn thấy một chữ nào của cô. Cô có định làm việc nữa hay không?
Tiếng của Thúy lạnh lùng:
- Báo cáo anh, tôi là phóng viên theo dõi nội chính gần hai mươi năm rồi. Đùng một cái anh bắt tôi sang phóng viên viết văn hóa, xã hội thì cũng phải để cho tôi có thời gian học tập chút chứ.
Tiếng Tổng biên tập Tuân nhẹ nhàng hẳn:
- Thôi, thôi. Cô về tòa soạn ngay đi. Tôi vừa quyết định cô lại trở lại làm phóng viên viết nội chính rồi.
Thúy cười khẩy và bảo:
- Ấy chết, sao Tổng biên tập vừa ký giấy chuyển tôi sang Ban Văn hóa, Xã hội chưa ráo mực lại chuyển tôi về Nội chính. Thế là thế nào?
Tiếng ông Tuân:
- Thôi, thôi. Việc điều chuyển rất đơn giản. Cô đừng nghĩ nữa. Mấy hôm nay phần nội chính không có cô nhạt hoen hoét ấy. Không ai chịu được. Thôi, cô về tiếp tục làm mảng đó cho tôi.
Thúy cao giọng:
- Anh ạ, bây giờ tôi đồng ý về lại Ban Nội chính. Nhưng tôi có điều kiện, nếu anh đồng ý thì tôi chấp nhận.
Tiếng ông Tuân nói:
- Cô có điều kiện gì?
Thúy bảo:
- Điều kiện của em là em sẽ viết tất cả những mảng liên quan đến pháp luật, nhưng là các vụ khác. Vụ Phạm Bình em không viết.
Ông Tuân hỏi:
- Tại sao cô lại không viết?
Thúy nói:
- Việc này anh đã giao cho ông Hoan rồi, em không đụng vào nữa.
Tiếng ông Tuân:
- Được rồi. Cô không viết nữa cũng được. Nhưng mà vụ này mà không phải tay cô viết thì tôi nghĩ khó hay lắm.
Thúy bảo:
- Sẽ có lúc tôi viết về vụ này nhưng không phải bây giờ. Và đó còn là một vụ án hay nữa đấy anh ạ. Chỉ có điều lúc đấy anh có dũng cảm để đăng hay không thôi.
Ông Tuân nghe mà ngạc nhiên quá. Ông hỏi lại:
- Sao? Cô nói thế là sao? Chẳng lẽ tay Phạm Bình oan à?
Thúy nói:
- Oan hay không cũng chưa biết. Nhưng thưa Tổng biên tập, em biết trong vụ án này có nhiều uẩn khúc. Thôi được rồi. Em xin chấp hành lệnh trở về Ban Nội chính.
Ông Tuân mừng rỡ:
- Đúng rồi. Thôi, ngày mai cô phải ra tay giúp tôi về trang nội chính. Chứ không thì gay lắm. Bây giờ có mấy việc cô cần phải để tâm đến, có mấy đề tài này.
Thúy hỏi:
- Anh bảo đề tài gì ạ?
Tiếng ông Tuân:
- Hiện nay tình trạng học sinh bỏ nhà đi bụi nhiều quá. Chúng gây án, trộm cắp, chích hút. Cô sang làm việc, tìm hiểu tình hình và viết cho tôi một phóng sự về việc này. Thứ hai là ở trên lâm trường Thanh Hà, nghe nói là có chuyện cán bộ lâm trường giao đất cho dân nhưng dân không trồng rừng, cây cối đem chặt sạch để bán và bây giờ đua nhau đi trồng cao su.
Thúy hỏi:
- Sao? Tưởng chủ trương trồng cao su là chủ trương lớn của tỉnh? Sao anh lại có ý kiến khác.
Tiếng ông Tuân:
- Đúng là một chủ trương lớn của tỉnh. Nhưng mà trồng cao su kiểu này thì phá hết rừng, không còn gì nữa và đi sai với chỉ thị của Chính phủ. Chỉ thị của Chính phủ chỉ là trồng cao su ở nơi không trồng được cây gì khác và không phải là rừng đầu nguồn. Nhưng đây họ phá sạch. Thôi, cô đi về làm điều tra cho tôi về việc này. Thế nhé. Ngày mai tôi mong nhận được ý kiến mới của cô.
Ông Tuân buông máy.
Thúy quay sang nói với Chung:
- Thế là cuối cùng ông ấy cũng biết ông ấy sai. Bây giờ chị em mình cùng ngồi tính xem cái gì không logic trong vụ án này.
Hai người ngồi thừ ra một hồi lâu rồi Chung gãi đầu và bảo:
- Chị ạ, em chẳng phát hiện ra được gì ngoài hai việc.
Thúy nói:
- Việc gì?
- Thứ nhất, em không tin là anh Bình có bồ bịch với con người mẫu Vy nào đó. Vì mấy năm trời em có thấy anh ấy đi với đám ấy đâu. Mà nói thật với chị nhé, em là kế toán trưởng, tiền nong của anh ấy như thế nào em biết hết. Mà tiền để cho một con người mẫu thì không phải là ít. Anh ấy chỉ tiêu nhiều tiền khi dính vào con Linh thôi. Còn chuyện bảo anh ấy đi hối lộ. Nói thật với chị, làm doanh nghiệp bây giờ mà không biết đưa tiền biếu xén các quan chức thì làm thế nào được. Cái gì bây giờ chẳng là tiền. Chị biết không, có được một dự án thì đúng phải nói là tiền rải như lót đường. Làm gì có chuyện người ta cấp cho mình dự án nọ, dự án kia mà lại không có tiêu cực, không có tiền. Chỉ có điều là nhiều khi người ta làm cho mình, xong xuôi đâu đấy rồi mình cảm ơn người ta. Đó là chuyện khác. Còn chuyện phải dùng tiền đưa cho họ để ép họ làm cho mình thì mới là chuyện cần phải bàn. Em làm với anh Bình em biết, cũng có những lúc anh ấy phải làm như vậy. Ví dụ như hồi anh ấy làm chung cư ở đường vành đai III. Hồi đấy, nếu như không mang đi hối lộ cỡ độ khoảng năm trăm nghìn đô thì chẳng ai ký cho anh ấy xây dựng khu chung cư ấy. Chị bảo xây năm tòa chung cư, mỗi tòa mười tầng là bao nhiêu tiền? Vụ đấy anh ấy lãi to lắm. Xây xong nhà đúng lúc lên cơn sốt nhà. Mỗi ngày tiền về công ty mà em thấy hoa cả mắt. Có ngày về hơn năm chục tỷ. Người ta bảo làm có lãi đến gấp đôi lãi suất ngân hàng là ghê rồi. Nhưng hồi đấy làm chung cư, lãi gấp bốn lần lãi suất ngân hàng thì sao mà không giàu? Làm được nhiều như thế cũng phải chia sẻ người này, người khác.
Thúy nói với Chung:
- Hai lý do đấy của em chẳng có ý nghĩa gì. Bây giờ phải xác định được, ông Bình nói với con Linh đe giết thằng Hoàng là nói trong hoàn cảnh nào, tâm trạng như thế nào? Thứ hai, là có nghe nói rằng hôm đấy một cảnh sát nói lúc dẫn Phạm Bình về thì Phạm Bình vẫn còn đang say. Nhưng mà cảnh sát đó là ai? Tên tuổi như thế nào? Ở đội nào? Làm gì? Phải tìm cho ra. Hai việc đấy chị em mình phải tính. Còn trông mong luật sư cãi cho mình những thứ đấy thì khó lắm. Bây giờ em cứ đi đến chỗ luật sư rồi chị em mình sẽ lại trao đổi với nhau sau.
***
Đại tá Hường ngồi trong phòng làm việc, nét mặt vẫn hầm hầm biểu lộ sự bực tức. Ông bấm chuông gọi anh thư ký sang. Anh sĩ quan đeo cấp hàm thượng úy là thư ký của Đại tá Hường chạy vào.
Anh lễ phép:
- Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng gọi em ạ?
Ông Hường nói:
- Cậu làm ngay cho tôi một văn bản gửi giám thị trại giam, yêu cầu báo cáo tường tận, chi tiết tại sao lại có việc ai đó mang thông tin về việc cái Linh kể chuyện thằng Bình muốn giết thằng Hoàng cho thằng Quynh Kova và bây giờ thằng Quynh nộp cho công an. Lộ thông tin như thế này thì bằng giết người ta rồi còn gì nữa.
Anh thượng úy thư ký đều đồng thanh:
- Dạ, báo cáo anh, em sẽ làm ngay ạ.
Anh ta đi ra rồi lại quay lại hỏi:
- Dạ, thưa anh, có cần phải yêu cầu hạn ngày báo cáo không ạ?
Ông Hường nhíu mày nói:
- Cho đơn vị ba ngày phải báo cáo. Mà ba ngày là còn chậm đấy. Việc đó lẽ ra chỉ cần nửa ngày là xong.
Anh thư ký vừa đóng cửa phòng thì có tiếng chuông điện thoại di động của Đại tá Hường. Ông cầm máy và nhận ra số máy ông Quất, giám thị trại giam.
Tiếng ông Quất:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã tìm ra người cung cấp thông tin cho Phạm Bình rồi ạ.
Ông Hường nói như quát:
- Thế à? Thằng nào mà làm ăn như thế? Nó ở ngoài hay là công an?
Tiếng ông Quất:
- Báo cáo anh, đó là Đội trưởng Đội Quản giáo buồng giam tử tù.
Ông Hường nói:
- À, tôi biết cậu ấy rồi. Nó lấy đâu ra thông tin?
Ông Quất nói thong thả:
- Báo cáo anh, thông tin về chuyện thằng Quynh Kova ghi âm lời con Linh rồi mang nộp cho công an thì cả tỉnh đều biết. Có điều cậu quản giáo này chẳng hiểu thế nào lại thương thằng Bình. Thấy nó đọc những bài báo mà vợ nó nói thương xót, những bài báo ca ngợi con Linh thì chẳng hiểu thế nào cậu ấy cho rằng thằng Bình bị vợ lừa. Thế nên cậu ấy mới nói cho thằng Bình biết.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngày đăng: 06:00 | 08/06/2018
Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân