Trong phòng giam, Bình đang ngồi thiền và nhớ lại cảnh hôm qua Linh khóc lóc. Bình tự nói với chính mình: Đến phút hoạn nạn như thế này mới thấy vợ mình bao giờ cũng là người thương mình nhất. Linh ơi, anh xin lỗi em. Bấy lâu nay cũng có lúc anh nghĩ không phải về em. Anh cũng đã nghi ngờ tình cảm của em đối với anh.

dac biet nguy hiem ky 63 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 62)

Bình cảm động nói với vợ: Thôi em, đừng khóc nữa. Gặp được nhau thế này là tốt rồi. Có lúc anh đã nghĩ không ...

dac biet nguy hiem ky 63 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 61)

Linh cố dịu giọng nói: Thôi thôi, chú Triệu. Chú đừng nói thế nữa đi. Thiên hạ người ta cười cho. Hình như chú uống ...

Linh nói:

- Công việc của tôi hoàn toàn do tổ giám sát của Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý. Chúng tôi làm bất cứ việc gì cũng phải qua tổ giám sát, kể cả ký hóa đơn một vài triệu.

Nữ phóng viên hỏi tiếp:

- Chị có cảm thấy việc đó gây khó khăn cho chị không? Làm giám đốc thì cần có quyền tự quyết.

Linh nói:

- Cá nhân tôi không cảm thấy có gì khó khăn cả. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã giúp đỡ công ty chúng tôi. Bởi vì tôi không có kinh nghiệm. Hơn nữa, một công ty lớn như thế này trong bối cảnh anh Bình đang bị bắt, việc có tổ giám sát theo tôi nghĩa là để giúp cho tôi làm việc tốt hơn và quản lý công ty chặt chẽ hơn.

Nữ phóng viên lại hỏi tiếp:

- Vậy chị nghĩ thế nào về bản án tới đây dành cho anh Bình?

Linh nói:

- Thú thật là bây giờ tôi rất hoang mang. Tôi cũng chưa biết sau này tòa sẽ xử cho anh Bình mức án như thế nào. Nhưng thưa các anh chị, dù là bản án như thế nào tôi cũng sẽ tiếp nối anh Bình điều hành tốt các công việc của công ty để khỏi phụ tình cảm của anh ấy. Tôi sẽ giữ đúng phẩm chất của người phụ nữ Á Đông là “nuôi con, thờ chồng”.

***

Ngày hôm sau, một loạt báo điện tử và báo giấy đều đồng loạt đưa tin về cuộc gặp của họ với Linh. Các tờ báo đặt những tít rất kêu “Tôi sẽ nuôi con thờ chồng” hoặc “Tôi sẽ chung thủy với anh Bình mãi mãi”. Lại có tờ báo đặt tít “Tâm sự của vợ một tử tù”.

***

Tại tòa soạn Báo Pháp luật Ngày nay, Tổng biên tập Tuân ngồi đọc một đống báo và nói với các cán bộ đang chuẩn bị họp giao ban:

- Đấy, các anh chị thấy chưa? Phóng viên họ nhạy không? Họ nắm bắt tin tức giỏi không? Trong khi ở báo mình như thế nào. Ngày hôm nay không có một bài nào. Thế là sao?

Trưởng phòng Hoan đứng dậy, lúng búng:

- Báo cáo anh, việc này anh giao cho phòng chúng tôi nhưng thú thật, hôm qua chúng tôi không nhận được tin tức gì về việc này. Chúng tôi không hiểu tại sao các báo khác lại có tin.

Tổng biên tập Tuân đập tay xuống bàn:

- Anh thì lúc nào cũng có lý do. Tôi biết anh chưa hết giờ đã có người này mời đi nhậu, người kia mời đi ăn. Anh có để tâm để trí vào công việc đâu.

Một cán bộ khác giơ tay phát biểu:

- Báo cáo Tổng biên tập, theo thông tin tôi nắm được thì, khi Linh vào thăm Phạm Bình ông Trương đã gọi điện cho vài tờ báo thân quen nói là đến chờ ở công ty để phỏng vấn cô Linh. Tuy nhiên ông ấy không gọi báo chúng ta vì ông ấy cho rằng báo chúng ta bấy lâu nay bênh vực Phạm Bình.

Ông Tuân cười khẩy, nhìn như xoáy vào mặt Thúy và nói:

- Điều này thì tôi biết. Đã có người ở trên tỉnh nói với tôi rằng, báo chúng ta đang muốn lật lại vụ án, định làm sai lệch hồ sơ, định đi ngược lại với cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng. Các anh, các chị phải nghĩ rằng, chúng ta “ăn cơm ai, mặc áo ai”. Bây giờ quan điểm cấp trên như thế mà báo chúng ta cứ hững hờ như thế này thì chẳng hiểu rồi người ta sẽ nghĩ về báo chúng ta như thế nào? Cô Thúy có thấy thế không?

Thúy cười nhạt và bảo:

- Tôi thì lại chẳng thấy thế. Đám đông đâu có phải sự thật. Ý kiến của nhiều người về một việc đâu chắc đã phải là chân lý. Việc này còn có tòa án phán xét. Tòa tỉnh rồi Tòa tối cao. Chưa biết thế nào đâu anh Tuân ạ.

Ông Tuân nhìn Thúy ngạc nhiên và bảo:

- Cô lạ thật. Đến giờ phút này mà cô vẫn còn nghĩ rằng tay Bình bị oan thì tôi chẳng hiểu nổi cô thế nào nữa. Thôi, từ nay cô không làm phóng viên theo dõi nội chính nữa. Cô chuyển sang làm phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp cho tôi.

Thúy mặt lạnh tanh nói:

- Tùy anh thôi. Tôi viết gì cũng được.

Nói xong Thúy đứng dậy, đi thẳng ra ngoài.

Tổng biên tập Tuân tái mặt, nói:

- Các anh, các chị thấy chưa? Bây giờ lại có thứ cấp dưới như thế này đây. Thôi được rồi, việc cô Thúy cứ để đấy. Thái độ vô kỷ luật và bất cần của cô Thúy hôm nay giúp tôi hiểu thêm nhiều vấn đề về kỷ luật ở cơ quan này. Hình như là các anh chị coi đây là cái chợ thì phải?

Mọi người nhốn nháo, ồn ào lên.

Một người nói:

- Làm gì mà anh cứ nói quá lời như thế? Chẳng qua cô Thúy bức xúc vì anh đột ngột bắt cô ấy đổi công việc nên cô ấy như vậy thôi.

Một phóng viên nữ đứng phắt dậy nói:

- Xin phép Tổng biên tập cho tôi được nói một câu.

Ông Tuân nói:

- À, cô Yên. Cô định nói gì thì nói đi. Nhưng mà cô nói ngắn thôi.

Nữ phóng viên Yên là một người phụ nữ cao, gầy, có nét mặt khắc khổ. Yên cũng nổi tiếng là một phóng viên đáo để ở tòa soạn.

Yên nói:

- Cô Thúy có phản ứng như vừa rồi cũng là giọt nước tràn ly thôi. Tôi thấy cách điều hành ở đây như thế này là không được. Tôi có cảm giác hình như Tổng biên tập muốn biến phóng viên thành công cụ cho mình. Tôi sẽ dẫn chứng những vụ việc mà chính Tổng biên tập giao chúng tôi đi điều tra chống tiêu cực rồi anh lại “đi đêm” với các doanh nghiệp, ngăn cản, không cho phóng viên đăng bài, không duyệt bài. Anh có cần tôi liệt kê ra không? Riêng trong mảng của tôi, năm vừa rồi là bốn vụ. Có vụ tôi đã mất công mất sức điều tra hai tháng trời. Tôi đã lấy đủ hết tài liệu. Cuối cùng bài tôi viết xong, báo chuẩn bị đưa lên khuôn thì anh lại bảo tôi rằng việc này tế nhị, cấp trên có ý kiến. Vậy cấp trên là ai? Nhưng sau đó tôi biết là để báo ta không đăng chuyện đấy, anh đã có hẳn một chiếc xe Camry.

dac biet nguy hiem ky 63

Tổng biên tập tròn mắt nói:

- Này cô Yên, sao cô có thể vu khống tôi như thế? Những lời cô nói, tôi có thể kiện cô ra tòa về tội cô vu khống.

Yên cười nhạt và bảo:

- Nếu vậy thì tôi sẽ chính thức làm đơn tố cáo anh về việc anh nhận hối lộ của các doanh nghiệp. Trong đó có vụ ôtô và hơn hai nghìn mét vuông đất. Còn cái ôtô, anh bảo rằng nó không dính gì đến việc đấy thì anh có dám đưa ra bằng chứng anh mua xe đấy bằng nguồn tiền nào không? Còn tôi, tôi có đầy đủ hóa đơn về cái ôtô đấy và cả văn bản của doanh nghiệp đấy nói rằng mua xe cho anh.

Tuân tái mặt và nói:

- Nếu cô có, cô cứ đưa ra đây. Còn nếu cô không có, cô phải chịu trách nhiệm về tội vu khống.

Yên cười nhạt và bảo:

- Tốt thôi. Các anh đừng nghĩ làm lãnh đạo muốn làm gì thì làm. Và các anh cũng đừng nghĩ phóng viên chúng tôi là bọn ngu, không biết gì.

Nói xong Yên cũng xách túi đi thẳng ra luôn.

Mọi người ngơ ngác khi thấy cuộc họp diễn ra theo chiều hướng hết sức bất ngờ.

Tuân nói:

- Nào, còn ai định tố cáo tôi điều gì nữa thì tố cáo nốt đi.

Một phóng viên đứng lên nói:

- Thưa anh, tôi xin có ý kiến.

Tổng biên tập chỉ vào cậu phóng viên và nói:

- Nào cậu Lưu, chắc cậu cũng có bằng chứng tôi ăn hối lộ của doanh nghiệp chứ gì?

Lưu nói luôn:

- Không. Tôi không có bằng chứng về việc anh ăn hối lộ, mặc dù tôi nghe rất nhiều thông tin về chuyện anh “đi đêm” với doanh nghiệp. Nhưng đấy là những thông tin tôi nghe được. Không có chứng cứ nên tôi không nói. Nhưng tôi có chứng cứ về việc Trưởng phòng Hoan ăn tiền của một doanh nghiệp. Mà cụ thể là ăn tiền của doanh nghiệp Lê Văn Trương để viết bài về vụ Phạm Bình.

Hoan đang ngồi thì nhảy dựng lên và nói:

- Láo. Mày nói láo.

Thế là cuộc họp nhào nhào lên.

Hoan xông đến và bảo:

- Tao đấm vỡ mồm mày.

Phóng viên Lưu ưỡn ngực thách thức:

- Có giỏi thì đấm đi. Mọi người chuẩn bị máy quay phim nhé. Cái clip này đưa lên báo mạng thì “câu viu” lắm đây.

Tổng biên tập Tuân gào lên:

- Thôi, tôi xin các người. Đến như thế này thì tôi cũng xin từ chức đi cho rồi. Hóa ra tòa soạn của chúng ta bây giờ như một cái chợ, các anh chị sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau”. Không còn ra thể thống gì nữa.

***

Trong phòng giam, Bình đang ngồi thiền và nhớ lại cảnh hôm qua Linh khóc lóc. Bình tự nói với chính mình:

Đến phút hoạn nạn như thế này mới thấy vợ mình bao giờ cũng là người thương mình nhất. Linh ơi, anh xin lỗi em. Bấy lâu nay cũng có lúc anh nghĩ không phải về em. Anh cũng đã nghi ngờ tình cảm của em đối với anh. Nhưng những giọt nước mắt của em hôm qua đã khiến anh thay đổi. Anh rất ân hận vì đã có những lúc nghĩ không phải về em. Anh rất thương em. Bây giờ bụng mang dạ chửa như vậy lại phải gánh vác cả công ty, lại phải lo nuôi mẹ chồng, chăm sóc các em. Như thế này anh biết ơn em nhiều lắm.

Bình đang đắm chìm trong suy nghĩ thì có tiếng mở cửa phòng giam. Anh quản giáo mở cửa và đặt trên giường Bình mấy tờ báo, rồi nói:

- Này, cậu đọc đi. Số cậu may đấy. Lấy được cô vợ tử tế quá.

Bình vồ lấy những tờ báo và đọc, rồi xem những tấm ảnh của Linh ngay trên trang nhất. Bình đọc ngốn ngấu từng tờ báo. Anh ôm những tờ báo vào ngực và nói:

- Đúng là trong hoạn nạn mới biết lòng nhau. Thôi, em đã có tình cảm với anh như thế này thì dù có bề nào anh cũng mãn nguyện.

***

Tại phòng họp của Giám đốc Công an tỉnh.

Hôm nay Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh cùng Ủy ban Kiểm tra của Bộ Công an và thanh tra xuống họp để làm rõ những vấn đề trong bản danh sách đen mà Trần Vũ khai. Trong đó, có Giám đốc Trần Thiều đã nhận tiền và quà biếu của Phạm Bình.

Đầu tiên ông Lãm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng của Đảng bộ tỉnh phát biểu. Ông nói:

- Thưa các đồng chí, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo Bộ Công an. Hôm nay, chúng ta với thành phần trong Thường vụ, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đại diện Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Công an Trung ương cần làm rõ một số vấn đề về đồng chí Trần Thiều. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung vào bản khai của bị can Trần Vũ. Theo như bản khai này thì đã có bốn lần Phạm Bình mang quà biếu đồng chí Thiều. Lần cao nhất là hai mươi ngàn đô. Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh, đây mới chỉ là lời khai của Trần Vũ. Mà các đồng chí biết đấy, lời khai của đối tượng thế này thì chúng ta chưa thể lấy làm cơ sở chắc chắn cả để xem xét kỷ luật, xử lý đồng chí của mình. Trước tiên chúng tôi muốn đồng chí Trần Thiều trình bày về việc này.

Đại tá Trần Thiều thong thả đứng dậy và nói:

- Thưa các đồng chí, thú thật là cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên về bản danh sách đen này. Trong đó có liên quan đến cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh và nhiều đồng chí cấp cao khác trong tỉnh và cả Trung ương. Chúng ta ai cũng biết rằng, hiện nay các doanh nghiệp muốn làm ăn phải tạo quan hệ. Và một trong những cách đó là phải tạo mối thân quen với các quan chức. Trong đó hình thức bằng quà biếu hay phong bì chúng ta chẳng lạ gì. Riêng đối với Phạm Bình, tôi có thể khẳng định với các đồng chí rằng, những số liệu, tiền nong Trần Vũ khai ở đây hoàn toàn là bịa đặt. Tôi có nhận quà biếu của Phạm Bình vào các dịp tết. Có năm thì vài chai rượu vang, năm thì ít gạo nếp dưới quê mang lên. Cũng có năm anh ta cất công về Hà Nội mua cho tôi một cây đào. Nhưng tiền thì chưa bao giờ có. Nếu các đồng chí kiểm tra và chứng minh được tôi nhận tiền của Phạm Bình thì tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật. Tôi biết, trong tình thế này tôi có nói gì các đồng chí cũng chẳng tin nên tùy các đồng chí điều tra, phán xét.

Một cán bộ của Ủy ban Kiểm tra cán bộ tỉnh phát biểu:

- Lãnh đạo tỉnh cũng đã đọc bản kiểm điểm của đồng chí Trần Thiều. Những lời phát biểu của đồng chí ngày hôm nay không khác gì so với bản kiểm điểm mà đồng chí đã gửi lên các cấp. Điều chúng ta phải làm rõ ở đây là sự thật về việc này như thế nào? Muốn có sự thật về việc này, ngoài sự thành khẩn của đồng chí Trần Thiều, nếu có thêm lời khai của Phạm Bình nữa thì tốt, càng chứng minh được rõ hơn. Chứ kiểm điểm như ngày hôm nay, như thế này thì nói thật với các đồng chí tôi thấy tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại làm như vậy. Chỉ dựa vào lời khai của một đối tượng mà yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, giải trình nọ kia. Thế là sao? Chẳng lẽ các đồng chí tin một đối tượng nằm trong tù hơn tin đồng chí mình? Tôi đặt một câu hỏi như thế này để các đồng chí xem xét. Ai dám đảm bảo rằng đối tượng Trần Vũ ở trong trại giam không bị bức cung, không bị nhục hình. Và để cho thoát khỏi chuyện đó, anh ta đã khai bậy khai bạ. Lời khai này cốt là làm vừa lòng người hỏi cung. Đã rất nhiều vụ án oan sai xảy ra trong những năm trước đây mà chúng ta đã được biết. Ở đây có các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh và các đồng chí đã làm công tác kiểm tra lâu năm. Các đồng chí quá biết những chuyện đấy. Đối tượng ở trong trại giam rất giỏi nắm bắt tâm lý của cán bộ điều tra. Vì thế chúng sẵn sàng khai ra những điều làm vừa lòng cán bộ điều tra. Bây giờ chúng ta dựa vào lời khai đấy để kiểm điểm đồng chí mình thì đã đúng hay chưa? Việc làm này thể hiện điều gì? Phải chăng chúng ta quá nóng vội? Tôi đề nghị các đồng chí cho dừng ngay buổi kiểm điểm này lại. Cần phải đấu tranh, hỏi cung tiếp Phạm Bình và cần phải có đối chất, có xác minh điều tra rồi mới làm. Không thể vội vã như thế này được.

Một sĩ quan mặc quân phục an ninh, đeo cấp hàm đại tá đứng lên từ tốn nói:

- Thưa các đồng chí, tôi là Lân, ở Ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tôi xuống dự buổi làm việc này và sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để có hướng xử lý tiếp theo. Hôm qua, tôi đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban. Chúng tôi cũng đã làm việc với Ban Chuyên án, đọc kỹ lại hồ sơ, các bản khai và quan điểm cá nhân của tôi là tôi đồng tình với ý kiến của đồng chí Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vừa phát biểu. Với tất cả tài liệu, chứng cứ mơ hồ như thế này mà đưa ra kiểm điểm đồng chí Trần Thiều thì tôi thấy là không thỏa đáng. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là dừng việc kiểm điểm này lại. Ủy ban Kiểm tra thành lập một tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan điều tra xác minh, làm rõ những vấn đề trong lời khai của Trần Vũ và phải tiếp tục đấu tranh với Phạm Bình, đồng thời tìm cách thu thập chứng cứ từ những người liên quan. Ví dụ, muốn chi tiền như thế thì phải qua kế toán, qua thủ quỹ. Người ta đã chi hàng chục nghìn đô như thế này thì phải có chứng từ. Ít nhất thì cũng phải có giấy đề xuất. Nếu đây là tiền của đối tượng Phạm Bình rút từ trong túi ra đi biếu xén thì là chuyện khác. Nhưng theo như anh Vũ nói thì đây là tiền của công ty. Công ty rút ra số tiền lớn như thế này thì không hề đơn giản.

Ông nói xong, mọi người đổ dồn mắt về phía Đại tá Hường. Đại tá Hường thấy tình hình không có lợi liền đứng lên phát biểu:

- Báo cáo các đồng chí, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo điều tra vụ án này, chúng tôi thấy việc đối tượng Trần Vũ khai là có thật. Đối tượng Trần Vũ khai trong hoàn cảnh hoàn toàn thoải mái, không bị bức cung, không bị nhục hình. Điều này các đồng chí có thể xác minh. Tuy nhiên, chúng tôi thấy nếu chỉ dựa vào lời khai của một mình Trần Vũ thì không đủ chứng cứ để kiểm điểm đồng chí Thiều. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đồng chí đại diện cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Bộ Công an là cần phải thành lập một tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra, cùng với cơ quan điều tra làm rõ việc này.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngày đăng: 06:00 | 05/06/2018

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân