Thủy Tiên vùng dậy, nhanh nhẹn đi đánh răng rửa mặt rồi mặc chiếc quần ống tuýp chật căng, chiếc áo sơ-mi màu xanh và buộc túm gấu áo, nom rất ngang tàng.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 5)
Ông Biểu chạy ra mở cổng. Từ ngoài ngõ, một cô gái dắt chiếc xe đạp Peugeut vào nhà. Đó là Thủy Tiên, con gái ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 4)
Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở ... |
Thủy Tiên nắm tay Bình lôi đi. Bà Tuyến và ông Biểu từ trong nhà nhìn ra với ánh mắt ngạc nhiên.
Ông Biểu lẩm bẩm với vợ:
- Quái lạ cái con này, từ xưa tới nay, có thấy nó tử tế với ai như thế đâu nhỉ.
Bà Tuyến bĩu môi:
- Chắc được một tuần? – Rồi bà hỏi chồng - Hôm nay ông cho thằng Bình ra cửa hàng phải không? Nhớ để mắt đấy nhé.
Ông Biểu lườm vợ:
- Mãi mà bà không bỏ được cái bệnh nghi ngờ.
Bà Tuyến:
- Chứ lại không à. Ngày trước, tôi tin ông… Đấy, tin quá nên mới ra nông nỗi này.
Rồi bà dài giọng:
- Thế nào, mau chóng mà đào tạo thằng cháu để nó trông nom cửa hàng giúp, rồi còn thời gian mà đi chăm sóc gái trẻ?
Nghe vợ nói móc máy, ông Biểu vội vàng lỉnh đi luôn. Sở dĩ ông Biểu sợ bà là bởi vì ông có cô vợ hờ. Hai người sống lén lút với nhau mấy năm nay và có một đứa con trai. Mãi tới năm rồi mới bị phát giác. Lúc đầu, bà Tuyến cũng làm tanh bành, nhưng vớ phải cô này cũng là dân có máu giang hồ, xuýt nữa thì bà bị ả cho ăn đòn, nên đành chịu.
Thủy Tiên đưa Bình ra một quán phở ngoài phố Khâm Thiên. Cô nhanh nhẹn kéo ghế cho Bình ngồi và hỏi:
- Anh ăn phở bò hay gà?
Bình chưa bao giờ được ăn phở nên chả biết thế nào, đành nói:
- Em chọn đi, ở quê làm gì có phở?
Thủy Tiên mỉm cười rồi khẽ gật đầu, rồi cô cao giọng gọi:
- Cho hai tái gầu đặc biệt. Một bát nước béo. Và quẩy nữa nhé!
Ông chủ quán nhìn Thủy Tiên cười tươi rói rồi thoăn thoắt thái thịt bày vào bát. Bình nhìn ông như thôi miên. Thủy Tiên chăm chú nhìn ánh mắt Bình và tự dưng thấy hay hay. Thủy Tiên véo vào cánh tay Bình:
- Anh nhìn gì mà ghê thế? Đúng là chưa được ăn phở thật.
Bình gật đầu:
- Ở quê nghèo lắm. Làm gì có phở mà ăn, chỉ có bún riêu cua và cháo lòng thôi. Nhưng cũng chẳng có tiền mà ăn đâu.
Thủy Tiên hỏi:
- Thế ở nhà anh ăn sáng bằng gì?
Bình cười:
- Khoai, sắn, ngô… may lắm được bát cơm nguội.
Người phục vụ bưng ra hai bát phở , bốc khói nghi ngút, thơm ngậy.
Bình nhìn bát phở và thấy lúng túng, vì không biết ăn thế nào. Thủy Tiên hiểu ý, liền giảng giải:
- Anh ăn được cay chứ?
Bình gật đầu. Thủy Tiên múc thìa tương ớt đổ vào bát phở của Bình:
- Nếu anh thích ăn cay nữa thì cho thêm, hoặc ăn ớt tươi… Anh cho quẩy vào ăn kèm. Ngon lắm.
Thấy còn thừa hai miếng chanh, Bình nhìn Thủy Tiên như muốn hỏi, Thủy Tiên hiểu ý:
- Chanh này để dành cho phở gà. Phở bò cho chanh không hợp…
Bình ăn phở và cảm thấy ngon vô cùng. Bình ăn hết bát phở và không chừa chút nước dùng.
Thủy Tiên đặt bát xuống, hỏi:
- Thế nào. Ngon không ông anh. Mà ăn phở, đừng húp hết nước như thế. Phải chừa lại một ít… Hì, gọi là cho lịch sự.
Bình gãi đầu, ngượng nghịu:
- Ngon quá. Phải chừa chỗ… lịch sự à?
Thủy Tiên bật cười:
- Cái anh này… Nhưng no chưa?
Bình khẽ gật đầu, mặc dù trong bụng thấy còn muốn ăn nữa
Thủy Tiên lắc đầu nói:
- Trông cái mặt của anh đủ biết phải ăn được hai bát nữa. Nhưng ăn phở no quá, mất ngon. Để sáng mai em lại đưa anh đi ăn phở nữa.
Bình lắc đầu nói:
- Đừng, đừng đưa anh đi, thím biết là khéo ăn chửi đấy. Lúc nãy, anh thấy thím nhìn khó chịu lắm.
Thủy Tiên gạt phắt:
- Anh sợ gì bà ấy. Em nói thật với anh, bà bô em tính đồng bóng, lại mê cờ bạc. Suốt ngày chỉ lo kiếm tiền. Nên anh không phải nghĩ đến bà ấy. Anh cứ ra cửa hàng làm cho tốt. Bố em trông thế thôi nhưng cũng tuyềnh toàng lắm, chẳng để ý gì đâu. Anh cứ làm lụng, chắt bóp đem về cho bác. Đừng ngại gì cả, còn có gì cứ bảo em.
***
Sáng hôm đó ăn phở xong, Bình về cửa hàng. Cửa hàng chữa xe đạp, xe máy của ông Biểu chỉ là một gian nhỏ ở phố Khâm Thiên. Cửa hàng rộng chừng 16m2, trong đó treo lủng lẳng đủ các thứ, săm, lốp xe đạp, rồi có cả một chiếc xe máy Simson cũ rích để ở đấy. Vừa mở cửa hàng giới thiệu cho Bình, ông Biểu vừa nói:
- Mày kiểm tra xem, đồ nghề đây, nhựa vá săm, đồ vá chín đây. Thế còn cái xe máy này hai hôm nay tao quần mà nó chưa nổ được máy. Bây giờ dắt cái xe ra ngoài cho thoáng nhà đã.
Bình còn đang lui cui dọn dẹp thì có người đến dắt theo một chiếc xe đạp Thống Nhất nam, bị xịt lốp vào:
- Ông chủ ơi, vá cho tôi cái lốp.
Ông Biểu bảo Bình:
- Cháu vá cái lốp cho ông ấy.
Người khách hỏi:
- Bao nhiêu tiền một nốt vá.
Ông Biểu nói:
- Bác thích vá chín hay vá sống.
Ông khách bảo:
- Thôi, vá sống cho nó rẻ.
Ông Biểu nói:
- Vá sống thì một đồng, vá chín thì đồng rưỡi.
Ông khách nhăn mặt:
- Lại mới lên giá à? Hôm nọ vá sống có 5 hào, bây giờ đã lên một đồng.
Ông Biểu cười nhạt:
- Ông anh lạ thật. Ông anh xem hôm nay giá gạo bao nhiêu mà anh còn chê đắt.
Người khách giao chiếc xe cho Bình.
Bình vật xe ra rồi thoăn thoắt móc lốp, thử săm và đánh miếng vá.
Ông khách nhìn Bình làm và nói:
- Này, anh có thằng thợ mới đấy à?
Ông Biểu đang ngồi xếp đồ, ngẩng lên hỏi:
- Sao ông thấy nó làm được không?
Ông khách nói:
- Ồ, thằng này làm khéo tay quá. Mà sao nó làm thạo nghề thế.
Ông khách hỏi:
- Cháu làm chữa xe được bao lâu rồi?
Bình lễ phép nói:
- Dạ, cháu biết chữa xe từ khi lên 5 tuổi.
Ông khách trố mắt:
- Cái gì, mày có nói phét không đấy?
Ông Biểu đỡ lời nói:
- Nó không nói phét đâu. Đúng đấy. Bố nó là thương binh cụt một tay cho nên mỗi lần vá săm hay làm gì dính đến xe cộ thì đều phải nhờ nó giúp. Cho nên nó biết làm từ lúc lên 5, lên 6 là đúng.
Ông khách lại hỏi:
- Thế năm nay mày bao nhiêu tuổi rồi?
Bình trả lời:
- Dạ, năm nay cháu 14 ạ.
Ông khách nói:
- Ồ, bé như thế này mà đã có thâm niên 9 năm chữa xe đạp. Thế mày có biết gì về xe máy không?
Bình gật đầu và nói:
- Dạ cháu có biết.
Ông khách càng ngạc nhiên và bảo:
- Mày cũng biết chữa xe máy. Thế trước mày chữa ở đâu?
Ông Biểu lại đỡ lời nói:
- Nó ở tít trong huyện cơ. Bố nó trước là thợ sửa chữa ôtô rất giỏi. Sau này thương binh về làng làm nghề chữa xe máy, xe đạp, ông ấy truyền nghề cho nó.
Ông khách gật gù bảo:
- Thằng này lạ nhỉ. Hay đấy, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” cháu ạ.
Bình thoăn thoắt vá săm xe cho ông, vá xong lắp vào xe và bơm lên, rồi lại cẩn thận nhấc xe lên, quay bánh xe một vòng, rồi Bình bảo ông:
- Chú ơi, xe của chú côn hơi bị dơ, đi như thế này hại bi, hại xích lắm.
Ông khách bảo:
- Ừ thế thì mày chỉnh lại cho chú đi.
Bình chỉnh lại côn, thế rồi Bình lại bóp phanh và bảo:
- Phanh của chú chùng quá đi thế này không được, cháu tăng lên cho chú nhé.
Ông khách khoái chí:
- Ồ thằng này hay thật. Thế cháu thấy cái xe này cần phải làm gì thì mày làm đi.
Bình tăng lại dây phanh rồi chỉnh lại phốt tăng xe cho cân, rồi Bình bảo:
- Chú lên đi thử đi.
Ông khách nhảy lên đi, ông đạp một đoạn rồi quay lại nói:
- Thằng này làm khá thật, giỏi, giỏi... Thế rồi ông khách rút tiền ra đưa cho Bình. Đây, miếng vá sống của cháu 1 đồng, còn cháu chỉnh các thứ chú cho thêm 5 hào nữa.
Rồi ông khách nói với ông Biểu:
- Này 5 hào là tôi cho riêng nó đấy nhé.
Ông Biểu:
- Vâng, cám ơn anh.
Người khách đi về. Bình đưa cả đồng rưỡi cho ông Biểu. Ông Biểu cầm 1 đồng và đưa cho Bình 5 hào và bảo:
- Ông ấy cho mày thì mày cầm lấy.
Bình lắc đầu nói:
- Thôi chú cứ cầm lấy.
Ông Biểu chẳng khách khí gì, cầm đút luôn vào túi và nói:
- Thôi được rồi, tao cứ giữ hộ mày, khi nào cần tiêu gì mày bảo chú.
Bình lại ngồi sắp xếp đồ đạc. Lúc đó Thủy Tiên ở đâu đến. Thủy Tiên nói:
- Thế nào đã mở hàng được gì chưa?
Ông Biểu bảo:
- Nó vừa mở hàng được một nốt vá, nó làm ông ta thích quá, ông ta cho nó 5 hào.
Thủy Tiên hỏi:
- Tiền đâu?
Bình nói:
- Anh đưa cho bố giữ hộ.
Thủy Tiên bảo:
- Bố đưa trả anh ấy đi, bố giữ hộ làm gì, khách người ta thưởng cho anh ấy thì đưa cho anh ấy giữ.
Ông Biểu bảo:
- Tao có muốn cầm đâu, nhưng mà nó đưa, nó bảo tao cầm hộ. Đây tiền của nó đây.
Ông Biểu cầm tờ 5 hào ném ra bàn.
Thủy Tiên cầm lấy nhét vào túi áo Bình và nói:
- Anh cứ giữ lấy, còn nếu như mà không cất được, đưa em cầm hộ.
Ông Biểu cười sằng sặc nói:
- Ối giời ơi, con ơi là con, đưa tiền cho mày cầm hộ quá bằng gửi trứng cho ác. Mày có nhớ mày vay tao bao nhiêu tiền rồi không? Nhưng đã bao giờ mày trả tao được đồng xu nào chưa?
Thủy Tiên cong cớn bảo bố:
- Gớm bố cho con vay được mấy đồng bạc, sao mà nhớ dai thế. Thế còn những lần mà con phải đứng ở ngoài con canh, con rình để cho bố mẹ ở trong nhà ngồi xới thế thì sao không trả công cho con.
Ông Biểu thở dài nói:
- Con với cái, đến thế này thì tao cũng hết chịu được mày.
Rồi ông lại hỏi Thủy Tiên:
- Hôm nay sao mày lại ở nhà?
Thủy Tiên bảo:
- Đấy, thế nào ông bà cũng nói được, đi chơi lại bảo hay đi chơi mà ở nhà thì lại hỏi sao ở nhà.
***
Một buổi sáng ở cửa hàng chữa xe đạp, xe máy mang tên Trường Thịnh của nhà ông Biểu.
Ông Biểu ngồi chồm hỗm bên chiếc xe máy Simson bình vuông, có vẻ như đang suy nghĩ điều gì đó khó xử lắm. Bình lặng lẽ lau dọn những chiếc cờ-lê, mỏ-lết và sắp xếp một cách rất ngăn nắp. Bình lau đồ nghề rất cẩn thận, rồi sắp xếp thứ nào ra thứ nấy theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Ông Biểu nhìn Bình sắp xếp cờ-lê ra vẻ hài lòng, ông tự nhủ trong lòng: “Thằng này đúng là được bố nó dạy bảo tử tế, chỉ có những người thợ được dạy bảo từ thời Pháp mới có lối sắp xếp đồ nghề như thế này”. Cũng vừa lúc đó thì Thủy Tiên đi đâu về, tay vẫn còn cầm một cái bánh mỳ.
Thủy Tiên bẻ một nửa đưa cho Bình nói:
- Này ông anh, em biết lúc nãy ông anh ăn bát phở vẫn còn đói.
Bình lắc đầu, bởi vì hai tay vẫn còn đầy dầu mỡ.
Thủy Tiên xé một miếng bánh bảo:
- Há mồm ra, em đút cho.
Ông Biểu nhìn thấy như vậy, chướng mắt bảo:
- Con này hay nhỉ, nó đang làm việc như thế, ăn với uống cái gì.
Thủy Tiên cười rình rích rồi bảo:
- Em cho anh ăn không được hay sao?! Con thấy mẹ đánh chắn, bố vẫn châm thuốc cho mẹ hút đấy thôi.
Ông Biểu lắc đầu không biết nói gì với con gái nữa, thế rồi ông dắt chiếc xe Simson ra ngoài và cắm đầu cắm cổ đạp cho xe nổ máy, nhưng chiếc xe cứ rồ lên một tiếng rồi lại tắt lịm. Ông Biểu ngồi thở dốc uống nước. Vừa lúc đó người chủ xe Simsơn đi một chiếc xe đạp đến, ông ta dựng xe vào cửa hàng rồi hỏi ông Biểu:
- Thế nào chú Biểu, chú không sửa nổi chiếc xe này à?
Ông Biểu nhăn nhó:
- Lạ thật, em quần nó suốt mấy ngày rồi mà không phát hiện ra nó bị bệnh gì.
Bình lau đồ nghề xong, ra ngồi cạnh chiếc xe và lắng nghe hai người nói chuyện.
Ông chủ xe bảo:
- Kể cũng lạ, tôi đã đưa đi hai cửa hàng rồi cũng không ai phát hiện ra được bệnh gì, nhưng tại sao cứ nổ được mấy tiếng rồi lại tắt lịm, chẳng lẽ bộ hơi hỏng hay sao.
Ông Biểu nói:
- Em kiểm tra rồi, hơi vẫn khỏe, điện tốt, xăng xuống đều, em thay cả một lít xăng mới mà vẫn không nổ.
Bình ngồi nghe hai ông nói chuyện, đột nhiên buột mồm bảo:
- Để cháu thử xem sao.
Ông Biểu ngạc nhiên nhìn Bình hỏi:
- Mày biết sửa xe máy à?
Bình nói:
- Dạ, bố cháu cũng dạy cháu.
Ông chủ xe bĩu môi hỏi:
- Thằng này anh mới nhặt ở đâu ra đấy?
Ông Biểu:
- Thằng cháu ở quê, bố nó là anh họ em, ông ấy mất, thấy nó chữa xe đạp giỏi em đưa nó ra làm cho em. Nó biết chữa cả xe máy đấy.
Ông chủ xe máy bảo:
- Thôi thôi, có giỏi cũng chỉ lau cái buzi là cùng, nhà quê thì lấy đâu ra xe máy mà chữa. Ông đừng có để nó đụng vào xe mà phá xe tôi. Được rồi cứ để xe đây, tôi nghĩ xem có chỗ nào làm được tôi lại mang đi sửa sau. Ông chỉ được cái nói phét. Cứ kêu rằng, xe nào vào tay ông cũng được.
Ông Biểu tức mình bảo:
- Ông cứ ngồi đây chờ, để tôi xem lại.
Rồi ông Biểu lại lấy tuýp tháo buzi ra, nhìn chiếc buzi bị ướt nhèm nhẹp.
Bình nói nhỏ:
- Chú ạ, rich-lơ xăng bị rỗng cho nên nó ăn thừa xăng.
Ông chủ xe nghe thấy Bình nói chữ “rích-lơ”, ông hơi giật mình nói:
- Thằng này nói được cả tiếng Pháp à?
Bình nói:
- Dạ, cái này bố cháu dạy.
Thế rồi Bình lấy ngón tay nhét vào lỗ buzi và một tay quay bánh xe để nổ xem áp lực hơi thế nào. Tiếng phịch phịch… phụt ra từ ngón tay, Bình bảo:
- Com-prét-xông vẫn tốt.
Ông chủ xe lại ngạc nhiên:
- Mày vừa nói cái gì? Com-prét-xông?
Bình:
- Dạ, vâng ạ. Hơi vẫn còn kín, còn tốt lắm.
Ông Biểu hỏi:
- Ồ nó đã nói như vậy, xem ra nó biết về xe khá đấy. Thế bây giờ mày chữa đi.
Bình nói:
- Vâng ạ, chú để cháu xem.
Bình lấy đồ nghề ra, tháo chế hòa khí giơ lên, rồi tháo rích-lơ xăng ra, Bình cắt một mẩu dây điện nhỏ như sợi tóc xoắn lại và nhét vào lỗ xăng rồi Bình lắp lại. Bình đạp cho xe nổ, lần này chiếc xe hự lên mấy tiếng rồi nổ giòn tan. Ông Biểu và người chủ xe trố mắt.
Thủy Tiên ngồi ở góc nhà nhảy cẫng lên:
- Ôi, anh giai giỏi quá.
Ông Biểu hỏi Bình:
- Tại sao lại như vậy? Tao kiểm tra suốt ngày hôm qua không được.
Bình giảng giải:
- Chú ạ, cái xe này cũ rồi, rích-lơ xăng nó bị mòn, nó rỗng cho nên xăng xuống nhiều quá, mà xuống nhiều thì không đốt được cho nên xe cứ nổ lại chết, lúc nãy cháu thấy buzi ướt nhèm nhẹp, cháu đoán là như thế.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 8)
Bình nhăn mặt: "Thằng Trúc này tôi lạ gì. Học hành thì chẳng tới đâu, chữ nghĩa thì giắt lưng được mấy chữ. Bây giờ ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 7)
Buổi sáng tại nhà Bình. Bình dậy sớm tập thể dục. Anh tập đạp xe trong nhà. Bình cắm đầu cắm cổ đạp cho đến ... |
Nguyễn Như Phong
Ngày đăng: 06:00 | 09/04/2018
/ Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân